|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong tháng 4

14:20 | 02/04/2022
Chia sẻ
Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh tăng trong thời điểm cuối tháng 3 - đầu tháng 4, trong đó lãi suất cao nhất lên đến 7,8%/năm.

Khảo sát tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), biểu lãi suất tiết kiệm online đối với khách hàng cá nhân ghi nhận tăng ở hầu hết kỳ hạn từ ngày 1/4.

Theo đó, ngân hàng tăng 0,3 điểm % đối với lãi suất tại kỳ hạn 6 tháng lên 6,5%/năm. Tương tự với kỳ hạn 10-11 tháng, lãi suất cũng tăng 0,3 điểm % lên 6,8%/năm. Với kỳ hạn 7 và 8 tháng, lãi suất tăng 0,2 điểm % lên 6,6%/năm, kỳ hạn 9 tháng tăng 0,1 điểm % lên 6,6%/năm. 

Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng vẫn được giữ nguyên là 7,4%/năm được áp dụng cho các khoản tiền gửi online có kỳ hạn 16 - 36 tháng. 

 Lãi suất  tiết kiệm online tại Nam A Bank tăng tại nhiều kỳ hạn. (Nguồn: Nam A Bank). 

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ 30/3/2022. 

Theo đó, lãi suất cao nhất ghi nhận được tại ngân hàng là 7,8%/năm dành cho khách hàng thường gửi tiền tiết kiệm từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi cao nhất hệ thống tính tới thời điểm này.

Với số tiền gửi nhỏ hơn, lãi suất huy động cho tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ tại Techcombank nhìn chung không đổi so với trước. 

Từ ngày 29/3/2021, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng thực hiện tăng lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn. 

Lãi suất cao nhất tại Ngân hàng Bản Việt được ghi nhận ở mức là 7%/năm, tăng 0,2 điểm % so với trước đó, áp dụng cho tiền gửi online kỳ hạn 24 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất gửi online cũng tăng 0,2% lên 6,9%/năm.

Biểu lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy của ngân hàng cũng tăng 0,1-0,2%/năm ở một số kỳ hạn. Như tại  kỳ hạn 18 tháng và 12 tháng, lãi suất đều tăng 0,2 điểm % lên 6,8%/năm và 6,6%/năm. Với kỳ hạn từ 36-60 tháng, lãi suất tăng 0,1 điểm % lên 6,8%/năm.

Trước đó, vào đầu tháng 3, biểu lãi suất tại một số ngân hàng đã có sự điều chỉnh tăng 0,1-0,3%/năm tại một số kỳ hạn.

Chẳng hạn, lãi suất tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dành cho các kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng đồng loạt điều chỉnh tăng 0,2 điểm % cho mỗi kỳ hạn. Ngân hàng cũng duy trì lãi suất là 6,15%/năm cho kỳ hạn 15 tháng. Với các kỳ hạn tiếp theo là 18, 21, 24 và 36 tháng, mỗi kỳ hạn được cộng thêm 0,05 điểm % so với kỳ hạn trước đó. 

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), lãi suất áp dụng khi gửi online từ 12 tháng trở lên tăng 0,1 điểm % so với trước. Trong khi lãi suất  với kỳ hạn 3 tháng  tăng từ 3,8%/năm lên 4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3 điểm % lên 5,8%/năm.   

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD trong quý II/2022 cho thấy huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,6% trong quý II/2022 và tăng 11,4% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 12,1% tại kỳ điều tra trước.  

Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ trong năm 2022, điều này sẽ thu hút một lượng tiền đầu tư. Trong khi đó, thu nhập thặng dư từ thu nhập cá nhân được kỳ vọng phục hồi góp phần cân bằng tăng trưởng giữa cho vay và huy động.  

Phương Nga