Nhân viên vận tải nghỉ việc ồ ạt từ đất liền đến cảng biển, chuỗi cung ứng bị kéo 'căng như dây đàn'
Chia sẻ với Bloomberg, ông Simon Heaney - một nhà phân tích tại hãng nghiên cứu hàng hải Drewry (Anh), cho hay: "Sang năm 2022, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục gián đoạn do nguồn cung bị thiếu hụt và giá cước vận tải tăng quá cao".
"Virus SARS-CoV-2 lần nữa chứng tỏ nó đang 'nắm trùm'", ông Heaney nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo trong năm tới, ngành vận tải toàn cầu sẽ thiếu lao động cực kỳ nghiêm trọng.
Theo Hiệp hội Vận tải Đường bộ Quốc tế, khoảng 20% vị trí lái xe đường dài trên toàn cầu đang bị trống, dù nhiều nhà tuyển dụng đã đề nghị tăng lương. Một số hãng vận tải biển cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về triển vọng tuyển dụng trong tương lai.
Các công ty vận tải cho biết, do phải đối mặt với nguy cơ bị cách ly kéo dài hoặc nhiễm bệnh, một bộ phận công nhân trong ngành đang từ chối ký hợp đồng làm việc, hoặc một số đã chuyển sang tìm việc ở lĩnh vực khác.
Tài xế xe tải ngại việc
Tại Romania, nhiều tài xế xe tải không muốn chạy xe đường dài đến các khu vực khác của châu Âu, vì họ từng phải chịu cảnh tắc nghẽn hơn 48 km vào năm ngoái và phải đợi tới 18 tiếng tại biên giới với Liên minh châu Âu (EU) mới được thông quan.
Theo ông Alex Constantinescu, CEO của hãng vận chuyển dược phẩm và thực phẩm Alex International Transport 94, các quốc gia đang bị dịch bệnh hoành hành chính là điểm nóng, tài xế không chịu đến những nước này.
Ông Constantinescu cho biết, ngành vận tải đường bộ vốn đã bị thiếu tài xế từ trước đại dịch thì giờ cuộc khủng hoảng lao động càng trở nên trầm trọng hơn. Alex International đã phải tăng lương cho tài xế thêm 30% trong ba năm qua.
"Chạy xe nhiều tiếng liền, ngủ trong cabin và không biết liệu những người mình tiếp xúc có mang virus SARS-CoV-2 hay không là những điều các tài xế đường dài phải đối mặt. Đối với họ, công việc không còn thú vị nữa", ông Constantinescu, người thành lập công ty 27 năm trước, chia sẻ thêm.
Tại Anh, trong quý II năm nay, số lượng tài xế chở hàng nặng đã giảm đến 23%, tương đương giảm khoảng 72.000 người so với cùng kỳ năm 2019, dữ liệu từ hãng Logistics UK cho thấy.
Ở Trung Quốc, nỗi sợ hãi về những đợt cách ly kéo dài bắt nguồn từ chiến lược Zero COVID của chính phủ cũng khiến cánh lái xe bỏ nghề. Chỉ tuần trước, toàn bộ thành phố Tây An với dân số khoảng 13 triệu người, đã phải nhanh chóng phong tỏa sau khi giới chức phát hiện 127 ca nhiễm mới.
Ông Salmon Aidan Lee, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty tư vấn năng lượng Woood Mackenzie, cho hay: "Trung Quốc áp dụng các biện pháp chống dịch rất nghiêm khắc.
Điều đó khiến các tài xế không muốn di chuyển đến một số khu vực mà họ có thể phải cách ly. Các chính sách khắc nghiệt đó sẽ góp phần làm cho chuỗi cung ứng thêm đứt đoạn".
Thủy thủ đoàn bỏ việc
Ngành vận tải biển cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự về lao động, Bloomberg nhấn mạnh.
Western Shipping, một công ty điều hành tàu chở dầu có trụ sở tại Singapore, cho biết khoảng 20% trong 1.000 thủy thủ đoàn của họ không muốn quay trở lại tàu. Tính đến tháng trước, khoảng 5% trong 30.000 nhân viên của hãng Anglo-Eastern Univan Group khá hờ hững với việc ký hợp đồng mới.
Theo Giám đốc Belal Ahmed, Western Shipping đang phải thuê thủy thủ đoàn của các công ty khác, đồng thời cung cấp thêm đãi ngộ để lôi kéo thuyền viên.
Còn ông Bjorn Hojgaard - CEO của Anglo-Eastern Univan, cho biết một số người trì hoãn việc ra khơi chính là các thuyền viên cấp cao, dày dạn kinh nghiệm.
"Ngay cả trước đại dịch, chúng tôi đã phải rất chật vật để tìm đúng người có kinh nghiệm và kỹ năng tốt. Bây giờ, chúng tôi phải thỏa hiệp [tăng thu nhập cho thủy thủ đoàn]", ông Hojgaar bày tỏ.
Tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực vận tải biển có thể trở nên tồi tệ hơn khi các chủ tàu và khách hàng chỉ muốn chọn những thuyền viên đã được tiêm ngừa. Trong bối cảnh Omicron lây lan mạnh, yêu cầu này càng trở nên cấp thiết và do đó vấn đề khan hiếm lao động càng nghiêm trọng.
Tính đến giữa tháng 11, chưa đến 30% thuyền viên từ Ấn Độ và Philippines, hai nước cung cấp lao động hàng hải lớn của thế giới, đã được tiêm ngừa đầy đủ, theo chỉ báo Neptune Declaration Crew Change.
CEO Mark O'Neil của hãng quản lý tàu biển Columbia Shipmanagment nói thêm: "Chúng tôi không thể yêu cầu thuyền viên phải tiêm vắc xin, nhưng khách hàng tuyên bố chỉ sử dụng những người đã tiêm chủng. Thật khó khăn để giữ những con tàu chở hàng khổng lồ liên tục vận hành".
Wilhelmsen Ship Management, công ty đang quản lý khoảng 10.000 thủy thủ đoàn, cũng đang bế tắc khi các thủy thủ đoàn còn trẻ cũng từ chối ký hợp đồng. Nguồn cung thuyền viên trong tương lai có thể bị gián đoạn, vì các công ty thường phải mất nhiều năm để đào tạo thuyền viên trẻ tuổi.
"Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn tuyển những người không đủ tiêu chuẩn, đào tạo ngắn hạn hơn và giao cho họ trọng trách vốn dành cho người giàu kinh nghiệm hơn", ông Ahmed của Western Shipping tự hỏi.
"Hành động liều lĩnh đó có thể gây ra nhiều sự cố và tai nạn nghiêm trọng hơn. Tôi e là chúng ta đang đâm đầu vào thảm họa", vị giám đốc cảnh báo.