|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những điểm đáng suy ngẫm từ sự rút lui của VinSmart ở mảng smartphone và TV

14:50 | 10/05/2021
Chia sẻ
Một số chuyên gia cho rằng quyết định của VinSmart là có thể hiểu được khi dư địa kinh doanh smartphone và TV đang trở nên chật hẹp trong khi tiềm năng ở những mảng khác được đánh giá cao hơn.
Thấy gì từ sự rút lui của VinSmart? - Ảnh 1.

Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). (Ảnh: Vingroup).

Chuyển hướng kinh doanh khi dư địa đột phá không còn nhiều

Ngày 9/5, VinSmart tuyên bố ngừng sản xuất TV và smartphone để tập trung nguồn lực cho mảng kinh doanh ô tô VinFast. Thông tin này khiến cộng đồng không khỏi bất ngờ bởi hãng điện thoại Vsmart từng có thời điểm chiếm vị trí thứ ba về thị phần smartphone Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, việc sản xuất điện thoại hoặc TV thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng.

Trên thị trường nội địa, Vsmart đã cho ra đời 19 chiếc điện thoại kể từ năm 2018 và phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng điện thoại nổi tiếng trên thế giới như Samsung, Apple hay các hãng điện thoại từ Trung Quốc như Oppo, Vivo, Realme.

Ông Nguyễn Việt Quang cho biết, thực tế, lĩnh vực điện thoại hay TV thông minh hiện đã có quá nhiều nhà sản xuất tham gia, dư địa đột phá cơ bản không còn nhiều và rõ ràng không mang giá trị lớn hơn cho mọi người.

Nói về quyết định này của VinSmart, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc AFA Research & Education, nhận định chiến lược đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh tiếp tục cho thấy rủi ro quá lớn, kể cả khi nguồn lực từ bất động sản đang là "vô tận". 

"Việc Vingroup từ bỏ mảng điện thoại di động và TV hoàn toàn có thể hiểu được", ông Long viết trên Facebook cá nhân. 

Theo ông, trong điều kiện công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam được xếp hạng yếu kém và chưa có dấu hiệu cải thiện thì đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất của các tập đoàn trong nước đang gặp khó khăn.

Những điểm nhấn từ sự rút lui của VinSmart ở mảng smartphone và TV - Ảnh 2.

(Ảnh: VinSmart).

Về câu chuyện tập trung nguồn lực cho mảng ô tô, ông Thành Long cho rằng công ty đang trong quá trình tạo dựng thương hiệu, nhưng cuối cùng thì sản phẩm vẫn là điều quan trọng nhất đối với mọi doanh nghiệp. VinSmart chuyển hướng sang "giúp việc" cho VinFast là để tăng năng lực trong sản xuất ô tô.

"Nếu VinFast thành công, doanh nghiệp này có thể là đầu tàu kéo nền sản xuất của Việt Nam phát triển cực thịnh và bền vững. Ngược lại, sản xuất tại Việt Nam sẽ chỉ dựa vào những lĩnh vực kém bền vững như thép, chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ giá hàng hoá và gây ô nhiễm", ông Thành Long nêu quan điểm.

Hơn 3 năm khởi nghiệp, VinSmart rút ra bài học gì? 

Xét về góc độ khởi nghiệp, ông Lê Viết Hải Sơn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Novaon (chuyên về giải pháp phần mềm), cho rằng việc một công ty khởi nghiệp gia nhập hay rút lui khỏi thị trường là bình thường, quan trọng là vẫn giữ được tinh thần khởi nghiệp và nhanh chóng rút ra được bài học để tiếp tục bật dậy.

Theo đó, ông Hải Sơn đã chỉ ra 4 điểm đáng suy ngẫm qua câu chuyện của VinSmart. Đầu tiên là "đã quyết làm thì phải làm quyết liệt, làm mới hay cắt lỗ đều phải dứt khoát. Thấy sai là sửa, không cố chấp, không tự ái".

Thứ hai, sản phẩm, công nghệ vẫn là lõi quyết định thắng thua trong dài hạn, còn truyền thông, thương hiệu, bán hàng chỉ là cú huých ban đầu.

Ông Hải Sơn cho rằng VinSmart rút nhanh khỏi thị trường vì thấy không thể làm chủ công nghệ lõi (của smartphone). Còn công nghệ lõi của xe điện là công nghệ pin và hệ điều hành trên xe.

"Có vẻ như VinFast đã nhìn thấy điều này, hy vọng Vingroup tìm đúng lời giải", ông Hải Sơn viết trên Facebook cá nhân.

Thứ ba, việc đem tư duy kinh doanh của một ngành mà công ty đã thành công sang làm một ngành mới là điều không nên, đặc biệt là ngành xa rời cốt lõi kinh doanh. Ở đây, ông Hải Sơn nhắc tới thành công của Vingroup ở lĩnh vực bất động sản nhưng gặp cản trở lớn khi áp dụng tư duy này sang lĩnh vực công nghệ.

Tuy nhiên, ông cho rằng câu chuyện của VinSmart hay VinFast đều tạo nhiều cảm hứng và thể hiện ý chí của giới doanh nhân Việt vì dám nghĩ lớn, dám làm lớn.

Hiện phần lớn sản phẩm điện tử mang thương hiệu Vsmart được sản xuất tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart của Vingroup ở Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội. Công suất thiết kế giai đoạn một đạt hơn 26 triệu thiết bị/năm, trong đó công suất thiết kế smartphone ước tính 23 triệu sản phẩm/năm.

Vingroup cho biết sau khi dừng mảng di động và TV, nhà máy VinSmart sẽ tiếp tục sản xuất các thiết bị hiện có cho đến hết vòng đời của sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Sau đó một phần của nhà máy sẽ được sử dụng để gia công cho các đối tác, phần còn lại được mở rộng điều chỉnh để sản xuất các sản phẩm mới.

Thấy gì từ sự rút lui của VinSmart? - Ảnh 3.

Xe điện VF e34 lăn bánh thử nghiệm tại một khu đô thị ở Hà Nội hôm 6/5. (Ảnh: VinFast).

Ông Nguyễn Việt Quang nhận định rằng, việc làm ra những thế hệ ô tô điện thông minh hay biến các thành phố, nơi cư trú của con người trở thành các "thành phố thông minh, nhà thông minh" sẽ mang lại nhiều lợi ích và trải nghiệm thú vị hơn cho nhân loại.

"Ở lĩnh vực này, chúng tôi không xuất phát muộn hơn các hãng khác, thậm chí có lợi thế từ việc được tiếp cận ngay những công nghệ sản xuất hiện đại nhất", ông Quang cho biết.

Với vai trò mới, nhà máy VinSmart sẽ đảm trách việc phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở, với các nền tảng như thành phố thông minh - nhà ở thông minh, cùng các thiết bị IoT khác.

Theo Vingroup, trọng điểm mới của VinSmart là phát triển các tính năng thông tin - giải trí - dịch vụ cho ô tô VinFast. Đồng thời tập trung vào việc nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các linh kiện điện tử, các tế bào pin điện, các hệ thống pin điện hoàn chỉnh và động cơ điện các loại, nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa và đảm bảo nguồn cung chất lượng cao cho VinFast.

Riêng về người lao động, Vingroup cho biết các vị trí việc làm trong dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh và TV sẽ không bị ảnh hưởng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tường Vy

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.