|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhóm chuyên gia của WHO đến Trung Quốc từ tuần trước vẫn bặt vô âm tín

08:41 | 13/07/2020
Chia sẻ
Một nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có mặt tại Bắc Kinh từ cuối tuần trước, tuy nhiên chưa có nhiều thông tin được tiết lộ. Các dữ liệu mới từ nhóm chuyên gia có thể đặt nền móng cho một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Nhóm thị sát của WHO đến Trung Quốc từ cuối tuần nhưng bặt vô âm tín - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Tuần trước, WHO cho biết hai quan chức - một chuyên gia về y tế động vật và một nhà dịch tễ học, sẽ bắt đầu làm việc tại Trung Quốc từ ngày 11/7. Dù vậy, đến tối ngày 12/7 vẫn chưa thông tin gì về tên tuổi, lịch trình và nhật kí công tác của hai vị chuyên gia trên.

Cũng cuối tuần qua, chính quyền Bắc Kinh không đưa ra bất kì tuyên bố chính thức nào về nhóm chuyên gia của WHO và truyền thông Trung Quốc cũng không đưa tin về sự xuất hiện của họ.

Ngoài ra, không tổ chức nào của Trung Quốc, bao gồm cả Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CCDC), xác nhận rằng họ đã hoặc sẽ trao đổi với các chuyên gia của WHO.

Hãng tin AP cho biết hai vị chuyên gia đã lưu lại Bắc Kinh trong hai ngày 11 và 12/7.

Nhiệm vụ của hai người này là hợp tác với các quan chức y tế và nhà khoa học Trung Quốc để chuẩn bị cho một lực lượng quốc tế lớn hơn do WHO dẫn đầu đến điều tra vào một ngày chưa được tiết lộ.

Nhiệm vụ trên được coi là một cách để giúp quá trình điều tra, hợp tác tìm kiếm nguồn gốc động vật của virus SARS-CoV-2 minh bạch hơn. Cho đến nay, nguồn gốc của virus đang bị cuốn vào cuộc chiến chính trị giữa các nước.

Một số quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ đã đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch COVID-19. Mỹ cáo buộc virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 có thể đã xuất hiện trong một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán dù không có bằng chứng.

Sau đó, các quan chức Trung Quốc bác bỏ cáo buộc, lên tiếng bảo vệ cách xử lí dịch bệnh của nước này và khẳng định điều tra virus ở Trung Quốc không có nghĩa là virus bắt nguồn từ đây.

WHO cũng đang gặp khó khăn sau khi nhà tài trợ lớn nhất là Mỹ chính thức đệ đơn rút khỏi cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc từ năm 2021 do lo ngại rằng WHO nghiêng về phía Trung Quốc trong quá trình xử lí đại dịch COVID-19.

Mỹ rời WHO gây bất lợi cho cuộc điều tra?

Ông David Fidler - một học giả pháp lí kiêm chuyên gia y tế toàn cầu từng cố vấn cho WHO, nhận định việc Mỹ rời đi khiến WHO gặp nhiều khó khăn hơn trong đàm phán các điều khoản hỗ trợ phái đoàn quốc tế đến Trung Quốc điều tra.

"Không có Mỹ hậu thuẫn, WHO không có lợi thế ở Trung Quốc. WHO đang rơi vào một tình huống khó khăn, chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện bao nhiêu thì phái đoàn của WHO chỉ có thể hành động bấy nhiêu", South China Morning Post dẫn lời ông Fidler cho hay.

Tuy nhiên, ông Wang Yiwwei - Giám đốc Viện Vấn đề Pháp lí Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết việc Washington rút lui có thể thúc đẩy thái độ hợp tác của Bắc Kinh.

Ông Wang nói: "Sau khi Mỹ rời đi, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng cường hợp tác để điều tra nguồn gốc virus, phát triển vắc xin ngừa COVID-19 và giúp đỡ các nước đối phó với đại dịch".

Theo SCMP, quá trình chuẩn bị cho một phái đoàn quốc tế đến Trung Quốc điều tra tuân theo nghị quyết tháng 5 mà Bắc Kinh ủng hộ và được các nước nhất trí thông qua tại Hội đồng Y tế Thế giới.

Nghị quyết kêu gọi WHO làm việc để xác định nguồn gốc của virus mà hiện được giới chuyên gia nhận định là đến từ dơi trước khi truyền sang con người thông qua một động vật trung gian.

Ông Yanzhong Huang - một thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết một cuộc điều tra minh bạch của WHO có thể là cơ hội để cơ quan này "xây dựng lại danh tiếng, chứng minh đây là một cơ quan trung lập trong vấn đề quản trị y tế toàn cầu".

Tuy nhiên, "thành phần của phái đoàn quốc tế trong tương lai, lịch trình di chuyển, kế hoạch điều tra là các vấn đề cần đàm phán", ông Huang nói. Vị chuyên gia này cho biết thêm, dù tuần trước WHO thông báo rằng Vũ Hán sẽ là điểm khởi đầu của cuộc điều tra, vấn đề đó "cũng phải phụ thuộc vào đàm phán hoặc do phía Trung Quốc quyết định".

Một số nhà quan sát cho biết phần lớn cuộc điều tra trong tương lai sẽ phụ thuộc vào mức độ tiếp cận dữ liệu và điều tra nhiều kịch bản khác nhau của WHO, bao gồm cả giả thiết virus có liên quan đến phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Khả Nhân

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.