|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu thủy sản vào Nhật Bản: Quy trình cấp phép

22:19 | 06/03/2021
Chia sẻ
Những thông tin liên quan đến hạn ngạch nhập khẩu của Nhật Bản được công bố rộng rãi trên trang web của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản.
Đồ họa: TV

Đồ họa: TV

Các biện pháp hạn chế nhập khẩu

Hạn ngạch nhập khẩu

Những thông tin liên quan đến hạn ngạch nhập khẩu của Nhật Bản được công bố rộng rãi trên trang web của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, bao gồm tiêu chuẩn áp dụng, lượng hạn ngạch được phân bổ, hạn nộp đơn, nơi xuất xứ (bởi vì nhập khẩu bị cấm từ những quốc gia ngoài danh sách cho phép)... dựa trên loại mặt hàng nào là đối tượng chịu áp dụng hạn ngạch.

Quy trình xin hạn ngạch nhập khẩu được minh họa trong sơ đồ dưới đây; đơn đăng ký hạn ngạch nhập khẩu phải được nộp cho Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (thông qua Văn phòng sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, Vụ Kiểm soát thương mại, Cục Hợp tác kinh tế và thương mại).

Sau khi nhận lại đơn đăng ký hạn ngạch được đóng dấu phê duyệt chính thức, nhà nhập khẩu có thể bắt đầu quy trình làm thủ tục nhập khẩu.

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Phê duyệt nhập khẩu

Quy trình xin phê duyệt nhập khẩu vào Nhật Bản được minh họa tại sơ đồ dưới đây; đơn đăng ký xin xác nhận nhập khẩu phải được nộp cho Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (thông qua Vụ Kiểm soát thương mại, Cục Hợp tác kinh tế và thương mại). 

Sau khi nhận lại đơn đăng ký được đóng dấu chính thức, nhà nhập khẩu có thể bắt đầu quy trình làm thủ tục nhập khẩu.

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Xác nhận nhập khẩu

Để nhập khẩu cá ngừ (không bao gồm cá ngừ albacore, cá ngừ vây xanh, cá ngừ vây xanh phương Nam và cá ngừ mắt to), các tài liệu cần thiết phải được nộp để đăng ký xin xác nhận nhập khẩu. 

Sau khi nhận được thông báo xác nhận do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cấp, nhà nhập khẩu có thể tiến hành thủ tục nhập khẩu.

Để nhập khẩu cá ngừ vây xanh, cá ngừ vây xanh miền Nam và cá kiếm tươi sống hoặc ướp lạnh (không bao gồm các loại đã nói ở phía trên), giấy chứng nhận phê duyệt nhập khẩu phải được nộp cho Cơ quan Hải quan để có thể nhận xác nhận nhập khẩu.

Kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, các tài liệu cần thiết phải được nộp kèm khi nộp đơn đăng ký kiểm dịch với các bộ phận giám sát thực phẩm nhập khẩu tại các Trạm Kiểm dịch thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Việc kiểm dịch vệ sinh thực phẩm sẽ được quyết định tiến hành sau giai đoạn xem xét hồ sơ ban đầu. 

Nếu như sau giai đoạn xem xét hồ sơ và kiểm dịch không phát hiện bất kỳ vấn đề gì về vệ sinh an toàn thực phẩm, đơn đăng ký kiểm dịch sẽ được trả lại để người nộp đơn nộp kèm cùng với tài liệu hải quan khác trong quá trình thông quan. 

Trong trường hợp lô hàng bị xác định không phù hợp cho nhập khẩu, các biện pháp như tiêu hủy hoặc trả lại hàng cho người giao hàng sẽ được áp dụng.

Thông quan nhập khẩu

Theo quy định của Luật Kinh doanh hải quan của Nhật Bản, tờ khai nhập khẩu phải được thực hiện bởi chính nhà nhập khẩu hoặc ủy quyền cho các chuyên gia về hải quan đã đăng ký hành nghề (bao gồm môi giới hải quan).

Để một lô hàng từ nước ngoài có thể cập cảng vào Nhật Bản, tờ khai hải quan phải được nộp cho Cơ quan Hải quan phụ trách khu vực dỡ hàng. 

Hàng hóa muốn thông quan trước tiên phải trải qua các quy trình kiểm tra, kiểm dịch; sau đó nhà nhập khẩu phải nộp đủ lệ phí hải quan hay các loại thuế tiêu dùng nội địa để được nhận giấy phép nhập khẩu.

Ánh Dương