Apple đóng góp 85% vào tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành smartphone năm 2022
Theo nghiên cứu mới nhất từ đơn vị theo dõi dữ liệu thị trường Counterpoint Research, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu vẫn chịu áp lực trong quý IV/2022 với lượng hàng xuất xưởng giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức thấp nhất trong quý IV kể từ năm 2013, ngay cả khi doanh số bán hàng tăng 1% theo quý lên 303,9 triệu chiếc. Số lượng lô hàng được xuất xưởng trong cả năm 2022 đạt mức 1,2 tỷ chiếc, thấp nhất kể từ năm 2013.
Nhận xét về động lực chung của thị trường, chuyên gia phân tích cấp cao Harmeet Singh Walia cho biết: “Xung đột tại Ukraine, áp lực từ lạm phát, bất ổn kinh tế toàn cầu và những khó khăn về kinh tế vĩ mô đã khiến tâm lý người tiêu dùng yếu đi vào năm 2022, dẫn đến việc tần suất người dùng mua sắm smartphone cũng đi xuống.
Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu vẫn chịu áp lực trong quý cuối năm 2022 do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, thị trường lao động thiếu hụt và sức mua của người tiêu dùng giảm, dẫn đến lượng hàng xuất xưởng của mỗi thương hiệu trong số 5 thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu đều giảm ở mức hai con số/thương hiệu”.
Do đó, doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động của thị trường điện thoại thông minh toàn cầu cũng giảm, mặc dù ở mức độ thấp hơn so với doanh số bán hàng. Sự kết hợp ngày càng tăng của các dịch vụ điện thoại cao cấp bởi các OEM (Original Equipment Manufacturer - Nhà sản xuất thiết bị gốc) lớn đã đẩy giá bán trung bình tổng thể (ASP) trong năm 2022 lên 5% so với năm trước đó.
Doanh thu của thị trường smartphone toàn cầu trong năm 2022 giảm 9% so với năm trước, đạt mức 409 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2017. Chỉ duy nhất Apple là thương hiệu chứng kiến doanh thu từ smartphone tăng trưởng trong số 5 thương hiệu hàng đầu thế giới trong năm qua, dù chỉ ở mức 1%.
Nhận xét về hiệu suất của Apple, Giám đốc nghiên cứu mảng smartphone của Counterpoint Research, Jeff Fieldhack cho biết: “Với việc quản lý thành thạo các vấn đề về sản xuất của mình, Apple đã có thể vượt qua một năm vốn đã bị tàn phá bởi những bất ổn kinh tế và địa chính trị tốt hơn so với các hãng điện thoại thông minh lớn khác.
Dòng iPhone Pro và Pro Max của hãng tiếp tục hoạt động tốt. Số lượng lô hàng iPhone xuất xưởng trong năm ngoái có thể còn cao hơn nếu như Apple không gặp phải các vấn đề do ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch COVID-19 tại nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn tại Trịnh Châu, Trung Quốc. Do đó, một số lượng hàng xuất xưởng nhất định đã bị đẩy sang tháng 1/2023”.
Chính vì vậy, dù doanh số bán hàng, doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động của Apple trong quý IV/2022 đã giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn tỏ ra vượt trội so với các đơn vị khác trên thị trường smartphone.
Tính trong cả năm 2022, mảng kinh doanh smartphone của Apple đóng góp lần lượt 18%, 48% và 85% vào tăng trưởng các chỉ số gồm doanh số bán hàng, doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động của thị trường smartphone toàn cầu, mức đóng góp cao nhất từ trước tới nay.
Apple cũng được hưởng lợi từ phân khúc smartphone cao cấp, nơi khách hàng thường ít bị ảnh hưởng bởi những bất ổn liên quan tới vấn đề kinh tế hoặc địa chính trị. Hơn nữa, người dùng điện thoại thông minh trưởng thành hiện đang chọn các thiết bị cao cấp có thời lượng sử dụng lâu hơn.
Các thương hiệu khác gặp khó
Giải thích về xu hướng “cao cấp hóa”', Giám đốc nghiên cứu Tarun Pathak cho biết: "Cao cấp hóa” cũng có thể được nhìn thấy trong hệ sinh thái Android và được dẫn đầu bởi Samsung với phân khúc điện thoại thông minh có thể gập lại. Do đó, Samsung là thương hiệu duy nhất trong top 5 OEM hàng đầu ngoài Apple có doanh thu tăng trưởng 1% trên phân khúc cao cấp, mặc dù số lượng các lô hàng của họ đã giảm 5% vào năm 2022 và lợi nhuận từ hoạt động cũng giảm 1%.
Hiệu suất của những chiếc điện thoại thông minh hàng đầu của Samsung mạnh hơn so với dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, với mức giảm lợi nhuận nhỏ hơn so với thị trường điện thoại thông minh nói chung, tỷ lệ lợi nhuận từ hoạt động của hãng đã tăng nhẹ lên 12% vào năm 2022.”
Các nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc đã phải hứng chịu nhiều khó khăn thị trường nội địa Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Do đó, số lượng các các lô hàng xuất xưởng của Xiaomi, OPPO (bao gồm cả thương hiệu Oneplus từ quý III/2022) và Vivo đều giảm hơn 20%.
Mặc dù cũng cung cấp các sản phẩm điện thoại cao cấp với lợi nhuận cao, các thương hiệu Trung Quốc vẫn chưa có bước tiến nào trên thị trường cao cấp và không thể tận dụng triệt để sự lao dốc của Huawei để phát triển mạnh hơn. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi doanh thu cũng như lợi nhuận từ hoạt động của họ đều giảm ở mức hai con số.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/