|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường bất động sản 2022 phụ thuộc vào những biến số nào?

08:06 | 27/12/2021
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2022 gắn với một biến số rất quan trọng đó là khả năng giải ngân vốn đầu tư công. Bởi đây là một chương trình quốc gia lớn, liên quan đến các tuyến giao thông huyết mạch,...
Thị trường bất động sản 2022 phụ thuộc vào biến số nào? - Ảnh 1.

Đầu tư công sẽ là cú hích lớn cho thị trường bất động sản năm 2022. (Ảnh: Khải An).

Thị trường bất động sản trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng trưởng nhờ sự hỗ trợ của nhiều yếu tố. Đơn cử, trong tổng quy mô gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế năm 2022 - 2023 (445.760 tỷ đồng giá trị thực chi) theo đề xuất của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các chuyên gia, có tới 150.000 tỷ đồng được đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, Chính phủ và Quốc hội cũng đang họp bàn để thống nhất có một gói khoảng 60.000 – 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở,...

Theo các chuyên gia, đây đều là những yếu tố sẽ tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Chia sẻ tại Hội thảo "Gói kích thích kinh tế, quy hoạch và cơ hội đầu tư bất động sản năm 2022" diễn ra mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong năm 2022, một trong những điều quan trọng là phải giữ ổn định vĩ mô. Nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn tăng trưởng chậm nên rất cần gói kích thích lớn với tham vọng không chỉ phục hồi mà còn phải tạo ra cơ hội để bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.

Trường bất động sản thời gian tới gắn với một biến số rất quan trọng đó là khả năng giải ngân vốn đầu tư công.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam

Theo vị này, thị trường bất động sản thời gian tới gắn với một biến số rất quan trọng đó là khả năng giải ngân vốn đầu tư công. Bởi đây là một chương trình quốc gia lớn, liên quan đến các tuyến giao thông huyết mạch và chắn chắn sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường bất động sản.

"Tôi cho rằng, thời gian tới, về mặt vĩ mô phải tính thêm yếu tố này để có thể tháo gỡ thật tốt và đưa câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công sang một trạng thái tích cực hơn", ông Thiên nói.

Vị chuyên gia này phân tích thêm, về dài hạn, bất động sản sẽ gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và lấy hạng mục trung tâm là đô thị hóa. Đây là điều mà các chủ đầu tư nên suy nghĩ để thay đổi đổi tư duy, cách tiếp cận. Tới đây, cách thức đầu tư rồi đấu thầu chắc chắn sẽ theo một chuẩn mực khác.

"Tôi tin rằng điều này phải diễn ra, không thể đô thị hóa theo kiểu cũ là xây nhà để bán được. Bên cạnh đó, xu hướng đô thị thông sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới và các chủ đầu tư phải nhận ra xu hướng này sớm", ông Thiên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế năm 2022, một trong những điểm rất quan trọng hiện đang được thảo luận đó là việc tháo gỡ những cơ chế để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công.

Ông phân tích, các vấn đền liên quan đến giải ngân đầu tư công hiện nay cần được tháo gỡ gồm: Hình thức PPP, chỉ định thầu, phân cấp trung ương, địa phương, phân bổ hợp lý các mô hình đầu tư, giải tỏa ách tắc về nguyên vật liệu, vật tư xây dựng,...

Do đó, nếu đẩy nhanh được việc giải ngân này có thể thúc đẩy các dự án hạ tầng phát triển, cũng tạo nền tảng tốt cho những năm tiếp theo.

Quá trình phục hồi kinh tế trong năm tới sẽ không đồng đều giữa các lĩnh vực, khu vực. Do đó, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các loại hình bất động sản khác nhau, từ loggistic, thương mại, du lịch nghỉ dưỡng, nhà ở,...

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

Cũng theo ông Thành, bên cạnh giải ngân đầu tư công, hiện nay các luật Nhà ở, Đầu tư, Kinh doanh bất động sản,... đang được xây dựng và nằm trong kế hoạch của Quốc hội để giải tỏa các vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản.

Vị chuyên gia này dự báo, quá trình phục hồi kinh tế trong năm tới sẽ không đồng đều giữa các lĩnh vực, khu vực. Do đó, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các loại hình bất động sản khác nhau, từ loggistic, thương mại, du lịch nghỉ dưỡng, nhà ở,... Trong đó, bất động sản du lịch có thể sẽ hồi phục chậm hơn.

"Từ chương trình hỗ trợ này, chúng ta đánh giá rủi ro nhất nhiều khía cạnh, từ nợ công, lạm phát, thâm hụt ngân sách, rồi làm sao để hạn chế việc dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản và chứng khoán gây đầu tư quá mức,... Nhưng vẫn phải làm gì đó để kiểm soát việc này, tránh làm hạn chế sự phát triển chung của thị trường.

Chúng ta vẫn mong muốn thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Như vậy, cơ hội đang đan chéo với thách thức", ông Thành nói.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, dự kiến trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, Quốc hội cũng sẽ thẩm tra liên quan đến chính sách tiền tệ. Trong đó, có một số chính sách sẽ tác động đến thị trường bất động sản.

Thứ nhất, dự kiến sẽ có một chương trình hoặc gói cho vay mua nhà ở, tầm 60.000 - 65.000 tỷ đồng. Gói này giống với gói 30.000 tỷ đã từng tung ra hồi 2013 trong vòng ba năm.

Thứ hai là tiếp tục có gói cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội. Hiện nay, có nhiều chủ đầu tư sẵn sàng tham gia vào kênh nhà ở xã hội vì thấy nhu cầu còn lớn và nhiều tiềm năng. Tất nhiên, các cơ quan quản lý phải giải quyết khá nhiều vấn đề liên quan đến chuyện này trong thời gian vừa qua liên quan đến pháp lý, việc dành 20% quỹ đất và các dịch vụ đi kèm,…

Ngoài ra, trong Chiến lược phát triển nhà ở trong 10 năm (2021 – 2030) cũng dành nhiều nội dung liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, nhà ở dành cho đối tượng chính sách.

Trong Nghị định do Chính phủ đang dự thảo liên quan đến khu công nghiệp, có yêu cầu rất quan trọng là khu công nghiệp phải có nhà ở dành cho công nhân, có thể nằm trong hoặc bên ngoài khuôn viên.

"Tất cả những yếu tố này sẽ tác động tích cực đến bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở và đất nền", ông Lực nhận định.

Hà Lê