|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhân viên cũ của Grab Việt Nam thất vọng khi bị yêu cầu đổi cổ phần nắm giữ để lấy tiền mặt ngay trước thềm IPO tại Mỹ

14:51 | 16/11/2021
Chia sẻ
Grab Việt Nam gặp rắc rối với cựu nhân sự trước thềm IPO.

Nhiều nhân viên hiện tại và cựu nhân viên của Grab đang mong đợi những "món hời" từ đợt IPO được chờ đón của Grab nhiều khả năng sẽ diễn ra vào tháng sau tại Mỹ. Dù vậy, nhiều cựu nhân viên tại Việt Nam lại đang nhận được những lời đề nghị bất ngờ.

Theo Tech in Asia, Grab yêu cầu các cựu nhân viên tại Việt Nam đổi cổ phần lấy một khoản chi theo định giá hiện tại của Grab. Chính sách này đang ảnh hưởng đến khoảng từ 60 đến 80 người từng được tặng cổ phần Grab trong thời gian làm việc tại công ty này.

Tech in Asia: Grab Việt Nam gặp rắc rối với cựu nhân sự trước thêm IPO - Ảnh 1.

Hồi tháng 4, Grab công bố sẽ sáp nhập với một công ty SPAC và niêm yết tại Mỹ. (Ảnh: 123rf).

Một số cựu nhân viên nói với Tech in Asia rằng họ không hài lòng với khoản chi trả vì họ mong đợi lợi nhuận cao hơn sau khi Grab thực hiện IPO, dù dĩ nhiên điều này là không chắc chắn.

Trong một thông báo gửi đến Tech in Asia, Grab nói rằng phần lớn những người nhận được đề nghị nói trên đã chấp nhận đề xuất và "bày tỏ tiếp tục hỗ trợ" công ty. Grab cũng tin rằng thường vụ này "là sự sắp xếp một cách công bằng nhất để đảm bảo tuân thủ với quy định pháp luật của Việt Nam trong khi vẫn tỏ lòng biết ơn" với các nhân viên của hãng.

Phức tạp về quy định pháp lý

Theo nguồn tin, các cựu nhân sự Grab bị ảnh hưởng được mời đến văn phòng Grab hồi tuần trước để đặt vấn đề bán lại cổ phần công ty.

Grab giải thích với họ rằng cổ phần ban đầu của họ có thể "vô giá trị về mặt kỹ thuật" trong tương lai vì chúng không được phát hành bởi Grab Holdings Limited, pháp nhân sẽ niêm yết trên sàn Nasdaq vào tháng tới.

Hồi tháng 4, Grab tuyên bố sẽ thực hiện niêm yết tại Mỹ thông qua thương vụ sáp nhập với công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) có tên Altimeter Growth Corp. (AGC) ở định giá gần 40 tỷ USD. Công ty này kỳ vọng sẽ giao dịch trên sàn Nasdaq với mã GRAB.

Theo chia sẻ của một số cựu nhân viên, Grab cho biết việc chuyển đổi cổ phần ban đầu của họ sang cổ phần của Grab Holdings Limited là vi phạm các quy định pháp luật tại Việt Nam. Hiện tại, quy định chỉ cho phép nhân viên Việt Nam được sở hữu cổ phần của các công ty nước ngoài mà họ đã từng làm việc.

Trong khi đó, các công ty niêm yết qua SPAC sẽ phải tạo ra một pháp nhân mới để lên sàn. Nếu Grab niêm yết với pháp nhân Singapore như ban đầu, các cựu nhân sự vẫn có thể giữ lại cổ phần của mình bởi họ đã từng làm việc cho công ty này.

Sự thất vọng

Bên cạnh các rào cản pháp lý, nhiều cựu nhân sự bực tức với cách tiếp cận của Grab trong giải quyết vấn đề. Grab nói rằng họ không còn lựa chọn nào khác. Tech in Asia hiểu rằng các cựu nhân viên sẽ không thể giao dịch cổ phần của Grab sau đợt sáp nhập với công ty SPAC hồi tháng 4.

Một cựu nhân viên nặc danh nói rằng anh "rất thất vọng" với cách mà Grab đối xử với cựu nhân viên. "Công ty gọi chúng tôi đến và hy vọng chúng tôi từ bỏ cổ phần ngay. Họ có thể thông báo với chúng tôi trước", anh chia sẻ. Anh chia sẻ vừa nghỉ việc tại Grab sau nhiều năm cống hiến. Anh chia sẻ cổ phần công ty bao gồm trong gói phúc lợi của anh và hàng năm anh vẫn được thưởng thêm cổ phần tuỳ vào kết quả công việc.

Tech in Asia: Grab Việt Nam gặp rắc rối với cựu nhân sự trước thêm IPO - Ảnh 2.

Ông Anthony Tan, CEO và người sáng lập Grab, ở TP.HCM hồi tháng 2/2014. (Ảnh: Grab).

Một số cựu nhân viên bị ảnh hưởng cũng bày tỏ sự thất vọng với mức giá mà Grab đưa ra. Theo Tech in Asia, con số này vào khoảng 13,03 USD mỗi cổ phần. "Thật sự bất công cho những cựu nhân viên đã cống hiến bản thân cho Grab. Giờ thì chúng tôi phải chấp nhận đề nghị với mức giá rất thấp", một cựu nhân sự khác nói.

Anh cho biết anh dự định vẫn giữ cổ phần ban đầu của Grab trong đợt IPO. "Không có lý do gì tôi có thể kỳ vọng giá cổ phần Grab lại thấp như vật khi tốc độ tăng trưởng của công ty rất mạnh mẽ", nguồn tin nói. Anh chia sẻ rằng anh từ chối đề nghị và muốn trao đổi với cấp cao hơn.

Hiện tại, cổ phiếu của AGC (công ty SPAC mà Grab sẽ sáp nhập) đang giao dịch với giá 16 USD. Sau khi sáp nhập thành công, cổ phiếu AGC sẽ chuyển đổi thành GRAB. Dù vậy, không có gì chắc chắn cổ phiếu GRAB sẽ tăng sau đợt IPO. Không loại trừ khả năng nó có thể còn thấp hơn mức 13,03 USD.

Trong thông báo với Tech in Asia, Grab khẳng định khoản thanh toán bằng tiền mặt một lần được xác định dựa trên định giá hiện tại của Grab là gần 40 tỷ USD.

"Chúng tôi cũng đề nghị được thanh toán các khoản thuế thu nhập cá nhân tăng thêm cho các cựu nhân sự từ khoản thu xếp này", Grab nói. Grab khẳng định vẫn giữ liên hệ chặt chẽ với các cựu nhân sự Việt Nam bị ảnh hưởng và nhận ra rằng "lẽ ra chúng tôi nên thông tin sớm hơn".

Grab và Uber vào Việt Nam 2014 và tạo ra một cuộc đua ở mạng gọi xe. Grab cũng từng gặp khá nhiều lùm xùm kiện tụng từ các hãng gọi xe truyền thống tại Việt Nam. Tháng 8/2019, Grab công bố đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam và coi quốc gia này là "thị trường tăng trưởng tiếp theo".

Một báo cáo vào năm 2020 cho thấy Grab có tới 75% thị phần thị trường gọi xe tại Việt Nam, bỏ xa các đối thủ như Gojek hay Be.

Nam Khánh