Amazon dẹp nạn đánh giá ảo từ Trung Quốc khiến hơn 50.000 nhà bán hàng bay màu, 100 tỷ nhân dân tệ bị bốc hơi
Trung Quốc nổi tiếng là "công xưởng của thế giới", ở đây họ làm ra đủ thứ, từ tai nghe không dây đến cây lau nhà... và để đưa những sản phẩm này thâm nhập thị trường Mỹ, nhiều năm qua các nhà sản xuất Trung Quốc đã tìm đến sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới - Amazon.
Theo Bloomberg, các công ty Trung Quốc sử dụng một chương trình có tên là Fulfillment by Amazon (FBA) cho phép các nhà phân phối lưu trữ hàng hóa của trong kho của Amazon và giao cho sàn thương mại điện tử này xử lý khâu giao, trả hàng và trao đổi.
Nạn đánh giá ảo tràn làn trên Amazon
Để thu hút khách hàng trên Amazon, những người bán hàng Trung Quốc đã có nhiều chính sách tặng quà hoặc thậm chí là tiền mặt cho những người mua hàng sẵn sàng viết "lời hay ý đẹp" dành cho đánh giá sản phẩm.
Trước đây, Amazon đã từng cho phép các nhà bán hàng sử dụng cách này để có được những đánh giá "đẹp" nhằm ghi điểm sản phẩm với khách hàng. Nhưng từ năm 2016, Amazon đã bắt đầu không khuyến khích điều này vì họ nhận ra rằng chúng làm ảnh hưởng đến sự chân thật của các đánh giá.
Tuy vậy, nhiều người bán đã "lách luật" bằng cách tuyển người mua sắm trên Facebook và hoàn tiền cho họ qua PayPal để tránh sự phát hiện của Amazon.
Nói đi thì cũng phải nói lại, dù không khuyến khích hành động của nhà bán hàng nhưng trong nhiều năm qua, Amazon đã không thực hiện quyết liệt chính sách hạn chế vì họ mong muốn có thêm nhiều nhà bán hàng đến từ quốc gia tỷ dân Trung Quốc - một nguồn cung cấp hàng hóa giá rẻ dồi dào thông qua FBA.
Tuy nhiên, hiện Amazon đang áp đặt các biện pháp mạnh mẽ hơn với những đánh giá ảo này, theo Bloomberg. Từ quý II, các nhà quan sát trong ngành công nghiệp Trung Quốc cho biết, Amazon đã thực hiện các chính sách mới, họ đình chỉ các nhà bán lẻ và đóng băng hàng tồn kho của những đơn vị này tại Mỹ.
Theo Hiệp hội thương mại điện tử xuyên biên giới Thâm Quyến, hơn 50.000 tài khoản của nhà bán hàng Trung Quốc đã "bay màu" trên Amazon, thiệt hại doanh thu lên tới 100 tỷ nhân dân tệ (15,4 tỷ USD).
"Hàng không thể hoàn trả các nhà cung cấp, vay ngân hàng cũng bất khả thi, nhân viên của nhà bán hàng đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, trong khi lợi nhuận trong vài năm qua đã bị tiêu sạch chỉ sau một đêm", ông Wang Xin, Chủ tịch hiệp hội nói.
Theo ông Wang Xin, ngành công nghiệp "gần như đã đổ sụp hoàn toàn." Mặc cho chính sách của Amazon nhằm ngăn chặn các bài đánh giá ảo và áp dụng cho tất cả người bán, nhưng dựa trên dữ liệu được Marketplace Pulse cung cấp, tất cả các tài khoản bị tạm ngưng gần đây đều có trụ sở tại Trung Quốc.
Trong khi đó, Amazon phủ nhận cáo buộc cho rằng họ đang áp đặt lệnh trừng phạt không công bằng đối với các công ty Trung Quốc. Một nhân viên của Amazon nói với Bloomberg: "Chúng tôi không chấp nhận các bài đánh giá ảo hoặc nhận tiền để đánh giá tốt từ bất kỳ người bán nào. Chúng tôi luôn ưu tiên hạn chế gian lận của người bán hàng, đồng thời thực hiện các hành động thích hợp để buộc những người có hành vi trên phải chịu trách nhiệm."
Trong nhiều năm qua, hàng giả đang xâm chiến Amazon và họ đang phải thực thi các điều khoản mới để tránh khỏi bị khách hàng phàn nàn về chất lượng sản phẩm. Công ty dường như đang cố khắc phục những sai lầm trước đó.
Nhà bán hàng Trung Quốc điêu đứng vì Amazon siết chặt chính sách
Theo Bloomberg, hồi tháng 5, cuộc trao đổi giữa người bán trên Amazon với người viết đánh giá ảo đã bị rò rỉ và ngay lập tức, Ủy ban Thương mại Liên bang muốn Amazon phải mạnh tay dẹp tình trạng này. Trong khi đó, những nhà bán hàng tại Mỹ lên án thái độ hời hợt của Amazon với nạn đánh giá ảo đến từ Trung Quốc, họ cho rằng ông lớn thương mại điện tử này đang có "nhằm mắt làm ngơ" với phía Trung Quốc nhằm mở đường cho nhiều nhà bán hàng tại quốc gia tỷ dân gia nhập thị trường.
"Chúng tôi rất vui nếu Amazon mạnh tay với các đánh giá ảo đến từ Trung Quốc, chúng thực sự đang gây hại cho chúng tôi", David Wright, nhà điều hành một công ty bán hàng trên Amazon nói. Wrigh cho biết công ty của ông bị kéo tụt hàng trên Amazon vì hàng loạt đánh giá xấu - điều được cho là giả.
Theo Marketplace Pulse, số nhà bán hàng đến từ Trung Quốc chiếm một nửa số người bán hàng trên Amazon, tăng 13% từ năm 2016.
Nhờ Amazon, doanh số bán hàng của Anker đã được thúc đẩy, năm ngoái công ty này đã bán được khoảng 1,4 tỷ USD bộ sạc di động, cáp, dây nguồn và các phụ kiện khác, tăng từ 378 triệu USD vào năm 2016.
Không may mắn như vậy, công ty Qianhai Patozon, hãng sản xuất thương hiệu tai nghe từng bán chay Mpow đã có mặt trên Amazon kể từ tháng 4 nhưng trong tháng này, họ buộc phải tạm dừng hoạt động của nhóm nghiên cứu, phát triển sản phẩm trong khi các nhân viên khác thì đang được khuyến khích tìm việc làm ở nơi khác.
SACA, một công ty đến từ Quảng Đông đang cố gắng thuyết phục Amazon hủy bỏ quyết định đình chỉ các sản phẩm mang thương hiệu RAVPower và VAVA của họ hồi tháng 6 vì những chính sách tặng quà của hãng này trên Amazon. Hiện tại, SACA Quảng Đông đang cố gắng bán hàng qua các trang web của họ và còn giảm giá tới 60%.
Candy Wu, giám đốc một công ty chuyên bán các mặt hàng như nước rửa tay và dụng cụ làm sạch trên Amazon đã rơi vào cảnh thất nghiệp từ giữa tháng 8 sau khi công ty của cô rơi vào "black list" những đơn vị thao túng đánh giá trên Amazon.
Wu nói: "Chúng tôi không phải là những người bán hàng kém chất lượng với những chiêu trò thao túng. Nhưng nếu bạn muốn tồn tại, bạn phải tạo ra những sản phẩm tốt, giảm thiểu chi phí hậu cần và làm đẹp cho sản phẩm bằng các bài đánh giá tốt". Wu cho biết không chỉ mỗi Trung Quốc, các nhà bán hàng tại Mỹ cũng ưa thích chiêu trò đánh giá ảo này.
Theo Chủ tịch Wang Xin: "Đừng vượt qua ranh giới nếu bạn muốn kinh doanh bền vững. Nếu người Trung Quốc muốn được đối xử công bằng trên thị trường toàn cầu, họ cần mang đến những sản phẩm sáng tạo và những thương hiệu mạnh".