|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cơn sốt đất quay cuồng năm 2021 đã đi qua những nơi nào?

08:26 | 02/01/2022
Chia sẻ
Để nói về một hiện tượng đáng chú ý của thị trường bất động sản năm 2021, có lẽ nhiều người sẽ nhắc đến cơn sốt đất quay cuồng khắp từ Bắc chí Nam. Đây cũng chính là thủ phạm gây nhiễu loạn thị trường.

Bức tranh thị trường bất động sản năm 2021 bao phủ bởi một gam màu trầm do chịu tác động của dịch COVID-19. Duy chỉ có giai đoạn sôi động nhất được ghi nhận vào thời điểm đầu năm, khi cả nước quay cuồng trong cơn sốt đất. Thị trường lúc đó xuất hiện hàng loạt những điểm nóng, nơi chứng kiến giá đất tăng phi mã.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý I/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước.

Những điểm sốt nóng của thị trường bất động sản năm 2021 - Ảnh 1.

Gần 20 địa phương xảy ra sốt đất trong năm qua. (Đồ họa: Alex Chu).

Điển hình, như: TP Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất,…), TP HCM (Thủ Đức), TP Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), tỉnh Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), tỉnh Ninh Bình (huyện Gia Viễn), tỉnh Bình Thuận (TP Phan Thiết và thị xã La Gi), tỉnh Bình Phước (huyện Hớn Quảng), tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh),…

Những điểm sốt nóng của thị trường bất động sản năm 2021 - Ảnh 1.

(Đồ họa: Alex Chu).

Ngay từ thời điểm đầu năm 2021, thị trường bất động sản khu vực phía Bắc đón nhận nhiều thông tin quy hoạch thành phố, quy hoạch vùng. Đơn cử như thông tin 5 huyện Hà Nội (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) có lộ trình lên quận đã đẩy giá đất tại các khu vực này tăng mạnh.

Theo khảo sát tại thời điểm sốt, đất thổ cư trong ngõ tại các xã như Vĩnh Ngọc (Đông Anh) có giá bán trên dưới 30 triệu đồng/m2. Còn tại trung tâm thị trấn Đông Anh, đất thổ cư dao động trong khoảng 120 - 150 triệu đồng/m2 tùy vị trí. So với cùng thời điểm 2019, giá đất Đông Anh đã tăng khoảng 50 - 60%.

Tại Gia Lâm, giá đất tại thị trấn Trâu Quỳ vị trí đẹp dao động trong khoảng 150 - 170 triệu đồng. Còn đất ở các trục đường chính và đất thổ cư trong làng tại các xã Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Đông Dư được rao bán với giá khoảng 34 - 60 triệu đồng/m2. So với cùng thời điểm năm ngoái, giá đất đã tăng khoảng 15 - 25%.

Tương tự, giá đất mặt đường tại một số xã như Kim Chung hay thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức) ở mức 100 triệu đồng/m2 trở lên. Riêng đất dịch vụ có giá dao động trong khoảng 50 - 80 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Còn đất thổ cư trong làng có giá khoảng 30 triệu đồng/m2, mặt tiền rộng có giá 40 - 50 triệu đồng/m2. Trong khi cách đây vài năm, mức giá chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng/m2.

Tại Thanh Trì, giá đất mặt đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển thời điểm sốt dao động quanh mức 100 triệu đồng/m2. Đất trong ngõ, ô tô đi vào được có giá khoảng 30 - 40 triệu đồng/m2. Ở khu vực xa hơn như tại Vạn Phúc, Đông Mỹ, giá đất cũng lên tới 20 - 30 triệu đồng/m2.

Thời gian gần đây, thông tin quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được phê duyệt vào đầu năm 2022, khiến giới đầu tư bất động sản xôn xao, giá đất một số huyện ngoại thành như Gia Lâm, Mai Linh, Đông Anh,... "dậy sóng".

Tại TP Hải Phòng, thông tin huyện Thủy Nguyên lên thành phố khiến đất đai được các nhà đầu tư săn đón mạnh.

Còn nhớ thời điểm cuối quý I, các quận, huyện tại Hải Phòng như Dương Kinh, Hải An, Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Kiến Thụy,… đồng loạt xảy ra hiện tượng sốt đất khiến mức giá bị đẩy cao bất thường. Cá biệt có khu vực, giá đất tăng tới 60 - 70% so với thời điểm cuối năm 2020.

Không nằm ngoài cơn sốt đất quay cuồng diễn ra ngay sau tết Nguyên đán, giá đất tại Bắc Giang được đẩy lên cao. Tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, giá đất trước Tết Nguyên đán ở mức khoảng 12 - 15 triệu đồng/m2, sau Tết đã tăng lên 25 - 30 triệu đồng/m2,...

Ven 4 khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám, Song Khê Nội Hoàng, Quang Châu, giá đất dao động khoảng 25 - 40 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50 - 70% so với cuối năm 2020.

Hay tại Thanh Hóa, theo khảo sát của Hội môi giới, thời điểm đầu tháng 3, giá đất nền nhiều nơi tại địa phương này đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 - 60% so với cuối năm 2020.

Còn giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động trong khoảng 12 - 15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2 - 3 lần so với giá thị trường cùng kỳ năm trước và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của Nhà nước.

Những điểm sốt nóng của thị trường bất động sản năm 2021 - Ảnh 2.

(Đồ họa: Alex Chu).

Tại miền Trung, thời điểm ngay sau Tết Nguyên đán, cò đất Đà Nẵng dùng đủ chiêu trò thổi giá. Các lô đất được rao bán chủ yếu ở khu vực phía Nam Đà Nẵng.

Qua khảo sát của Sở TNMT TP Đà Nẵng, trước và sau Lễ công bố điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng vào ngày 29/3, việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, khởi công dự án Làng, thị trường bất động sản có tăng nhẹ, chủ yếu tại khu vực Golden Hills, FPT và xung quanh dự án Không gian sáng tạo tại phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ.

Đơn cử như các lô đất ở khu vực Hòa Xuân, FPT City được rao bán cao hơn so với giá năm 2020 khoảng 100 - 200 triệu đồng, tùy theo diện tích và vị trí.

Ăn theo các dự án, nhiều môi giới cũng cho dựng lại hàng trăm ki ốt không phép gần các dự án lớn ở phía Tây thành phố, quận Liên Chiểu, quận Sơn Trà và cả trong trung tâm để giao dịch, mua bán.

Tại Quảng Trị, cũng vào thời điểm đầu năm 2021, lợi dụng thông tin các tập đoàn lớn đến tìm hiểu đầu tư, giá đất tại một số khu đô thị tại TP Đông Hà ghi nhận tăng mạnh.

Đơn cử, các thửa đất Khu đô thị Bắc sông Hiếu (TP Đông Hà, Quảng Trị) dọc các tuyến đường nhựa 15,5 m thời điểm cuối năm 2020 được bán với giá chỉ 7 - 8 triệu đồng/m2, nhưng từ sau Tết Nguyên đán, mỗi m2 đất ở đây đã tăng lên hơn 10 triệu đồng/m2. Tại Khu đô thị Nam Đông Hà, cũng các lô đất dọc tuyến đường 15,5 m cũng tăng lên 6,5 - 8 triệu đồng/m2,...

Tình trạng mua bán đất ở khu vực dự kiến làm sân bay Quảng Trị cũng trở nên rầm rộ từ khoảng giữa tháng 2.

Tại Bình Thuận, tại địa bàn các xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết, cạnh khu vực thực hiện dự án sân bay Phan Thiết hồi tháng 3 ghi nhận sôi động do các nhà đầu tư khắp nơi đổ về mua bán đất.

Thời điểm đó, giá đất tại khu vực quanh sân bay Phan Thiết đã tăng gấp đôi, nhiều nơi có vị trí tốt tăng gấp 3 - 4 lần so với trước Tết. Theo một môi giới khu vực này, trước đây, 1.000 m2 đất nông nghiệp có giá hơn 100 - 200 triệu đồng thì đầu năm 2021 đã cao gấp 2 - 4 lần tùy vị trí,...

Thời gian gần đây, cơn sốt đất cũng xuất hiện tại Hà Tĩnh và Khánh Hòa. Cụ thể, tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ngay sau thông tin khởi công nhà máy sản xuất pin của một tập đoàn lớn, giá đất tại xã phường như Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Liên, Kỳ Lợi,... đã lập tức tăng dựng đứng.

Nhiều mảnh đất trước đây chỉ có giá khoảng 100 – 200 triệu/mét ngang nay được môi giới thổi lên 300 – 600 triệu/mét ngang. Thông tin rao bán đất ăn theo dự án này cũng xuất hiện dày đặc trên các trang rao bán bất động sản.

Tại Khánh Hòa, sau khi có thông tin một số tập đoàn lớn đề xuất đầu tư dự án, giá đất Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã tăng dựng đứng. Cụ thể, giá đất thổ cư khu vực này hồi đầu tháng 10 chỉ có giá dưới 5 triệu đồng/m2 nay tăng lên 8 - 12 triệu đồng/m2 tùy khu vực. Riêng tỉnh lộ 5 và tỉnh lộ 8, giá đất trồng cây lâu năm trước tháng 10 chỉ khoảng 20 triệu đồng/mét ngang nay "nhảy dựng" lên 80 - 120 triệu đồng/mét ngang tùy khu vực.

Hay ở huyện Cam Lâm của tỉnh này, trước thông tin quy hoạch và một số tập đoàn lớn đề xuất đầu tư nhiều dự án "khủng", giá đất nhiều khu vực đã bị môi giới hét lên cao gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi.

Những điểm sốt nóng của thị trường bất động sản năm 2021 - Ảnh 3.

(Đồ họa: Alex Chu).

Tại khu vực phía Nam, kể từ sau thông tin sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức ở TP HCM thành một thành phố mới, giá nhà đất ở các quận này ghi nhận tăng mạnh.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, giá nhà đất ở khu vực Thủ Đức liên tục tăng nhiều đợt từ trước thời điểm thành lập thành phố. Đơn cử như tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…, vị trí đất mặt đường hồi đầu năm đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2 thậm chí gần 200 triệu.

Tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 nay đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m2 thậm chí 100 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 40% so với năm 2019).

Tại Đồng Nai, với lợi thế tiếp giáp khu đông TP HCM và việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, giá đất bình quân năm 2019 khoảng 12 - 14 triệu đồng/m2, đến thời điểm đầu năm 2021 đã tăng lên khoảng 22 triệu đồng. Đất tại thị trấn Long Thành có nơi đã tăng đến 100 triệu đồng/m2.

Riêng tại huyện Nhơn Trạch, đất nền tại khu HUD, XDHN Nhơn Trạch đã tăng khoảng 30% so với thời điểm trước tết.

Tại Bình Phước, hồi cuối tháng 2, sau thông tin lãnh đạo địa phương khảo sát vị trí làm sân bay lưỡng dụng 500 ha tại Hớn Quản, thị trường đất nền tại khu vực này ngay lập tức nóng sốt.

Giới đầu cơ từ khắp nơi kéo về khu vực này để chèo kéo người dân, nhộn nhịp như một chợ bất động sản. Giá đất cũng được thổi lên cao chóng mặt lên đến 400 - 500 triệu đồng/mét ngang,...

Hay tại Lâm Đồng, tình trạng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp trái pháp luật thời gian vừa qua diễn ra tràn lan trên địa bàn TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và huyện Lâm Hà khiến nhiều đồi chè, cà phê bị xẻ thịt, gây bức xúc dư luận.

Hầu hết các cơn sốt đất nói trên chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và đồng loạt hạ nhiệt sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn.

Những tháng cuối năm, đất nền nhiều khu vực ghi nhận sôi động, thậm chí cơn sốt đất đã "nhen nhóm" xuất hiện tại một số địa phương. Song, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư đang có xu hướng thận trọng hơn trong việc ra quyết định. Theo một số chuyên gia, không có một tín hiệu rõ ràng nào cho một cơn sốt đất diện rộng xảy ra vào năm 2022. Bởi nhiều thông tin quy hoạch, hạ tầng đã được hé lộ trong năm vừa qua.

Hà Lê

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.