Những dấu hiệu bạn đang bị lừa đảo khi mua sắm trực tuyến
Trang MSN đã chỉ ra một số dấu hiệu điển hình giúp người mua sắm online hình dung được những khả năng họ có thể đang vướng phải sự lừa đảo đến từ rất nhiều người bán hàng từ xa.
Thiếu thông tin liên lạc
Ngay cả các doanh nghiệp không có văn phòng hay cửa hàng cũng phải được đặt ở đâu đó. Hãy tìm thông tin liên hệ hoặc một trang về thông tin đăng kí nào đó để tìm hiểu về hoạt động của doanh nghiệp hoặc người bán. Không có địa chỉ hoặc số điện thoại liên lạc có thể là dấu hiệu cảnh báo.
Trang web không an toàn
Các trang web bảo mật được biểu thị bằng "https" thay vì "http" ở đầu URL. Khách hàng được khuyến nghị không điền, gửi dữ liệu cá nhân hoặc tài chính đến các trang web không bảo mật.
Các trình duyệt web cũng có thể giúp người mua hàng chú ý một trang web an toàn hay không. Một khóa kín, thường có màu xanh lá cây trong thanh địa chỉ có thể được tìm thấy. Khóa mở và có nền đỏ sẽ cho biết trang web không sử dụng giao thức bảo mật để gửi và nhận dữ liệu.
Biểu tượng an ninh thông tin
Các biểu tượng kiểm định mức độ tin cậy như McAfee, Truste có thể cho biết một trang web được theo dõi hoặc sử dụng các biện pháp bảo mật để bảo vệ dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, chúng cũng có thể bị sao chép.
Quan trọng là những biểu tượng này phải có thể nhấp được, dẫn đến trang web của nhà cung cấp phần mềm hoặc bật lên cửa sổ báo tính hợp lệ của nó. Dĩ nhiên, việc thiếu một biểu tượng không có nghĩa là một trang web không an toàn, nhưng việc nó không thể nhấp được chuột có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Phần mềm độc hại scareware
Thường trên một trang mua bán điện tử sẽ xuất hiện một số cửa sổ nhảy ra cảnh báo rằng trang web không an toàn và hướng người mua hàng tải xuống bản cập nhật trình duyệt hoặc phần mềm chống vi-rút. Nhưng chính việc tải xuống thực sự có thể là vi-rút. Cảnh báo giả có thể xuất hiện gần giống với cảnh báo thật, nhưng cảnh báo thật sẽ không cho bạn tải xuống bất cứ thứ gì.
Thông tin thanh toán không cần thiết
Một số nhà bán lẻ có thể yêu cầu người mua đăng kí bản tin qua e-mail và cung cấp thêm thông tin cá nhân, chẳng hạn như sở thích mua sắm hoặc thu nhập hàng năm. Dữ liệu có thể giúp họ hiểu rõ hơn về khách hàng. Nhưng một trang web đáng tin cậy sẽ không yêu cầu dữ liệu cá nhân không cần thiết, chẳng hạn như số bảo hiểm xã hội.
Đánh giá trang web tiêu cực
Hãy dành vài phút để đọc qua các đánh giá hoặc khiếu nại về trang web. Nhưng cũng đừng quá nhanh chóng kết luận điều gì khi đọc các xếp hạng tiêu cực. Trang web có thể không phải là một mối lo ngại, nhưng các sản phẩm mà nó bán có thể bị thiếu hoặc dịch vụ kém thì tất nhiên đó cũng là lí do để xem xét lại việc mua hàng.
Đánh giá tiêu cực của người bán
Những kẻ lừa đảo cũng có thể thiết lập tài khoản trên các trang thương mại nổi tiếng như Amazon hay eBay. Hãy kiểm tra phản hồi về người bán ở đó trước khi mua hàng. Hình thức lừa đảo phổ biến thường là hiển thị hình ảnh mượn của một sản phẩm khác hoặc bán hàng giả.
Phương thức thanh toán không được bảo vệ
Khi mua hàng trực tuyến, hãy thực hiện phương thức thanh toán phổ biến như thẻ tín dụng. Thẻ từ các tổ chức phát hành lớn có chính sách có thể bảo vệ chủ thẻ nếu thông tin của họ được sử dụng để mua hàng trái phép.
PayPal là một cách phổ biến và đáng tin cậy để mua hàng vì nó thêm một lớp bảo mật: Người mua hàng chỉ nhập thông tin tài khoản PayPal của họ, không ghi chi tiết thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều trò gian lận liên quan đến các e-mail giống PayPal, vì vậy hãy thận trọng. Nếu người bán yêu cầu chuyển khoản trước với một lời hứa sẽ giao hàng sớm nhất, đó có thể là một dấu hiệu lừa đảo.
Tặng phiếu giảm giá
Nhiều người thường tận dụng phiếu giảm giá để tiết kiệm trong việc mua hàng. Nhưng đây cũng có thể là hình thức lừa đảo, vì nhiều đối tượng thường sử dụng Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác để tặng phiếu giảm giá giả nhằm đổi lấy thông tin cá nhân mà họ sử dụng sau đó.