|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nỗi lo lừa đảo khi mua sắm trực tuyến trong mùa dịch

15:57 | 21/08/2021
Chia sẻ
Lợi dụng nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao trong mùa dịch, các đối tượng tội phạm đã thu lợi bất chính từ những hành vi lừa đảo như ship COD, kêu gọi đầu tư,...

Hoạt động mua sắm trực tuyến đã gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra ngoài để tránh tiếp xúc nơi đông người.

Theo báo Công an Nhân dân, Công an TP HCM cho biết nhiều loại đối tượng tội phạm đã lợi dụng các sơ hở trong quá trình thanh toán số nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Theo đó, các đối tượng có thể dùng một số phương thức, thủ đoạn như lừa đảo qua dịch vụ "Ship COD" (dịch vụ vận chuyển sẽ ứng số tiền cho người bán khi nhận hàng và thu lại tiền của người mua khi giao hàng). 

Cụ thể, một số đối tượng yêu cầu người bán nâng giá ghi trên phiếu mua hàng của sản phẩm để thu các khoản chênh lệch giá. Nhiều người bán tin rằng việc đó không ảnh hưởng đến bản thân nên đồng ý và sử dụng dịch vụ "Ship COD" để giao nhận hàng.

Theo thỏa thuận, sau khi đưa hàng cho bên dịch vụ vận chuyển và nhận tiền hàng lớn hơn so với giá trị sản phẩm, người bán sẽ chuyển lại tiền chênh lệch cho các đối tượng lừa đảo. Khi dịch vụ vận chuyển thông báo không tìm thấy người nhận ở địa chỉ nhận hàng thì người bán phải hoàn tiền vì món hàng không được giao dịch. Như vậy, người bán đã bị các đối tượng lừa mất số tiền chênh lệch giá.

Một phương thức lừa đảo khác mà các đối tượng sử dụng là dùng ảnh chụp màn hình lệnh chuyển khoản giả. Thực tế, có không ít người bán bị lừa vì tưởng nhầm khách hàng đã chuyển khoản. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo giả làm khách mua hàng, đồng thời chụp màn hình điện thoại về các thông tin chuyển khoản thành công qua internet banking. Nhiều người bán tưởng thật nên đã nhờ các dịch vụ giao nhận chuyển hàng cho khách.

Để trấn an người bán, các đối tượng thường nói rằng ngân hàng hoặc mạng bị lỗi nên tiền chưa chuyển tới tài khoản. Tuy nhiên, trên thực tế các đối tượng không hề chuyển mà đó là một hình thức lừa đảo.

Nỗi lo tình trạng lừa đảo khi mua sắm trực tuyến trong mùa dịch - Ảnh 1.

Một ứng dụng giả mạo, kêu gọi đầu tư vắc xin. (Ảnh: Công an Nhân dân).

Ngoài ra, trong thời gian gần đây còn xuất hiện hình thức lừa đảo đầu tư vắc xin COVID-19, thiết bị y tế qua các ứng dụng. Người dùng có thể bị dụ dỗ, lôi kéo đăng ký tài khoản tại một trang web hoặc ứng dụng không rõ nguồn gốc, không có bản quyền công ty bảo hộ, việc đầu tư được quảng cáo sẽ sinh lời hàng ngày. Nhiều người đã bị lừa những khoản tiền không nhỏ khi tham gia vào hình thức đầu tư này.

Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo còn lên mạng xã hội để lan truyền thông tin, quảng bá các dịch vụ, sản phẩm về vắc xin. Thậm chí, có đối tượng còn giả danh nhân viên bệnh viện, thông báo đã điều trị khỏi bệnh cho người thân hoặc bạn bè mắc COVID-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán viện phí.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, dưới mọi hình thức mua sắm và đầu tư, người dân nên có sự cảnh giác cao, đặc biệt cần kiểm tra thông tin và xác minh các nguồn khác nhau để tránh mất tiền oan.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Anh