|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lối đi nào cho các đại lý Việt khi thị trường bán lẻ đồ công nghệ lao dốc?

10:31 | 06/03/2023
Chia sẻ
Việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm đồ công nghệ đã khiến thị trường bán lẻ công nghệ Việt gặp khó trong thời gian qua, tương tự như những gì diễn ra trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các đại lý phải tính đến nhiều phương án để trụ lại và cạnh tranh trong thời gian tới.

Năm 2022 là một năm khó khăn với ngành smartphone nói riêng và sản phẩm công nghệ nói chung. Việc nền kinh tế toàn cầu đi xuống do áp lực từ lạm phát, tăng lãi suất, xung đột địa chính trị,… đã khiến thói quen chi tiêu của người dùng thay đổi.

Thay vì mạnh tay mua sắm, thay thế smartphone cũ khi có các thế hệ smartphone mới ra mắt, người tiêu dùng lại “thắt lưng buộc bụng”, thực hiện thói quen tiết kiệm, dẫn tới việc mua sắm các sản phẩm mới không được “bùng nổ” như những năm trước.

Theo đơn vị theo dõi dữ liệu thị trường Couterpoint Research, doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động của thị trường điện thoại thông minh toàn cầu giảm trong năm 2022, mặc dù ở mức độ thấp hơn so với doanh số bán hàng. 

Sự kết hợp ngày càng tăng của các dịch vụ điện thoại cao cấp bởi các OEM (Original Equipment Manufacturer - Nhà sản xuất thiết bị gốc) lớn đã đẩy giá bán trung bình tổng thể (ASP) trong năm 2022 lên 5% so với năm trước đó.

Cụ thể, doanh thu của thị trường smartphone toàn cầu trong năm 2022 giảm 9% so với năm trước, đạt mức 409 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2017. Chỉ duy nhất Apple là thương hiệu chứng kiến doanh thu từ smartphone tăng trưởng trong số 5 thương hiệu hàng đầu thế giới trong năm qua, dù chỉ ở mức 1%.

Lượng smartphone xuất xưởng trên toàn cầu trong năm 2022 thấp nhất sau gần 10 năm. (Ảnh: CNBC).

Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu dữ liệu thị trường IDC, số lượng lô hàng smartphone xuất xưởng trên toàn cầu đã giảm xuống trong quý IV/2022, thời điểm diễn ra mùa lễ hội mua sắm lớn nhất trong năm, do ảnh hưởng từ môi trường kinh tế vĩ mô yếu kém và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sụt giảm.

Lũy kết cả năm 2022, tổng cộng đã có 1,21 tỷ điện thoại thông minh đã được xuất xưởng, đồng nghĩa với mức thấp nhất kể từ năm 2013 "do nhu cầu của người tiêu dùng giảm đáng kể, áp lực từ lạm phát và những bất ổn kinh tế vĩ mô", IDC cho biết.

Thị trường bán lẻ công nghệ Việt cũng gặp khó

Thị trường bán lẻ đồ công nghệ Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động chung trên toàn cầu. Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ Việt Nam (GFK), thị trường công nghệ trong nước đang suy giảm khá mạnh, do người tiêu dùng trong nước hạn chế mua sắm và thắt chặt chi tiêu.

Theo đó, doanh thu trên mỗi chiếc điện thoại di động bán ra thị trường trong hai tháng đầu năm chỉ đạt mức 2,5 triệu đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước (khoảng 3,5 triệu đồng).

Việc doanh thu đi xuống buộc các đại lý bán lẻ công nghệ phải liên tiếp tung ra các đợt khuyến mãi trong mùa cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán 2023 vừa qua. Thời điểm hiện tại, các mức khuyến mãi liên tục tăng, với nhiều sản phẩm đã chứng kiến giá bán giảm 30% - 50% so với giá niêm yết ban đầu.

Doanh thu nhiều ngành hàng trong lĩnh vực bán lẻ công nghệ hiện chứng kiến mức giảm còn 60% so với giai đoạn cuối năm 2022, giảm xuống dưới điểm hòa vốn. Ngoài ra, việc bán với mức lãi âm do áp lực thu hồi tiền và cạnh tranh của thị trường khiến các đại lý chịu mức lỗ lớn hơn cả những tháng phải tạm đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo chia sẻ từ phía một đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam, tình hình kinh doanh của ngành bán lẻ công nghệ dự kiến còn tiếp tục khó khăn tới hết quý III năm nay.

Phân khúc smartphone tầm trung sụt giảm

Với ngành hàng smartphone, phân khúc smartphone tầm trung & thấp đã chứng kiến những khó khăn từ giai đoạn tháng 3 – tháng 4/2022. Xét về số lượng, phân khúc smartphone chạy hệ điều hành Android có giá dưới 5 triệu đồng đã chứng kiến sự sụt giảm liên tiếp từ tháng 1 tới tháng 12/2022. Theo ước tính từ các chuỗi bán lẻ lớn, lượng khách hàng mua sản phẩm ở phân khúc này tính riêng trong tháng cuối năm 2022 chỉ bằng 47% so với tháng đầu năm 2022.

Với phân khúc smartphone có giá từ 5 đến 10 triệu đồng, sự sụt giảm cũng diễn ra tương tự khi lượng hàng bán ra trong tháng 12/2022 chỉ bằng khoảng 55% so với tháng 1/2022. Khi nền kinh tế đi xuống thì những người lao động bình dân sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên, kéo theo đó là doanh số bán ra các dòng smartphone chạy hệ điều hành Android có giá dưới 10 triệu đồng cũng bị ảnh hưởng.

Những sản phẩm smartphone tầm trung cũng gặp không ít khó khăn. (Ảnh: Viettel Store).

 Bước sang năm 2023, thị trường smartphone vẫn tương đối khá ảm đạm sau dịp Tết Nguyên đán. Doanh số bán hàng sau dịp Tết Nguyên đán vẫn diễn biến tương tự giai đoạn tháng 11 – tháng 12/2022, tức là chỉ bằng khoảng 50% - 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với sự đi xuống của phân khúc smartphone tầm trung trong năm 2022 và giai đoạn đầu năm 2023, nhiều nhà bán lẻ di động phải đối diện với bài toán khó khi doanh số dự kiến không khởi sắc hết tới hết quý II.

Các hãng sản xuất, nhà phân phối và nhà bán lẻ đều gặp vấn đề về chi phí, dòng tiền, nên việc tăng doanh số hoặc giữ doanh số là điều không dễ. Hiện tại, thị trường smartphone vẫn đang ảm đạm, dẫn tới việc các đại lý bán lẻ phải cân nhắc về việc "trợ giá, tăng khuyến mãi", qua đó ảnh hưởng tới lợi nhuận. Theo chia sẻ từ một đơn vị bán lẻ smartphone tại Việt Nam, các nhà bán lẻ hiện đang phải “cắt lỗ” cho nhiều mẫu điện thoại, trong đó có những mẫu chịu lỗ trong khoảng 10% - 15%.

Các sản phẩm Apple bắt đầu chịu ảnh hưởng

Apple đóng một vị trí quan trọng trên thị trường bán lẻ công nghệ tại Việt Nam. Theo một đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam, các sản phẩm Apple đóng góp khoảng 25% - 30% doanh số trên thị trường smartphone. Tại một số đại lý, tỷ lệ này có thể lên tới 50% - 90% do các dòng iPhone của Apple được ưa chuộng hơn những sản phẩm Android khác và được nhiều người dùng lựa chọn hơn.

Tình hình kinh doanh iPhone của một số đơn vị bán lẻ và đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng từ giai đoạn cuối năm 2022. (Ảnh: FPT Shop).

Dù vậy, từ giai đoạn cuối năm 2022, việc kinh doanh iPhone với các nhà bán lẻ cũng gặp không ít khó khăn, từ việc khan hàng do hoạt động tại nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới tại Trung Quốc bị gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới việc phải nhập hàng theo kiểu “bia kèm lạc”.

Không chỉ iPhone, một số mặt hàng khác của Apple cũng đang gặp khó trong việc bán ra thị trường. Chẳng hạn, các dòng sản phẩm Mac cũng gặp tình trạng sụt giá liên tục, ví dụ như MacBook M1 có giá bán dưới 20 triệu đồng, qua đó gây ảnh hưởng tới các thị trường laptop nói chung.

Giá giảm nhưng mức thu nhập, chi tiêu khách hàng cũng giảm nhiều hơn, khiến thị trường smartphone gặp khó khăn chung, không chỉ với các sản phẩm tầm thấp mà còn gặp với cả các sản phẩm trung và cao cấp.

Những biện pháp "gỡ khó"

Tước tình hình ngày càng khó khăn của thị trường bán lẻ đồ công nghệ, các nhà bán lẻ đã phải thực hiện một số chính sách để “gỡ rối”. Chẳng hạn, CellphoneS, đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam hầu như đã tạm dừng việc mở rộng cửa hàng. Dự kiến trong hai quý đầu năm 2023, CellhphoneS không mở thêm cửa hàng, duy trì con số 115 cửa hàng như cuối năm 2022.

Ngoài ra, các biện pháp như cắt giảm chi phí cũng được ưu tiên. Một số đại lý đã dừng việc tuyển mới nhân sự, cắt giảm giờ công, người lao động tại các cửa hàng có doanh số thấp, cũng như ở các khung giờ vắng khách hàng.

Dự kiến các đại lý bán lẻ smartphone nói riêng và sản phẩm công nghệ nói chung sẽ làm việc với các hãng, nhà phân phối và đối tác để có những sự hỗ trợ qua lại, qua đó giảm lượng hàng tồn kho để có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong những tháng tới.

Doanh Chính