Những trở ngại làm chậm đà phục hồi của ngành hàng không thế giới
Theo Mô hình dự báo Nhu cầu giao thông hàng không của công ty Bain & Company có trụ sở chính ở Singapore, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không toàn cầu trong tháng 5/2023 đã đạt 90% so với mức trước đại dịch COVID-19. Sự phục hồi hoàn toàn được dự đoán vào nửa đầu năm 2024, chủ yếu do Trung Quốc nối lại hoạt động du lịch bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, xu hướng phục hồi hiện tại có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế vĩ mô. Một cuộc suy thoái tiềm ẩn và lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng xấu đến thu nhập của khách du lịch trong 2 năm tới và làm chậm quá trình phục hồi hoàn toàn của hoạt động du lịch bằng đường hàng không.
Trong khi đó, triển vọng của phân khúc đi công tác bằng đường hàng không kém lạc quan hơn, với khả năng phục hồi hoàn toàn khó có thể xảy ra trước năm 2027. Các chuyến công tác quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 và dự kiến sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi, vì nhiều công ty đã giảm đáng kể các chuyến công tác và chuyển sang hình thức họp trực tuyến để tối ưu hóa chi phí và hiệu quả.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Bain & Company, phần lớn các giám đốc điều hành hãng hàng không tin rằng các cuộc họp trực tuyến sẽ khiến số chuyến công tác giảm ít nhất từ 11-20% trong thập kỷ tới.
Hơn nữa, tầm quan trọng ngày càng tăng của Chương trình nghị sự về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã khiến các công ty thúc đẩy nỗ lực nhằm giảm lượng khí thải carbon, qua đó tạo thêm lực cản khác cho sự phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch.
Ở châu Á, tốc độ phục hồi đang chậm hơn một chút so với mức trung bình toàn cầu. Du lịch hàng không trong khu vực này dự kiến sẽ phục hồi vào gần cuối năm 2024, trong khi các tuyến kết nối giữa châu Á với các lục địa khác sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. Ví dụ, lưu lượng hành khách từ châu Á đến châu Âu được dự báo chỉ phục hồi vào năm 2025.
Khu vực Đông Nam Á cũng không nằm ngoài bức tranh chung của châu Á: Nhu cầu hàng không dần phục hồi nhưng chậm hơn so với tốc độ toàn cầu. Ví dụ, ở Thái Lan, hoạt động du lịch trong nước và quốc tế chỉ đạt 76% so với mức trước đại dịch vào tháng 5/2023. Điều thú vị là hành khách đang chuyển sang các điểm đến có chi phí thấp hơn, với sự gia tăng số lượng khách du lịch từ Ấn Độ và Trung Quốc đến Thái Lan.
Trước đây, hành khách các nước này chủ yếu đến từ các thành phố lớn như Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, gần đây, số lượng hành khách đến từ nhiều thành phố khác nhau như Thành Đô hoặc Côn Minh (Trung Quốc) đã ngày càng tăng. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi khả năng kết nối và tiếp cận du lịch ngày càng dễ dàng hơn do các hãng hàng không giá rẻ mở rộng hoạt động.
Khi giao thông hàng không phục hồi đều đặn, các hãng hàng không tiếp tục thích ứng với trạng thái bình thường mới. Dữ liệu thị trường cho thấy sự chuyển dịch dần sang các loại máy bay nhỏ và hiệu quả hơn so với giai đoạn trước COVID-19.
Ví dụ: trong tháng 5, công suất hành khách đến Singapore theo lịch trình trên các máy bay Airbus A350, A321 và Boeing 787 đã tăng 50% so với mức trước đại dịch COVID-19, trong khi công suất phục vụ của máy bay lớn hơn như Airbus A380 và Boeing 777 đã giảm hơn 40%.
Hầu hết các hãng đã thực hiện các chương trình chuyển đổi chi phí để tồn tại qua đại dịch. Tuy nhiên, ngành hàng không nổi tiếng với khả năng sinh lời thấp và việc chỉ tập trung vào hiệu quả chi phí thường không đủ để đảm bảo kết quả tài chính khả quan.
Do đó, quản lý doanh thu và bán hàng trở thành ưu tiên chính của nhiều hãng hàng không để đảm bảo lợi nhuận trong bối cảnh lưu lượng hành khách đang trên đà phục hồi. Kinh nghiệm của Bain & Company cho thấy, các hãng hàng không với đầy đủ dịch vụ có thể đạt được mức tăng lợi nhuận lên tới 3% trong vòng 12-18 tháng bằng cách tập trung vào hiệu quả trong hoạt động thương mại. Điều này dự kiến sẽ trở thành ưu tiên của nhiều hãng hàng không trong vài năm tới để đảm bảo kết quả tài chính bền vững trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.