Doanh nghiệp vận tải biển thoát lỗ nhờ bán tàu, có đơn vị cảng biển giảm lãi vì hụt cổ tức
Cập nhật đến ngày 18/7, 4 doanh nghiệp ngành cảng biển đã công bố báo cáo tài chính quý II, trong đó có 3 đơn vị báo lãi tăng trưởng so với cùng kỳ.
Theo BCTC quý II, CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (Mã: DVP) ghi nhận 190 tỷ đồng doanh thu tăng 43% so với cùng kỳ. Lãi gộp tăng 44% lên 91 tỷ đồng.
Kỳ này, doanh thu tài chính của công ty giảm 82% xuống gần 14 tỷ đồng do lãi tiền gửi giảm và công ty chưa nhận được cổ tức từ công ty liên kết - Công ty TNHH Tiếp Vận SITC Đình Vũ. Đây là nguyên nhân lớn khiến lãi sau thuế của công ty giảm 27% xuống 85 tỷ đồng.
Trái ngược với kết quả kinh doanh của Cảng Đình Vũ, Cảng Quy Nhơn, Cảng Cam Ranh đều báo lãi tăng trưởng.
Tính trong quý II, doanh thu CTCP Cảng Quy Nhơn (Mã: QNP) tăng 52% lên 332 tỷ đồng nhờ sản lượng hàng hoá qua cảng tăng so với cùng kỳ (43%). Trong đó, lượng hàng container vượt mốc 42.000 TEUs, tăng 20% so với quý II/2023.
Kết quả, Cảng Quy Nhơn báo lãi sau thuế gần 44 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Đối với CTCP Cảng Cam Ranh, công ty ghi nhận 48 tỷ đồng doanh thu tăng 33% so với quý II/2023.
Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí hoạt động Cảng Cam Ranh tăng 38% lên 7,6 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến công ty chỉ báo lãi tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt gần 4,6 tỷ đồng.
Vosco lãi lớn nhờ bán tàu
Đối với lĩnh vực vận tải biển, trong quý II, CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco - Mã: VOS) ghi nhận 1.872 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 79% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp hơn 23 tỷ đồng, cùng kỳ đạt 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khoản thu nhập khác của công ty lại tăng đột biến lên 393 tỷ đồngtừ khoản bán tàu Đại Minh, quý II/2023 chỉ ghi nhận 423 triệu đồng.
Vosco hiện sở hữu đội tàu đa dạng với 7 tàu hàng khô và hàng rời, 4 tàu dầu sản phẩm, 2 tàu container. Quý I, công ty đã bổ sung thêm 2 tàu dầu Đại Hưng và Đại Thành (thuê tàu trần 3 năm).
Công ty hiện tập trung khai thác các tuyến châu Á, Tây Phi, Úc và Nam Mỹ.
Nhờ đó, Vosco báo lãi sau thuế 284 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ lãi 1 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của công ty vận tải biển này.
Thông tin từ Chứng khoán Smartinvest (AAS), Vosco đã bán tàu Đại Minh cho đối tác Hy Lạp với giá 15.850 USD (400 tỷ đồng). Đây là tàu trọng tải 47.148 DWT đóng năm 2004, do tuổi cao nên khó có thể khai thác hiệu quả do đặc thù của tàu dầu sản phẩm.
Ngoài ra, đơn vị phân tích còn cho rằng việc có một khoản tiền lớn sẽ thúc đẩy Vosco đầu tư vào các tàu mới với công nghệ tân tiến hơn để phục vụ hoạt động kinh doanh.
Giá cước vận tải biển tiếp tục tăng
Từ đầu tháng 5 đến nay, cước vận tải biển tiếp tục tăng cao trong bối cảnh căng thẳng chính trị leo thang. Bên cạnh đó là các chính sách của Mỹ về việc áp thuế mạnh lên hàng hoá Trung Quốc khiến nhà xuất khẩu ở “đất nước tỷ dân” và các nhà nhập khẩu Mỹ phải chạy “deadline” để né thuế dẫn đến việc thiếu hụt container.
Tại các cảng ở khu vực Đông Nam Á, tâm điểm chính là Cảng Singapore, các tàu hiện phải chờ 7 ngày để cập bến so với thời gian nửa ngày trước đây. Tình trạng tắc nghẽn cũng đang diễn ra ở các cảng khác như Dubai hoặc Rotterdam.
Dữ liệu từ Drewry, giá cước vận tải container tăng 118% lên 5.901 USD/container (loại 40 feet) từ đầu tháng 5 đến nay. Giá cước giao ngay trên các tuyến từ châu Á đi Mỹ và châu Âu cũng tăng bằng lần.
Trong báo cáo triển vọng ngành cảng biển, vận tải biển, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) dự báo giá cước vận tải duy trì ở ngưỡng cao trong nửa cuối năm nay khi xung đột khu vực biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, nhu cầu hàng hóa phục hồi, giá cước thường có xu hướng tăng trong mùa cao điểm quý III, quý IV. Hơn nữa, thị trường đang có dấu hiệu thiếu container tại các cảng xuất lớn, điều này sẽ gây áp lực mạnh lên giá cước khi bước vào mùa cao điểm.
Mặt khác, TPS cho rằng, sẽ có vài yếu tố giúp hạ nhiệt giá cước trong giai đoạn tới nhờ kỳ vọng mực nước hồ Gatun sẽ cải thiện khi Panama đang bước vào mùa mưa (tháng 5 – tháng 11), đồng thời hiện tượng La Nina cũng sẽ quay trở lại, điều này giúp các tàu hàng tránh đi qua khu vực xung đột, rút ngắn thời gian từ Châu Á – EU, tạo điều kiện cho giá cước hạ nhiệt.
Song, TPS cũng lưu ý về khả năng nhiều tàu hàng cùng chuyển hướng đến kênh đào Panama có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và tác động ngược lại khiến giá cước tăng.
Còn theo quan điểm của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với số lượng lớn tàu được giao trong 2024 lớn, giá cước vận tải container và giá cho thuê tàu cũng như nhu cầu thuê sẽ khó tiếp tục duy trì ở mức cao khi các yếu tố về thay đổi tuyến đường trên kênh đào Suez kết thúc.
Vì theo Alphaliner, sổ đặt hàng tàu mới chưa giao đến tháng 3 của Top 100 hãng là gần 650 tàu mới chưa giao; trong đó Top 10 hãng tàu có 463 tàu đặt mới. Sổ giao tàu 2024 ước tính chiếm 11% công suất đội tàu hiện tại vẫn là yếu tố gây áp lực lên giá cước nếu loại trừ yếu tố căng thẳng biển Đỏ gần đây.