Những cú 'lội ngược dòng' phục hồi sau khi xin bảo hộ phá sản của hàng không thế giới
Đại dịch COVID kéo đến khiến nhu cầu đi lại sụt giảm nghiêm trọng, làm nhiều hãng hàng không trên thế giới chao đảo.
Một số, với nguồn tài chính tốt, có thể trụ vững qua sóng gió của đại dịch, trong khi số khác buộc phải cắt giảm nhân viên, đội tàu bay. Tuy nhiên, cũng có những hãng hàng không khác không còn lựa chọn nào ngoài việc ngừng hoạt động, bán mình hoặc đệ đơn phá sản.
Các ước tính chỉ ra rằng kể từ năm 2020 đến nay, có ít nhất trên 70 hãng hàng không đã sụp đổ. Đa phần các hãng hàng không này đều có quy mô nhỏ. Nhưng cũng có cả những gã khổng lồ như Thai Airways, hay Air Italy, Alitalia hay Virgin Atlantic phải đệ đơn phá sản.
Một số, ví dụ như Thai Airways hay Virgin Atlantic, nhờ quá trình bảo hộ phá sản, đã tái cấu trúc thành công và trở lại bầu trời. Vậy bảo hộ phá sản là gì, có phải hãng hàng không sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản sẽ ngừng hoạt động hay không?
Bảo hộ phá sản là gì?
Để hiểu bảo hộ phá sản là gì, trước hết chúng ta cần định nghĩa được “phá sản”. Theo khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Ở Mỹ, ngoài doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân cũng có thể tuyên bố phá sản. Luật Phá sản ở Mỹ quy định chi tiết các loại hình phá sản, trong đó phổ biến nhất là Chương 7 (thanh lý tài sản), Chương 11 (tái cấu trúc) và Chương 13 (giãn nợ, tái cấu trúc nợ).
Khái niệm “bảo hộ phá sản” được nhắc đến trong Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ. Khi nộp đơn phá sản theo Chương 11, tài sản con nợ sẽ được tòa án bảo hộ, tránh bị chủ nợ thu lại toàn bộ.
Chương 11 được lập ra nhằm giúp doanh nghiệp có thể trì hoãn việc trả nợ trong khi lên kế hoạch và thực hiện tái cơ cấu đề phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu phục hồi thành công, doanh nghiệp sẽ thoát cảnh phá sản, trả được nợ và có thể tiếp tục kinh doanh.
Khác với Việt Nam, phá sản ở Mỹ là một quy trình (hay thủ tục phá sản), chứ không phải một quyết định tòa án. Việt Nam không quy định rõ về bảo hộ phá sản, tuy nhiên, Chương 7 của Luật Phá sản năm 2014 cũng có những thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi bị tuyên bố phá sản.
Như vậy, bảo hộ phá sản là cách để các doanh nghiệp hoãn việc trả nợ, từ đó có thêm thời gian để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có thể nói, bảo hộ phá sản chính là cách để các doanh nghiệp không bị phá sản.
Từ dịch COVID, có bao nhiêu hãng hàng không đã phá sản?
Theo thống kê của AllPlane.tv, trong giai đoạn từ 2020 đến tháng 5/2023, đã có tổng cộng 72 hãng hàng không trên thế giới đệ đơn phá sản, ngừng hoạt động, thanh lý toàn bộ tài sản hoặc tái cấu trúc.
Trong đó, vào năm 2020, số doanh nghiệp hàng không sụp đổ đạt con số kỷ lục là 31. Tình hình năm 2023 cũng căng thẳng, khi mà chỉ trong 5 tháng đầu năm, 10 hãng hàng không đã phải đóng cửa.
Số liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vẽ ra một bức tranh còn ảm đạm hơn. Theo IATA, kể từ 2019 đến hết 2022, đã có hơn 160 hãng hàng không thất bại. Trong đó, năm 2019 là 59 hãng, 2020 có 53 hãng, 2021 có 35 hãng và 2022 là 15 hãng.
- TIN LIÊN QUAN
-
Anh: Hãng hàng không Flybe tuyên bố phá sản, hủy tất cả các chuyến bay 29/01/2023 - 16:00
Những tên tuổi nổi tiếng nhất đã sụp đổ trong giai đoạn này phải kể đến như Air Italy (hãng hàng không lớn thứ hai của Italy), Alitalia (hãng hàng không lớn nhất của Italy), Thai Airways (hãng hàng không quốc gia của Thái Lan), Flybe (một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu) và Virgin Atlantic (hãng hàng không của tỷ phú Richard Branson).
Trong số này, có những hãng đã từng nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong thời gian đỉnh điểm của đại dịch COVID, tái cấu trúc và tiếp tục quay trở lại kinh doanh nhưng rồi lại không thể trụ vững trước những sóng gió của nền kinh tế toàn cầu.
Chẳng hạn, vào đầu năm 2020, hãng hàng không giá rẻ Flybe đã tuyên bố phá sản do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID. Hãng này sau đó được bán mình cho một công ty đầu tư, và nối lại hoạt động vào tháng 4/2022 ở quy mô nhỏ hơn.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2023, Flybe lại tuyên bố phá sản, nhưng lần này là do chậm trễ trong việc tiếp nhận máy bay mới.
Phá sản chưa phải kết thúc
Ngoài những cái tên xấu số như Flybe, một số khác cũng đã tái cấu trúc thành công sau khi đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Cái tên đáng chú ý nhất trong giai đoạn này phải kể đến Thai Airways - hãng hàng không quốc gia của Thái Lan.
Vào năm 2020, Thai Airways đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản do những khó khăn từ dịch COVID. Trong kế hoạch được công bố vào năm ngoái, hãng hàng không này đặt mục tiêu sẽ tái cấu trúc hoàn toàn vào năm 2024 thông qua thỏa thuận hóa đổi nợ thành cổ phần (debt for equity swap) và sẽ trở lại sàn chứng khoán vào năm 2025.
Nhờ được bảo hộ phá sản, Thai Airways đã có thời gian để phục hồi hoạt động kinh doanh. Doanh thu của công ty này đã tăng gấp 4 lần vào năm 2022, lên 2,69 tỷ USD, và dự kiến sẽ tăng trưởng thêm 40% trong năm nay. Doanh thu năm 2023 của Thai Airways có thể đạt mức 70% trước đại dịch COVID. Ngoài ra, hãng hàng không quốc gia của Thái Lan cũng đang có kế hoạch mua sắm thêm tàu bay.
Một cái tên khác thành công nhờ bảo hộ phá sản là Virgin Atlantic. Hãng hàng không của tỷ phú Richard Branson vào năm 2020 đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 Luật Phá sản Mỹ. Đến năm 2022, theo Giám đốc tài chính Oliver Byers, Virgin Atlantic đã đạt số chuyến bay như trước đại dịch COVID.
Bảo hộ phá sản đôi khi cũng giúp tạo ra những người khổng lồ, chẳng hạn như hãng hàng không American Airlines của Mỹ. Vào năm 2011, hãng hàng không này và công ty mẹ là tập đoàn AMR đã đệ đơn phá sản theo Chương 11. Sau quá trình tái cấu trúc, tới đầu năm 2013, American Airlines đã sáp nhập với US Airways, tạo ra hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ khi đó.
Vào năm 2022, American Airlines là hãng hàng không có doanh thu cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Delta Air Lines.