|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khi cơn sốt đất điên cuồng có dấu hiệu quay trở lại

07:56 | 23/12/2021
Chia sẻ
Cơn sốt đất gây hoang mang dư luận hồi đầu năm đang có dấu hiệu lặp lại. Nhận thấy điều này, chính quyền một số địa phương đã ban hành các văn bản tạm dừng tiếp nhận hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền trái phép,...
Khi cơn sốt đất điên cuồng có dấu hiệu quay trở lại - Ảnh 1.

Nhà đầu tư đổ xô về Cam Lâm săn đất. (Ảnh: Khải An).

Sau một thời gian "im hơi lặng tiếng" do phải đương đầu với đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay, các nhà đầu tư đang nhộn nhịp quay lại thị trường khiến đất nền nhiều khu vực lên cơn sốt. Cùng với đó là các phiên đấu giá đất diễn ra với mật độ khá dày, kết quả trúng thường cao hơn nhiều so với giá khởi điểm. Trước tình trạng này, loạt địa phương đã vào cuộc chấn chỉnh.

Đơn cử, UBND huyện Cam Lâm vừa có văn bản gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Cam Lâm, UBND các xã và thị trấn Cam Đức về việc tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày ban hành văn bản cho đến khi có thông báo mới.

Thời gian vừa qua, Cam Lâm là khu vực có giá đất tăng đột biến xuất phát từ các chiêu trò thổi giá của một số đối tượng liên quan đến thông tin tập đoàn lớn đầu tư dự án nghìn ha, tập đoàn tổ chức cắm cọc dự án,…

UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) mới đây cũng thông báo tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 10/12/2021 cho đến khi Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của thị xã Ninh Hòa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khu vực thị xã Ninh Hòa đang được nhiều tập đoàn đề xuất đầu tư các dự án khủng, trước thông tin đó, nhiều môi giới đã thổi thông tin khiến giá đất khu vực tăng gấp 5 - 7 lần so với thực tế.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết sẽ xem xét siết chặt hơn điều kiện tham gia đấu giá đất bằng cách nâng cao mức đặt cọc nhằm tránh tình trạng bên trúng đấu giá sẵn sàng bỏ cọc, dẫn tới phải tổ chức đấu giá nhiều lần như một số địa phương khác,...

Sở Xây dựng tỉnh này mới đây cũng có văn bản đề nghị một doanh nghiệp thực hiện việc công khai thông tin và hoạt động kinh doanh, văn phòng hoặc chi nhánh, đầu mối phụ trách dự án để thuận tiện trong quá trình phối hợp quản lý và triển khai dự án. Nguyên nhân là do có tình trạng môi giới thổi giá gây sốt ảo xung quanh khu đất dự án.

Tại Đắk Nông, thời gian vừa qua, đất đai khu vực xung quanh hồ Tà Đùng liên tục bị thổi giá, sang nhượng trái phép,… Trước tình trạng này, Chủ tịch tỉnh này đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện thanh tra đột xuất, toàn diện.

Thanh tra tỉnh ngay sau đó đã công bố quyết định thanh tra đột xuất công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quản lý xây dựng trên địa bàn xã Đắk Som (huyện Đắk Glong), đặc biệt tập trung vào khu vực xung quanh hồ Tà Đùng.

Cụ thể, thanh tra sẽ tập trung vào những vấn đề như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa đất, sử dụng đất, việc quản lý xây dựng nhà ở, các công trình khác trên đất khu vực quanh hồ Tà Đùng.

Chấn chỉnh tình trạng phân lô, tách thửa

Khi cơn sốt đất điên cuồng có dấu hiệu quay trở lại - Ảnh 2.

Nhiều đồi chè, cà phê tại Bảo Lộc bị cọc trọc để phân lô bán nền. (Ảnh: D.T).

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn về việc quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt là tình trạng mua đất nông nghiệp chừa đường đi rồi thực hiện thủ tục chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở, tạo ra các điểm dân cư nhỏ, lẻ trên địa bàn không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới được duyệt,...

UBND tỉnh Hà Tĩnh mới đây cũng có văn bản chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép và tăng cường quản lý đất đai.

Văn bản nêu rõ, thời gian gần đây, một số khu vực xảy ra tình trạng nhiều hộ gia đình, cá nhân tự ý chia nhỏ thửa đất ở, đất vườn ao liền kề đất ở, đất trồng cây lâu năm để thực hiện phân lô, tặng cho, chuyển quyền sử dụng đất.

Việc thực hiện phân lô do các hộ gia đình tự ý mở đường giao thông trong thửa đất mà không có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện, không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai tại các địa phương.

Sau khi xem xét các báo cáo và đề nghị của Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, từng bước lập lại trật tự xây dựng và quản lý đất đai, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ngành liên quan, giám đốc văn phòng đăng ký đất đai và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

Riêng tại Kỳ Anh, trước diễn biến bất thường về hoạt động mua bán, lãnh đạo huyện này đã chỉ đạo UBND Thị xã có văn bản chỉ đạo các phòng ban chức năng, các địa phương công bố, công khai kịp thời thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án trên địa bàn. Điều này giúp các tổ chức, người dân tiếp cận thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng đẩy giá đất lên cao.

Trước tình trạng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp trái pháp luật diễn ra tràn lan, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm tổng hợp, báo cáo 15 nội dung liên quan đến hiến đất làm đường, tách thửa trên địa bàn xảy ra từ năm 2018 đến nay, phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý các vấn đề liên quan.

Hay tại Đồng Nai, việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp, sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất công vẫn diễn ra tràn lan trong thời gian vừa qua. Nhất là tại TP Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Vĩnh Cửu. Do đó, UBND tỉnh này đã yêu cầu các địa phương phải tìm giải pháp hạn chế tình trạng trên,...

Công Tâm

Trung Quốc bắt đầu xả lũ vào sông Lô, Hà Giang cảnh báo ngập lụt
UBND Hà Giang vừa phát đi thông báo về việc Trung Quốc bắt đầu xả lũ sông Lô từ trưa 11/9 và cảnh báo các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do lưu lượng mực nước tăng có thể gây ngập úng.