Những trường hợp nào được chuyển từ cách li tập trung về cách li tại cộng đồng?
Thông tin tại cuộc họp sáng 11/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho biết, đơn vị nhất tiếp tục kiên định thực hiện cách li tập trung 14 ngày. Ban Chỉ đạo đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho các địa phương về việc giảm mật độ cách li và tổ chức cách li tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về giảm mật độ cách li, theo đó người đang cách li tập trung, sau 3 ngày cách li tập trung đã xét nghiệm âm tính thì có thể chuyển về cách li tại cộng đồng và giám sát chặt chẽ, đồng thời tiến hành lập hồ sơ sức khoẻ điện tử. Cấp uỷ, chính quyền địa phương có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, giám sát người cách li tại nhà,...
Về việc xử lí môi trường, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về qui trình cho các địa phương thực hiện diệt khuẩn, tiêu trùng tẩy độc tại gia đình và khu vực có người nhiễm COVID-19; hướng dẫn diệt khuẩn tại các địa điểm công cộng, điểm du lịch, trường học… tránh lãnh phí không cần thiết, thậm chí gây hoang mang cho người dân.
Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các địa phương việc phân luồng, tổ chức khám chữa bệnh cho những trường hợp cảm sốt thông thường,…
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng bàn thảo vấn đề có nên báo cáo cấp thẩm quyền cho phép tổ chức cách li tập trung đối với những người đến từ Châu Âu hay không.
Theo đó, Ban Chỉ đạo cho rằng, bản chất việc tổ chức cách li là sàng lọc, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm để thực hiện biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Do đó, không cực đoan cho rằng tất cả mọi người đến từ các nước châu Âu đều là người có nguy cơ. Thay vào đó, chỉ cách li những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh, đó là những người đã đi qua vùng dịch, ổ dịch, có tiếp xúc gần với người đã đi qua vùng dịch...
Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao thống nhất các địa điểm được coi là vùng dịch, ổ dịch COVID-19 để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.