|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong tháng 3

10:45 | 27/03/2022
Chia sẻ
Biểu lãi suất tại một số ngân hàng có sự điều chỉnh tăng 0,1-0,3%/năm tại một số kỳ hạn trong tháng 3 so với đầu tháng trước.

Khảo sát trong tháng 3, một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng biểu lãi suất từ 0,1-0,3%/năm. Cụ thể, biểu lãi suất tiết kiệm thường tại quầy lĩnh lãi cuối kỳ của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) có sự điều chỉnh tăng tại đa số kỳ hạn so với đầu tháng trước.   

Theo đó, lãi suất tại ngân hàng dành cho các kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng đồng loạt điều chỉnh tăng 0,2 điểm % cho mỗi kỳ hạn. Ngân hàng cũng duy trì lãi suất là 6,15%/năm cho kỳ hạn 15 tháng. Với các kỳ hạn tiếp theo là 18, 21, 24 và 36 tháng, mỗi kỳ hạn được cộng thêm 0,05 điểm % so với kỳ hạn trước đó.

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), biểu lãi suất trong tháng 3/2022 cũng tăng nhẹ ở nhiều kỳ hạn so với tháng trước. Lãi suất áp dụng khi gửi online từ 12 tháng trở lên tăng 0,1 điểm % so với trước. Trong khi lãi suất  với kỳ hạn 3 tháng  tăng từ 3,8%/năm lên 4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3 điểm % lên 5,8%/năm.  

Thêm vào đó, khách hàng gửi tiền qua kênh online tại MSB cũng được hưởng lãi suất cao hơn 0,5 điểm % so với các kỳ hạn tương ứng khi gửi tại quầy. 

Bên cạnh đó, MSB cũng triển khai thêm nhiều hình thức huy động khác như Trả lãi ngay (2,85%/năm - 5,2%/năm), Ong vàng (3,5%/năm - 5,4%/năm), Măng non (3,5%/năm - 5,4%/năm), Định kỳ sinh lời (2,95%/năm - 5,3%/năm), Hợp đồng tiền gửi (3%/năm - 5,45%/năm). 

Với Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 22/3 cũng ghi nhận tăng ở nhiều kỳ hạn so với trước đó. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng cho khách hàng cá nhân tăng 0,1 điểm % lên 6,7%/năm. 

Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng tăng lên 6,6%/năm hay lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng 0,1 điểm % lên 6,1%/năm. 

Từ ngày 15/3, lãi suất tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB)  được điều chỉnh tăng tại một số kỳ hạn so với trước. 

Theo đó, lãi suất ngân hàng niêm yết tại hai kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lần lượt là 2,7%/năm và 2,8%/năm, cùng tăng 0,2 điểm %.

Tại kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng, lãi suất của cả ba kỳ hạn này cũng được MBBank điều chỉnh tăng đồng thời 0,2 điểm %. Trong đó, lãi suất cùng mức 3,4%/năm dành cho kỳ hạn 3 và 4 tháng, còn lãi suất 3,5%/năm cho kỳ hạn 5 tháng. 

Ngân hàng cũng điều chỉnh lãi suất khi gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 12 tháng với hình thức trả lãi trước tăng 0,36 điểm % lên mức 5,21%/năm. Lãi suất cho kỳ hạn 13 tháng tăng 0,4 điểm %, còn kỳ hạn 15 và 18 tháng cùng tăng 0,2 điểm %. 

Tại các kỳ hạn dài như 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng, lãi suất ngân hàng cùng tăng 0,2 điểm % và được quy định chung ở mức là 6,4%/năm. Đây cũng là mức lãi suất được MBBank huy động cao nhất trong tháng 3 này. 

Trái với các ngân hàng tư nhân trên, sang tháng 3, nhóm 4 “ông lớn” ngân hàng có vốn nhà nước bao gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV nhìn chung không đổi lãi suất so với trước. Cụ thể, lãi suất cao nhất tại VietinBank ở mức là 5,6%/năm. Trong khi Vietcombank, Agribank và BIDV cùng huy động lãi suất cao nhất ở mức là 5,5%/năm. 

Báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của Chứng khoán SSI cho biết mặt bằng lãi suất trên thị trường đã tạo đáy và kỳ vọng nhích tăng dần về cuối năm. Mức tăng lãi suất sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế và diễn biến của lạm phát. 

Chứng khoán Mirae Asset cho rằng Việt Nam sẽ tăng lãi suất sớm hơn kỳ vọng với những áp lực toàn cầu, cũng như trong nước.

Theo đó, trong nước, lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp giúp cho Việt Nam có thể duy trì mặt bằng lãi suất chính sách trong năm nay để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cho rằng khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến sẽ tạo áp lực tăng lãi suất lên các ngân hàng trung ương Châu Á nói chung, và Việt Nam nói riêng.

Phương Nga