|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nợ của doanh nghiệp Mỹ ở mức báo động

08:10 | 13/09/2018
Chia sẻ
Nhiều nhà kinh tế cảnh báo, ngoại trừ các công ty lớn nhất của Mỹ, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu hiện nay của doanh nghiệp hiện cao hơn so với thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
no cua doanh nghiep my o muc bao dong
Nợ của doanh nghiệp Mỹ đang ở mức báo động

Điều này không phải là vấn đề đáng lo ngại, nếu các doanh nghiệp Mỹ vẫn đủ khả năng trả nợ. Mặc dù vậy, ông Steve Blitz, Chuyên gia kinh tế trưởng tại TS Lombard, nhận thấy một rủi ro nghiêm trọng từ nợ của các doanh nghiệp và các nguồn lực trả nợ của họ.

"Vấn đề đáng lo ngại nhất đối với các doanh nghiệp Mỹ là tỷ lệ nợ/ vốn chủ sở hữu đang ở mức quá cao, ngoại trừ 10 doanh nghiệp hàng đầu của nước này, đó là các công ty công nghệ và dược phẩm có quy mô lớn", ông Blitz cho biết.

Theo ông Blitz, các doanh nghiệp Mỹ đang vay mượn dựa trên giá trị ròng của họ, trái ngược với việc vay mượn dựa trên vốn chủ sở hữu và thu nhập, một điều giống như các hộ gia đình đã làm vào năm 2004, 2005 và 2006.

S&P Global báo cáo nợ doanh nghiệp của Mỹ đạt con số khổng lồ 6,3 nghìn tỷ USD trong tháng 6 vừa qua, các doanh nghiệp đã phải chi khoảng 2,1 nghìn tỷ USD để trả gốc và lãi của khoản nợ đó.

Trong khi đó, tỷ lệ tiền mặt/nợ phải trả của những doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn đạt mức thấp kỷ lục 12% trong năm 2017, dưới mức 14% trong năm 2008 - có nghĩa là với mỗi USD tiền mặt, các doanh nghiệp này đang nợ 8 USD.

Điều đó có nghĩa các doanh nghiệp đã vay số tiền ngày càng lớn trong điều kiện lãi suất thấp kể từ cuộc khủng hoảng gần nhất mà không cải thiện thanh khoản của mình.

"Nếu thị trường xuống giá vì bất kỳ lý do gì, khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra, giống như cuộc khủng hoảng trước đây", ông Blitz nhận định.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã cảnh báo về mối đe dọa tương tự khi cho rằng hành vi cho vay rủi ro hơn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.

"Một giai đoạn tăng trưởng tín dụng cao nhiều khả năng sẽ kéo theo một sự suy thoái nghiêm trọng hoặc căng thẳng tài chính trong trung hạn nếu điều đó đi kèm với sự gia tăng rủi ro phân bổ tín dụng", IMF cảnh báo.

Xem thêm

Cẩm Anh