Nhộn nhịp mua đất cận Tết
Giao dịch BĐS sôi động và nóng dần về cuối năm. (Ảnh: Ngọc Anh).
Khoảng gần ba tháng trở lại đây, thị trường bất động sản (BĐS) giao dịch sôi động trở lại và nóng dần vào cuối năm, nhất là những điểm nóng như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu,... Thậm chí, phòng công chứng ở một số địa phương quá tải các hồ sơ đất đai.
Dữ liệu từ DKRA Vietnam cho thấy, trong tháng 11, các địa phương gồm TP HCM và 5 tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Long An) hay xa hơn là các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận có khoảng 700 nền đất được đưa ra thị trường, với tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 55%.
Trong khi trước đó ở tháng 10 chỉ có khoảng 650 nền và tiêu thụ được hơn 1/3. Còn tháng 9 vẫn trong thời gian giãn cách xã hội nên gần như không có dự án đất nền nào được bán ra.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam, điều này cho thấy bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền luôn luôn có phản ứng nhanh nhất với thị trường khi sức mua đang rất tích cực trong thời điểm này. Những ngày đầu tháng 12, xu hướng này vẫn tiếp tục tích cực.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam, cho biết thường thời điểm trước và sau Tết, hoạt động giao dịch bất động sản rất sôi động. Lượng giao dịch được thống kê qua các sàn luôn cao hơn so với các quý khác. Tuy nhiên năm nay, nguồn cung và sức mua có sự suy giảm, mặc dù đã có những diễn biến tích cực.
Chốt lời từ chứng khoán, tiền kỹ thuật số,… để mua đất cuối năm
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc mua bất động sản cận tết gần như mang tính mùa vụ. Vào cuối năm, nhà đầu tư có tâm lý muốn mua một cái gì đó được xem là thành quả của cả một năm.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư sau một năm kiếm tiền từ các kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiền kỹ thuật số,… muốn chốt lời vào kênh bất động sản và coi đó như một kênh gửi gắm an toàn và lâu dài.
Một yếu tố khác là lãi suất hiện nay về cơ bản tương đối thấp. Lãi suất cho vay mua nhà khoảng 9-10% mỗi năm và có thể vay 13-15 năm, thậm chí lâu hơn. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng muốn kích cầu ở thời điểm hiện nay nên tung ra những gói cho vay và chính sách khuyến mại hấp dẫn.
Do vậy, TS. Cấn Văn Lực đánh giá nhiều thông tin tích cực như trên sẽ thúc đẩy việc mua bán bất động sản nói chung và đất nền nói riêng trong ba tháng tới.
Lo ngại sốt đất vào mỗi dịp Tết Nguyên đán
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng, trước năm 2018 thường có những cơn sốt đất diễn ra trước và sau Tết bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, hai năm nay, những cơn sốt đất trên diện rộng hoặc sốt đất thật sự rất ít.
Đến năm nay, dịch COVID-19 gây ra những biến động về kinh tế, thu nhập,… khiến thị trường thứ cấp không sôi động nên chưa có tình trạng mọi người đổ xô đi mua đất nền như những giai đoạn trước.
Có chăng tình hình giao dịch ở một số khu vực, một số địa phương sôi động và được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là những nơi gần các dự án hạ tầng giao thông hoặc sắp có sự chuyển đổi về mặt đô thị.
"Vì vậy, những năm vừa qua, đất đai tại các khu vực gần sân bay Long Thành hoặc gần các tuyến đường cao tốc mà nhà nước đang chuẩn bị đầu tư được hưởng lợi và có những tiềm năng phát triển trong tương lai,… sôi động hơn.
Nhưng sẽ khó sốt đất, bởi nhiều nhà đầu tư hiện nay thận trọng hơn trong việc quan sát thị trường. Hơn nữa, thị trường thứ cấp - tức mua đi bán lại, cũng kém sôi động hơn. Thông thường thị trường thứ cấp phải sôi động thì mới tác động đến thị trường sơ cấp là những người mua ban đầu", ông Hoàng phân tích.
Mặc khác, ông Hoàng đánh giá các chính sách của nhà nước về việc kiểm soát dòng vốn chovay bất động sản cũng hạn chế dòng tiền đổ vào thị trường này. Khi tác động đến sức mua sẽ giảm khả năng xảy ra sốt đất.
Cũng theo chuyên gia DKRA, sốt ảo chỉ xuất hiện ở một vài nơi nào đó, do một số người đưa ra những thông tin để tạo sóng. Những cơn sốt đất ảo như vậy cũng qua đi rất nhanh, khoảng 7-10 ngày là hết. Nhà đầu tư bây giờ rất thận trọng, quan sát kỹ chứ không chạy theo đám đông.
Thời điểm tốt để xuống tiền đầu tư?
Nhiều người lựa chọn thời điểm cuối năm để mua đất. (Ảnh: Hà Lê, Khải An).
Cuối năm là thời điểm các chủ đầu tư bung hàng, là cuộc chạy nước rút của cả doanh nghiệp, đơn vị phân phối và môi giới, nhiều người cũng chọn mua nhà thời điểm này.
Theo quan sát thực tế của chuyên gia DKRA trong hai tháng qua, thị trường vẫn có những người mua nhà để ở với mong muốn có điều kiện sống tốt hơn. Thay vì trước đây, họ mua nhà chỉ đơn giản là để ở, nay còn thêm các tiêu chí liên quan môi trường sống, tiêu chuẩn sống, nhất là đòi hỏi về thiết kế thông thoáng, cảnh quan, tiện ích,… của dự án.
Thời điểm đầu tư tốt nhất là khi nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn về mặt ngân sách tài chính, có đầy đủ thông tin về dự án hoặc khu vực mà mình dự định đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam
Để lựa chọn thời điểm đầu tư, chuyên gia của DKRA Vietnam cho rằng nhà đầu tư nên dựa vào năng lực tài chính của mình, tiềm năng của khu vực dựa vào sự thay đổi hạ tầng hay định hướng quy hoạch của nhà nước,…
Bên cạnh đó, khách hàng nên hết sức cẩn thận với tâm lý đầu tư theo đám đông, tránh đầu tư vào những dự án mà chủ đầu tư có sự chuẩn bị chưa tốt, dễ gặp nhiều rủi ro.
"Thời điểm đầu tư tốt nhất là khi nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn về mặt ngân sách tài chính, có đầy đủ thông tin về dự án hoặc khu vực mà mình dự định đầu tư", ông Hoàng nhận định.
Cũng theo một số chuyên gia, thị trường bất động sản dù có diễn ra tình trạng giảm giá nhưng vẫn luôn cao hơn mặt bằng giai đoạn trước hoặc chỉ chững lại.
Hơn nữa, do đòi hỏi vốn lớn nên đây không phải là sân chơi dành cho số đông. Những người vốn ít, đầu tư ngắn hạn, lướt sóng vay ngân hàng bắt buộc phải thanh khoản, bán tài sản để thoát nợ.
Ngược lại, rất nhiều người không dùng đòn bẩy tài chính vẫn giữ bất động sản dài hạn nên thời điểm này nhà đầu tư muốn mua được bất động sản tốt sẽ không có giá rẻ.
Trong suốt thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, dù thanh khoản trên thị trường rất thấp nhưng giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng do nhiều bất động sản nằm trong tay nhà đầu tư không vay vốn, không bị ảnh hưởng bởi dịch.