|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhiều ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý IV

08:15 | 02/02/2023
Chia sẻ
Kết thúc năm 2022, kết quả kinh doanh của các ngân hàng cho thấy động lực tăng trưởng lợi nhuận đang có xu hướng giảm dần, nhiều nhà băng ghi nhận tăng trưởng âm trong quý IV khi lợi nhuận từ nhiều mảng kinh doanh sụt giảm.

Trong quý cuối cùng của năm 2022, động lực tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã giảm sút, thậm chí tại một số nhà băng tăng trưởng lợi nhuận âm hay ghi nhận lỗ.

Lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý IV của VPBank giảm 47% xuống 1.383 tỷ đồng. Mặc dù các hoạt động như kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ trong năm 2022 nhưng đều được bù đắp nhờ sự tăng trưởng mạnh thu nhập từ lãi và tăng thu từ dịch vụ hay các hoạt động khác. 

Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của VPBank vẫn tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên việc tăng chi phí dự phòng rủi ro(tăng 31% so với cùng kỳ tương đương hơn 1.700 tỷ đồng) là nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế sụt giảm.

 Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Ảnh: Techcombank).

Với Techcombank, lợi nhuận trước thuế quý IV giảm 23% xuống 4.756 tỷ đồng. Trừ hoạt động dịch vụ (lãi thuần tăng 20%) thì các mảng hoạt động khác đều ghi nhận lỗ hoặc sụt giảm lợi nhuận. Thu nhập lãi thuần giảm gần 6% trong khikinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư đều ghi nhận lỗ trong quý IV.

Tổng thu nhập giảm 7,2% trong khi chi phí hoạt động tăng hơn 17% và chi phí dự phòng rủi ro tăng nhẹ cũng là các nguyên nhân góp phần khiến lợi nhuận trước thuế của Techcombank sụt giảm trong quý cuối năm.

Tại SHB, lợi nhuận trước thuế quý IV giảm 48% xuống còn 624 tỷ đồng khi phần lớn mảng kinh doanh từ thu nhập lãi thuần đến kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư và hoạt động khác đều sụt giảm lợi nhuận mang về.

Không chỉ ở các ngân hàng cổ phần lớn, việc sụt giảm lợi nhuận trong quý IV cũng diễn ra tại nhiều ngân hàng nhỏ.

ABBank là ngân hàng duy nhất lợi nhuận trước thuế ghi nhận lỗ 45 tỷ đồng, trong đó trừ thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, các mảng kinh doanh còn lại đều ghi nhận lỗ hoặc lợi nhuận sụt giảm mạnh. Luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.702 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước.

Giải trình về kết quả kinh doanh, ABBank cho biết nguyên nhân là do thu nhập từ hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ trong năm 2022 giảm chủ yếu là do biến động lãi suất thị trường. Bên cạnh đó kết quả hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng nhìn tổng thể cả năm 2022 vẫn có thu nhập, tuy nhiên kết quả giảm so với kỳ trước do chiu rủi ro về biến động tỷ giá.

“Trong năm 2022, trước những khó khăn khách quan cũng như các vấn đề nội tại, ABBank có nhiều quyết định cải cách để chuyển mình. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích kinh doanh, nhưng chúng tôi tin đây là sự hy sinh để xây dựng một nền tảng kinh doanh theo chiến lược chuyển đổi số trong thời gian tới”, ông Nguyễn Mạnh Quân, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết.

Hay như tại Ngân hàng TNCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank), lợi nhuận trước thuế quý IV giảm mạnh 53,1% xuống 113,1 tỷ đồng khi các mảng hoạt động của Vietbank đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh trừ lãi thuần từ hoạt động dịch vụ.

Một số ngân hàng cũng ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý IV khác được kể đến như MB, OCB, Nam A Bank.

 

Lợi nhuận ngân hàng sẽ khó tiếp tục tăng trưởng cao như giai đoạn trước

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 và 2021. Agriseco dự báo tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) toàn ngành có thể chịu áp lực thời gian tới khi lãi suất đầu vào có xu hướng tăng nhưng lãi suất cho vay được duy trì ổn định. 

“NIM sẽ có sự phân hóa, trong đó NIM có thể ổn định tại các ngân hàng tạo dựng được hệ sinh thái đa dạng, đẩy mạnh phát triển công nghệ số, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và có khả năng huy động vốn từ thị trường quốc tế”, Agriseco nhấn mạnh.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý I/2023 do NHNN công bố, lợi nhuận trước thuế được các tổ chức tín dụng nhận định tiếp tục có tăng trưởng nhưng chưa đạt mức kỳ vọng.

80% tổ chức tín dụng (TCTD) nhận định tình hình kinh doanh năm 2022 tổng thể cải thiện so với năm 2021, 87% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021. Bên cạnh đó, vẫn có 9,3% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm.

Dự báo hoạt động kinh doanh năm 2023, các TCTD tỏ ra thận trọng hơn trong thời gian tới với 56,4-75,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022. 95,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022, 2,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.

 

Huyen Vi