|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nở rộ những 'chuyên gia tài chính' trên mạng xã hội: Kiếm bộn tiền từ TikTok, đại diện công ty bitcoin, mở khóa học riêng

22:33 | 20/09/2021
Chia sẻ
Các công ty tài chính từ lâu đã phải rất chật vật để tiếp cận lứa khách hàng trẻ, đặc biệt là thế hệ Millennials và Gen-Z. Giờ đây, nhờ các "chuyên gia tài chính" trên mạng xã hội, mục tiêu này đang rất gần tầm với của doanh nghiệp.

Những "chuyên gia tài chính" trên mạng xã hội

Ban đầu, không ai có thể giải thích tại sao hoạt động kinh doanh của hãng tư vấn Betterment (trụ sở tại Mỹ) lại đột ngột trở nên bùng nổ. Trong một ngày, hãng này có thể nhận đến gần 10.000 lượt đăng ký tư vấn từ khách hàng.

Chia sẻ về sự gia tăng đột biến số lượng yêu cầu tư vấn của khách hàng, bà Arielle Sobel, Giám đốc Truyền thông của Betterment, cho hay: "Chúng tôi hoàn toàn không biết nguyên nhân. Công ty không chi tiền chạy quảng cáo nên không ai có manh mối nào".

Sau đó, câu trả lời dần lộ diện. Không ai khác mà chính là một TikToker 25 tuổi đến từ bang Tennessee, Austin Hankwitz, người đã đăng tải video hướng dẫn người hâm mộ kiếm tiền bằng nền tảng Betterment.

Những người trẻ như TikToker này đang tạo ra một xu hướng nghề nghiệp mới: "finfluencer" toàn thời gian - những "chuyên gia tài chính" trên mạng xã hội.

Từ chia sẻ về những bí kíp cuộc sống, sản phẩm làm đẹp, phim ảnh bom tấn của Hollywood, những thanh thiếu niên và người trẻ trong độ tuổi 20 đang lao vào lĩnh vực tài chính, Bloomberg cho hay.

Mạng xã hội có thể là một công cụ sinh lợi cho những ai có lượng người theo dõi lớn và khả năng thúc đẩy khách hàng tìm đến các sản phẩm tài chính.

Theo ông Brian Hanley, CEO của công ty quản lý influencer Bullish Studio, cho biết nhà sáng tạo nội dung có thể được trả 100 - 1.500 USD cho một lần người hâm mộ nhấp vào quảng cáo đăng trên Instagram Stories của họ, hoặc 1.000 - 10.000 USD cho một bài đăng.

Trên TikTok, giá của một bài viết có thể dao động từ 2.500 đến 20.000 USD tùy thuộc vào mức độ viral của video và số lượng người theo dõi của influencer. Để đạt được thành công này, người sáng tạo nội dung phải có một cá tính nhất định.

Nở rộ những 'chuyên gia tài chính' trên mạng xã hội: Kiếm bộn tiền từ TikTok, đại diện công ty bitcoin, mở khóa học riêng - Ảnh 1.

Austin Hankwitz kiếm được bộn tiền nhờ trở thành một "finfluencer", chuyên gia tài chính trên mạng xã hội. (Ảnh: Bloomberg).

Các "chuyên gia" như Hankwitz có thể trau chuốt những khái niệm như đầu tư thụ động, đầu tư bất động sản, dự báo giá bitcoin thành các video dễ tiêu hóa thông qua các ứng dụng ngắn, âm nhạc vui tươi và chú thích đầy màu sắc. Điều này giúp những sản phẩm đầu tư tài chính,… "dễ vào đầu" thế hệ Millennials và Gen-Z hơn.

Đối với những doanh nghiệp trong ngành tài chính, hợp tác với các "finfluencer" chắc chắn là điều không cần bàn cãi. Chưa bao giờ thị trường tài chính tiếp xúc trực tiếp và nhanh chóng với giới trẻ như hiện nay, đặc biệt là tại thời điểm đầu tư nhỏ lẻ đang bùng nổ.

Trong đại dịch COVID-19, một số người lại có trong tay những khoản tiền nhàn rỗi và thời gian dư dả nên họ thường dành nhiều giờ cho các ứng dụng tài chính.

Chỉ riêng tại Mỹ, số giờ mà nhà đầu tư nhỏ lẻ bỏ ra cho các ứng dụng tài chính đã tăng khoảng 90% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượt tải ứng dụng loại này tăng 20%, theo công ty phân tích App Annie.

Ngoài ra, việc tham gia vào thị trường chứng khoán thông qua thiết bị di động cũng tăng cao, số giờ người Mỹ dành cho các ứng dụng giao dịch và đầu tư chứng khoán đã nhảy vọt 135%.

Sau khi Betterment nhận thấy lợi ích mà hãng nhận được thông qua các bài đăng của Hankwitz, công ty đã thuê anh chàng TikToker sử dụng mạng xã hội cá nhân để quảng bá cho các dịch vụ tư vấn của mình.

Wealthfront, một công ty tư vấn khác, đã hợp tác với khoảng 15 "finfluencer", trong đó có Haley Sacks, người được biết đến trên Instagram với cái tên Mrs. Dow Jones. "Thành thật mà nói, họ biết cách truyền tải câu chuyện của chúng tôi tốt hơn cả chúng tôi", Giám đốc Truyền thông của Wealthfront nhấn mạnh.

Đổi nghề, đổi vận

Trước năm ngoái, Hankwitz vẫn là một nhân viên công sở kiểu cũ, chuyên phụ trách các thương vụ mua bán và sáp nhập cho một công ty chăm sóc sức khỏe, và sáng tạo nội dung TikTok chỉ là công việc phụ của cậu.

Giờ đây, Hankwitz là một "món hàng nóng hổi" trong mắt các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp tài chính mong muốn có thể tiếp cận gần 500.000 fan của chàng thanh niên trên TikTok.

Một số công ty còn thuê Hankwitz tư vấn marketing, mời cậu vào ngồi trong các cuộc trò chuyện cùng giới CEO và thậm chí đề cử vào hội đồng quản trị của công ty, theo Bloomberg.

Cho mỗi bài đăng trên trang TikTok cá nhân, Hankwitz sẽ tính phí từ 4.500 đến 8.000 USD. Hankwitz cho biết Fundrise, một nền tảng đầu tư bất động sản, trả tiền hàng tháng để cậu đăng hai video lên TikTok. Hơn nữa, Hankwitz còn có thể nhận thưởng lên tới 2.000 USD/tháng dựa trên số lượng người mà cậu đẩy vào nền tảng.

BlockFi, một ứng dụng giao dịch tiền ảo, trả cho Hankwitz khoảng 25 USD cho mỗi người mà nam TikToker giới thiệu đến nền tảng này thông qua mã code của riêng cậu.

Hankwitz ước tính mình đã giới thiệu được hơn 240 tài khoản cho Fundrise và hàng chục nghìn khách hàng cho Betterment. Giá trị giao dịch phát sinh từ mã code BlockFi của anh chàng này đạt khoảng 268.000 USD một tháng.

Tổng cộng, Hankwitz đang đại diện cho 6 công ty. Hơn nữa, với khoảng 4 đến 17 USD/tháng, các siêu fan có thể theo dõi thêm Hankwitz trên kênh Patreon, nơi mà cậu chia sẻ các bài phân tích tài chính và đầu tư chuyên sâu hơn. Hiện tại, cậu sở hữu khoảng 1.100 người theo dõi trên Patreon.

"6 tháng trước, tôi bỏ việc để dành toàn thời gian làm một finfluencer", Hankwitz chia sẻ với Bloomberg.

TikToker này từ chối tiết lộ thu nhập hàng năm, song lưu ý rằng con số cao hơn 500.000 USD. Ngoài ra, cậu cho biết mình đã xây dựng một danh mục đầu tư trị giá 1,3 triệu USD từ tháng 3 năm ngoái, một phần là cổ phiếu nhận được từ các thương hiệu mà cậu đại diện.

Hoặc như trường hợp của "Mrs. Dow Jones" Haley Sacks, người có khoảng 215.000 fan trên Instagram. Cô giải thích lãi kép bằng cách so sánh nó với sự nổi tiếng của nữ ca sĩ Billie Eilish hoặc ví bitcoin như mối quan hệ tình ái giữa Jennifer Lopez và Ben Affleck, Bloomberg ví dụ.

Sacks phát triển trang Mrs. Dow Jones vào năm 2017, sau một thời gian dài làm việc trong lĩnh vực hài kịch. "Tôi tạo ra những nội dung mà tôi cần và đương nhiên người khác cũng cần", Sacks nhấn mạnh.

"Nếu bạn theo dõi tôi, rõ ràng bạn cũng thích văn hóa đại chúng, chúng ta có cùng chung ngôn ngữ. Nếu bạn có thể hiểu mối quan hệ giữa hai ngôi sao nổi tiếng, thì bạn cũng có thể nắm bắt được bất kỳ khái niệm tài chính nào", cô nói thêm.

Mrs. Dow Jones so sánh bitcoin với mối quan hệ tình cảm giữa nữ ca sĩ Jennifer Lopez và nam diễn viên Ben Affleck. (Video: Instagram/Mrs. Dow Jones).

4 năm sau khi ra mắt Mrs. Dow Jones, Sacks đã ký hợp đồng với một công ty quản lý và xây dựng đội ngũ nhân sự để giúp cô đàm phán những hợp đồng 6 con số với các thương hiệu lớn nhỏ. Cô bắt đầu hợp tác với Wealthfront từ hai năm trước.

"Cách mà Haley Sacks liên hệ kiến thức tài chính với văn hóa đại chúng thật là thiên tài", Giám đốc Truyền thông của Wealthfront ca ngợi.

Tương tự như Hankwitz, Sacks cũng đang tận dụng nhu cầu học hỏi kiến thức tài chính của người hâm mộ bằng cách mở một khóa học trên website cá nhân, Finance Is Cool. Người theo dõi có thể lắng nghe Sacks chia sẻ bí kíp quản lý tiền bạc với khóa học trị giá 115 USD.

Dù vậy, doanh nghiệp và cả người dùng mạng đều cần phải cẩn trọng trước các "finfluencer" vì nội dung lừa đảo và thông tin sai lệch đang lan tràn một cách không kiểm soát, Bloomberg lưu ý.

Yên Khê

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.