Nhiều nơi chốt không tăng giá đất trong năm 2022
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều địa phương công bố hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) như Bắc Giang, Nam Định, Hải Phòng, TP HCM, Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Kon Tum,...
Trong đó, TP HCM, Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An chốt phương án giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất như năm 2021.
Cụ thể, HĐND TP HCM đã thông qua nội dung giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất TP HCM như năm 2021. Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 ở TP HCM cao nhất là 2,5 lần so với bảng giá đất UBND thành phố ban hành ở khu vực một. Hệ số thấp nhất là 1,5 lần ở khu vực năm. Đất của hộ gia đình, cá nhân có hệ số 1,5 lần cho tất cả khu vực.
TP HCM phân làm 5 khu vực để áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất. Khu vực 1 gồm: quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận. Khu vực 2 gồm: TP Thủ Đức, quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú. Khu vực 3 gồm: quận 8, 12, Bình Tân. Khu vực 4: gồm huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn. Khu vực 5 là Huyện Cần Giờ.
Như vậy, đây là năm thứ 4 TP HCM không thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất.
Tại Đồng Nai, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 là 1 và được áp dụng cho đất nông nghiệp, phi nông nghiệp. Theo đó, giá đất năm 2022 sẽ được tính bằng cách lấy Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 nhân với hệ số giá đất.
Như vậy, hai năm liên tiếp, bảng giá đất Đồng Nai giữ nguyên hệ số 1 nên sẽ không có thay đổi so với Bảng giá đất đã ban hành trước đó. Giá đất sẽ được tính theo từng tuyến đường, vị trí, trong đó có những tuyến đường sẽ chia thành nhiều đoạn để tính giá đất cho phù hợp.
Tại Thanh Hóa, quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 trên địa bàn tỉnh bằng 1. Hệ số này được giữ nguyên so với năm 2021.
Tại Nghệ An, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 được giữ nguyên như năm 2021 là 1 và được áp dụng cho đất nông nghiệp, phi nông nghiệp.
Tại Bắc Giang, hệ số điều chỉnh giá đất ở năm 2022 tại các dự án khu đô thị mới, khu dân cư mới, điểm dân cư do doanh nghiệp làm chủ đầu tư được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ; các khu đô thị mới, khu dân cư mới, điểm dân cư do Nhà nước làm chủ đầu tư được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chưa quy định giá đất trong Bảng giá đất thì hệ số K = 1 (giữ nguyên như năm 2021).
Riêng đất thương mại, dịch vụ; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại TP Bắc Giang áp dụng hệ số K = 1,1 (năm 2021 là 1,2). Tại các huyện, đất tại thị trấn; đất nằm ven đường quốc lộ, đường tỉnh và đất tại các vị trí còn lại thì K = 1,1 (năm 2021 là 1,2).
Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (đất chưa bao gồm chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật - đất thô) áp dụng kệ số K = 1,1 (năm 2021 là 1,2).
Còn đất thuộc nhóm đất nông nghiệp áp dụng hệ số K = 1 (giữ nguyên như năm 2021) không phân biệt vị trí, khu vực.
UBND TP Hải Phòng vừa qua đã ra quyết định điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất có hiệu lực áp dụng từ ngày 10/12/2021. Theo đó, hệ số điều chỉnh giá đất đối với hộ gia đình, cá nhân được giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất được nâng lên 1,1 và 1,2 (trước đây, tại Quyết định 11/2020 của UBND TP là 1). Đối với tổ chức được thuê đất áp dụng hệ số K là 1 và 1,2 tùy từng trường hợp.
Trong khi đó, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 tại Nam Định được điều chỉnh mạnh. Đơn cử, tại các phường và các xã của TP Nam Định áp dụng hệ số K là 1,3 (năm 2021 là 1,1); tại các thị trấn như Mỹ Lộc, Gôi, Lâm, Liễu Đề,... áp dụng hệ số K là 1,3 (nâm 2021 là 1,1),...
Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu chưa chốt
Trong khi đó, TP Hà Nội đang lấy ý kiến về việc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022. Mục địch nhằm làm căn cứ tính thu tiền sử dụng đất khi giao đất không thông qua đấu giá; thu tiền sử dụng đất khi tổ chức được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất ở trên địa bàn thành phố.
Theo Dự thảo, 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng áp dụng hệ số K =2,2. Các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân áp dụng hệ số K = 2. Các quận còn lại áp dụng hệ số K = 1,85.
Đối với các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng sẽ áp dụng như sau: Các xã giáp ranh nội thành, thị trấn các huyện (K = 1,6), các xã còn lại thuộc các huyện (K = 1,55).
Các huyện còn lại và thị xã Sơn Tây áp dụng như sau: Các xã giáp ranh nội thành, thị trấn các huyện (trừ thị trấn của các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phúc Thọ); các phường thuộc thị xã Sơn Tây (K = 1,5); các xã còn lại thuộc các huyện, các xã của thị xã Sơn Tây; thị trấn của các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phúc Thọ (K = 1,3).
TP Đà Nẵng cũng đang lấy ý kiến dự thảo ban hành Quyết định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đối với vị trí 1 đất đô thị đã được đặt tên có hệ số K từ 1 đến 2,9; đối với đất đô thị tại các vị trí 2 đến vị trí 5 (đường kiệt) có hệ số K từ 1 đến 1,2.
Đối với các vị trí, tuyến đường nông thôn (thuộc địa bàn các xã huyện Hòa Vang); các tuyến đường chưa đặt tên trong các khu dân cư mới áp dụng hệ số K từ 1 đến 1,2.
Đối với các tuyến đường trong Khu công nghệ cao áp dụng hệ số K là 1. Đối với các loại đất nông nghiệp áp dụng hệ số K là 1.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Tài chính đã xây dựng hai phương án hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trong năm 2022 để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan có liên quan.
Cụ thể, phương án 1: Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 bằng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 (quy định tại Quyết định số 02/2021 ngày 05/3/2021 của UBND tỉnh).
Phương án 2: Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 = Giá đất thị trường do đơn vị tư vấn khảo sát năm 2021 chia cho giá đất trong Bảng giá đất.