|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhiều bất cập vì giá đất trong Luật thấp hơn giá thị trường

06:03 | 28/05/2019
Chia sẻ
Tại phiên thảo luận về báo cáo giám sát trong quản lý, sử dụng đất ở đô thị (2013-2018) ngày 27/5, đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, giá đất của Nhà nước không phù hợp với giá thị trường là nguyên nhân chính gây bức xúc dư luận, thiệt hại hại cho người dân và thất thu ngân sách.
Nhiều bất cập vì giá đất trong Luật thấp hơn giá thị trường - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Thu Hà)

Nhà nước thất thu bởi có 2 giá đất

Tại phiên thảo luận về báo cáo giám sát trong quản lý, sử dụng đất ở đô thị từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực  ngày 27/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu đều thẳng thắn chỉ rõ nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai. Trong đó, phần lớn các đại biểu đều cho rằng, khung giá đất của Nhà nước hiện nay đang thấp hơn giá thị trường.

Cụ thể, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, hiện nay, việc xác định giá đất cụ thể còn vướng mắc trong áp dụng các phương pháp giá đất, không phù hợp quy định, giá đất xác định không phù hợp giá thị trường gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách.

Ông Hòa lấy ví dụ, tại nhiều địa phương, giá đất do UBND cấp tỉnh quyết định không phù hợp với giá đất thực tế giao dịch trên thị trường, người sử dụng đất không biết được giá đất, cơ quan chịu trách nhiệm giá đất không có bộ phận thẩm định chuyên nghiệp, các đơn vị thẩm định giá đất chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, nguồn thu từ đất đai chưa đảm bảo bền vững, chủ yếu thu từ các hình thức giao đất, thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, tiền sử dụng đất một lần và cho cả thời gian thuê trong khi giá đất thấp và không kịp điều chỉnh, thực hiện công tác bồi thường và tái định cư cho một số dự án còn chậm, tình hình khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn, các vụ khiếu kiện đông người kéo dài.

Đồng quan điểm, ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất để nộp cho ngân sách hiện nay rất bất cập, không sát với thị trường làm thiệt hại cho người dân gây bức xúc khiếu kiện, thất thu ngân sách.

Theo ông Hàm, Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất kịp thời chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường. Cũng cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất và các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định bảng giá đất, giá đất phù hợp với thị trường, đảm bảo lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách.

Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, giá đất cụ thể được giá định chưa phù hợp với thị trường, còn bất cập về khung giá đất cho Chính phủ ban hành, một số nơi đã áp dụng mức giá tối đa theo khung giá đất nhưng chưa sát với thị trường. Ngoài ra, bất cập về giá đất tại những khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố với nhau và các đơn vị hành chính trong một tỉnh, thành phố có sự chênh lệch lớn do khung giá đất quy định, những hạn chế, bất cập về chính sách đất đai là nguyên nhân dẫn đến những khiếu nại của người dân có đất thu hồi và khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

"Hiện nay, chúng ta đang quản lý giá đất theo khung giá đất của Chính phủ và bảng giá đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có thể thấy thấp hơn giá trị thật dẫn đến thất thu cho nguồn thu ngân sách nhà nước", ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nói.

Đồng quan điểm về vấn đề trên, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cho rằng, việc định giá đất của nhà nước thông qua bảng giá đất hàng năm của các địa phương hiện nay là rất bất cập và hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhất là khi áp dụng giá đất cụ thể theo bảng giá đất để thực hiện công tác bồi thường khi thu hồi đất.

Đấu thầu nhưng chọn sẵn nhà đầu tư

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), hiện nay, vẫn còn tình trạng không thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc đấu thầu hình thức như đã chọn nhà đầu tư, đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý cho đấu thầu, các nhà đầu tư khác muốn tham gia đấu thầu nhưng hồ sơ chưa chuẩn bị kịp sẽ bị loại, chỉ còn nhà đầu tư đã chọn. Hình thức này đã và đang hình thành trong thời gian qua.

Đồng quan điểm, ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhận định, đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai và đấu thầu dự án có sử dụng đất theo Luật Đấu thầu là các quy định cần thiết để đảm bảo minh bạch, công khai bảo đảm lợi ích của người dân của nhà nước nhưng chưa làm rõ các trường hợp đã đấu giá quyền sử dụng đất thì có phải đấu thầu dự án sử dụng đất hay không và ngược lại nên rất khó khăn khi triển khai.

Cũng theo vị đại biểu này, một bất cập nữa cũng cần phải chỉ ra đó là vấn đề liên quan đến hình thức BT. Theo ông Hàm, hiện nay, chính sách để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT còn nhiều bất cập như xác định giá quyền sử dụng đất của quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư còn chưa rõ ràng về phương pháp, thời điểm xác định.

"Hầu hết các dự án BT thực hiện chỉ định thầu hoặc thanh toán cho nhà thầu theo hình thức giao đất là những kẽ hở gây thất thoát lãng phí trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì kêu gọi bằng hình thức BT là cần thiết nhưng hiện nay chưa có luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Chính phủ cũng chưa ban hanh được nghị định hướng dẫn sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện BT. Việc thiếu hụt chính sách như vậy dẫn đến khó quản lý và ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư nên cần nghiên cứu, hoàn thiện ngay", ông Hàm nhấn mạnh.

Ngoài ra, còn một số bất cập khác liên quan đến đất đai cũng được các đại biểu chỉ ra như việc rà soát, quản lý các dự án treo; sự chồng chéo trong việc lập phê duyệt, quy hoạch sử dụng đất; công tác quản lý đất đai còn nhiều biểu hiện buông lỏng kỷ cương; nhiều quy định pháp luật chưa theo kịp thực tiễn; hệ thống pháp luật về đất đai chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ; công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm toán về thực hiện chính sách pháp luật về đất đai còn chậm và chưa nghiêm túc,…

Qua đó, các đại biểu kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cần chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra việc thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; kịp thời vào cuộc để chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Quốc hội cần sớm, kịp thời xem xét, bổ sung điều chỉnh hành lang pháp lý, an toàn và thống nhất,…


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Hà

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.