|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cuối năm, đất lại ‘nóng’

08:07 | 22/12/2021
Chia sẻ
Những cuộc đấu giá đất cao kỷ lục hay những cơn sốt đất ảo bùng phát tại nhiều địa phương,... đang là chủ đề được dư luận quan tâm, trong đó có cả giới chuyên môn.
Cuối năm đất lại ‘nóng’ - Ảnh 1.

Nhiều địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả. (Ảnh: Dân trí).

Câu chuyện 'sốt đất" từng làm "nóng" thị trường bất động sản quý đầu năm và sau đó dần lắng xuống do sự vào cuộc của chính quyền địa phương và việc hạn chế đi lại do dịch bệnh.

Thế nhưng, ngay sau giãn cách, một lượng lớn các nhà đầu tư quay trở lại thị trường, cùng với các hoạt động đấu thầu, mở bán dự án,... được kích hoạt, chủ đề này lại được bàn tán sôi nổi khắp các diễn đàn.

Điển hình nhất phải kể đến buổi đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa mới đây. Việc ông chủ Tân Hoàng Minh bạo tay trả 2,45 tỷ đồng cho 1 m2 đất là sự kiện "vô tiền khoáng hậu".

Chỉ "sốc" thôi là chưa đủ, dư luận còn đưa ra những giả thuyết và hoài nghi về năng lực của chủ đầu tư. Trong khi đó, một số người thì bày tỏ quan ngại về hiệu quả của khu đất sau này.

Không ít chuyên gia lại bày tỏ quan ngại bởi hiệu ứng của vụ đấu giá này có thể sẽ gây bất lợi cho thị trường bất động sản, thậm chí kéo theo những hệ lụy khác. Như đánh giá của một vị chuyên gia, trước mắt, giá căn hộ hạng sang và siêu sang sẽ lập mặt bằng giá mới. Sau đó sẽ tới các phân khúc cao cấp và trung cấp.

Thiệt hại nặng nề nhất sẽ là phân khúc nhà thương mại giá rẻ và các kế hoạch bình ổn thị trường nhà giá thấp vì khi giá đất tăng cao đồng nghĩa với chi phí đầu vào của các dự án nhà ở sẽ đội lên đáng kể.

Trước đó cũng có rất nhiều địa phương liên tục tổ chức những phiên đấu giá quyền sử dụng đất với mật độ dày và mức giá trúng cao gấp 3 – 4 lần, thậm chí gấp hàng chục lần.

Không thể không kể đến Bắc Giang - một trong những nơi có hoạt động đấu giá đất sôi động nhất khu vực phía Bắc thời gian vừa qua.

Theo thống kê của người viết, chỉ tính từ tháng 10 đến nay, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hơn chục phiên đấu giá ở nhiều huyện với tổng số tiền trúng đấu giá hàng nghìn tỷ đồng. Hầu hết những phiên đấu giá đều thu chênh từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Đơn cử, 98 lô đất tại huyện Lạng Giang có kết quả trúng cao hơn giá khởi điểm hơn 201 tỷ đồng. Trong đó, có hai lô có giá trúng cao, đều là lô góc, diện tích gần 180 m2/lô, trúng với giá chênh lệch so khởi điểm 3,3 - 3,4 tỷ đồng,...

Hay tại Quảng Trị, 58 lô đất ở khu dân cư phía Tây đường Khoá Bảo và khu tái định cư Bắc Sông Hiếu vừa qua đã được đấu giá với mức khởi điểm khoảng hơn 1,5 tỷ đồng đến hơn 3,7 tỷ đồng.

Kết quả, một lô đất thuộc  khu Bắc Sông Hiếu diện tích 182 m2 và giá khởi điểm hơn 1,8 tỷ đồng được bán với giá 4,5 tỷ đồng. Hay một lô diện tích 397 m2 ở khu dân cư phía Tây đường Khoá Bảo có giá khởi điểm hơn 3,1 tỷ đồng được bán với giá hơn 5,4 tỷ đồng,…

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đông Hà,tỷ lệ vượt giá sàn của 58 lô đất là 80%, đây là mức vượt giá sàn cao nhất từ trước tới nay.

Tại Hà Nội, một trong 25 miếng đất thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy vừa qua đã được đấu giá thành công với mức giá lên đến gần 400 triệu đồng/m2, gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm.

Theo đánh giá, đây là một mức giá "không tưởng" bởi xung quanh khu đất hầu hết chỉ là nhà người dân sinh sống, không có dự án lớn hay hạ tầng giao thông đặc biệt,...

Giá đất nhiều nơi lên đồng

Cuối năm đất lại ‘nóng’ - Ảnh 4.

Cơn sốt đất lại bùng tại nhiều địa phương. (Ảnh: Báo Bắc Giang).

Không chỉ đất đấu giá, đất nền nhiều khu vực dịp cuối năm cũng có sự tăng nhiệt, thậm chí cơn sốt đất đã "nhen nhóm" xuất hiện tại một số địa phương.

Chẳng hạn, sau khi có thông tin một số tập đoàn lớn đề xuất đầu tư dự án, giá đất Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã tăng dựng đứng. Cụ thể, giá đất thổ cư khu vực này hồi đầu tháng 10 chỉ có giá dưới 5 triệu đồng/m2 nay tăng lên 8 - 12 triệu đồng/m2 tùy khu vực.

Riêng tỉnh lộ 5 và tỉnh lộ 8, giá đất trồng cây lâu năm trước tháng 10 chỉ khoảng 20 triệu đồng/mét ngang nay "nhảy dựng" lên 80 - 120 triệu đồng/mét ngang tùy khu vực.

Gần Khu đô thị Đông Bắc Ninh Hòa, giá đất trồng cây lâu năm từ 80 triệu/mét ngang nay tăng lên hơn 120 triệu, các khu vực tuyến đường lớn và gần biển có nơi lên khoảng 230 triệu đồng/mét ngang.

Cơn sốt đất cũng nổi lên ở Cam Lâm trước thông tin quy hoạch và một số tập đoàn lớn đề xuất đầu tư nhiều dự án "khủng". Giá đất nhiều khu vực đã bị môi giới hét lên cao gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi.

Hay tại Quảng Trị, sau khi có thông tin một tập đoàn lớn trúng đấu giá khu đất hơn 13 ha tại TP Đông Hà, giá đất khu vực quanh ngay lập tức đã tăng phi mã.

Giá đất mặt tiền ở các đường Đại Cồ Việt, Trương Công Kỉnh,… trước đây chỉ có giá vài trăm triệu đồng/mét ngang đã bị đẩy lên 1 - 1,8 tỷ đồng/mét ngang tùy vị trí.

Tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ngay sau thông tin khởi công nhà máy sản xuất pin của một tập đoàn lớn, giá đất tại xã phường như Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Liên, Kỳ Lợi,... đã lập tức tăng dựng đứng.

Nhiều mảnh đất trước đây chỉ có giá khoảng 100 – 200 triệu/mét ngang nay được môi giới thổi lên 300 – 600 triệu/mét ngang. Thông tin rao bán đất ăn theo dự án này cũng xuất hiện dày đặc trên các trang rao bán bất động sản.

Hay tại Lâm Đồng, tình trạng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp trái pháp luật thời gian vừa qua diễn ra tràn lan trên địa bàn TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và huyện Lâm Hà khiến nhiều đồi chè, cà phê bị xẻ thịt, gây bức xúc dư luận.

Thủ tướng chỉ đạo nóng, địa phương vào cuộc

Ngày 21/12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1767 về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Công điện nêu rõ trong thời gian qua nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường nhà ở, bất động sản.

Do đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh thành khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường và xử lý.

Trên cơ sở đó, các cơ quan cần phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.

Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh thành nghiên cứu, đánh giá các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở,... báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng.

Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, trước hiện tượng giá đất tăng đột biến, loạt địa phương đã vào cuộc chấn chỉnh.

Đơn cử, UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) mới đây đã thông báo tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 10/12/2021 cho đến khi Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021- 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của thị xã Ninh Hòa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND huyện Cam Lâm cũng vừa có văn bản gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Cam Lâm, UBND các xã và thị trấn Cam Đức về việc tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày ban hành văn bản cho đến khi có thông báo mới.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết sẽ xem xét siết chặt hơn điều kiện tham gia đấu giá đất bằng cách nâng cao mức đặt cọc nhằm tránh tình trạng bên trúng đấu giá sẵn sàng bỏ cọc, dẫn tới phải tổ chức đấu giá nhiều lần như một số địa phương khác,...

Hà Lê