|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những tính toán của Netflix sau việc cho người dùng Việt Nam mở tài khoản miễn phí

07:12 | 16/11/2021
Chia sẻ
Là một quốc gia sở hữu lượng người dùng internet đông đảo, Việt Nam là miếng bánh hấp dẫn dành cho ông lớn Netflix tiếp tục bành trướng thị trường của mình.

Hôm thứ 6 tuần trước (12/11), Netflix đã công bố gói cước dành riêng cho người dùng Android tại thị trường Việt Nam. Chỉ cần đủ 18 tuổi và chưa từng đăng ký tài khoản trên Netflix, người dùng tại Việt Nam sử dụng dịch vụ miễn phí mới của Netflix tại Việt Nam. 

Khác với các gói cước thông thường, người dùng Netflix miễn phí chỉ cần đăng ký qua điện thoại bằng email. Họ không cần phải cung cấp thông tin về việc thanh toán như ở bản trả phí.

Việt Nam là thị trường thứ hai trên toàn cầu được Netflix thực hiện chính sách miễn phí nói trên, sau Kenya. Đặc biệt, phiên bản miễn phí tuy có giới hạn về nội dung nhưng nhiều bộ phim nổi tiếng do Netflix sản xuất như Phi vụ triệu đô (Money Heist), Vương triều xác sống (Kingdom),... vẫn sẽ được cung cấp đầy đủ và hoàn toàn không có quảng cáo, theo Netflix đây là cách để họ gia tăng trải nghiệm người dùng.

Tại sao Netflix miễn phí tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Netflix tung dịch vụ miễn phí ở Việt Nam. (Ảnh: TechCrunch).

Thay đổi thói quen người dùng

Cathy Conk, Giám đốc Sáng tạo Sản phẩm của Netflix cho biết: "Tại Netflix, chúng tôi tin rằng những câu chuyện tuyệt vời có khả năng nâng cao tinh thần, thúc đẩy và đưa chúng ta đến gần nhau hơn. Nếu bạn chưa từng xem Netflix trước đây, gói miễn phí là một cách tuyệt vời để tự mình trải nghiệm những nội dung từ Netflix. 

Và nếu bạn thích những gì bạn xem, không quá khó để nâng cấp lên bản trả phí giúp bạn có những trải nghiệm đầy đủ đối với nền tảng của chúng tôi, và còn nhiều tính năng khác trên TV, laptop..."

Câu trả lời của vị Giám đốc Netflix đã thể hiện rõ ý định của nền tảng streaming phim trực tuyến này: Thay đổi thói quen của người sử dụng, gia tăng lượng khách hàng mới

Cách đây hai tháng, Netflix bắt đầu chương trình miễn phí ở Kenya, một quốc gia châu Phi và giờ là Việt Nam, quốc gia đang phát triển đến từ châu Á. Còn quá sớm để nhận định nhưng với hai cái tên nói trên, có thể Netflix chủ đích nhắm tới những quốc gia đang phát triển và sở hữu lượng người dùng internet đông đảo.

Hiện Netflix đã có mặt tại hơn 190 quốc gia. Họ đã thử nghiệm nhiều kế hoạch trong những năm gần đây để thu hút khách hàng ở các thị trường đang phát triển. Năm 2018, Netflix đã bắt đầu thử nghiệm gói chỉ dành cho thiết bị di động trị giá 3 USD (hơn 67.000 đồng) ở Ấn Độ và họ không chỉ dừng lại ở quốc gia tỷ dân này.

Chiến lược cung cấp trải nghiệm miễn phí của Netflix sẽ đưa người dùng vào một thế giới tiện ích của họ, nơi những nội dung đặc sắc và đầy rẫy những "món ăn ngon" liên tục được hãng "nhồi" cho người dùng thưởng thức... nếu xét về lâu dài, chiến lược này có thể thay đổi thói quen của khách hàng, giữ họ ở lại với nền tảng.

Chiến lược này không hề mới lạ khi Grab, Uber... đã từng dùng cách này để đánh chiếm thị trường Việt Nam. Và cũng giống những ứng dụng nói trên, đây được xem là phép thử của Netflix với thị trường Việt Nam, nơi người dùng chưa có thói quen trả phí cho các nền tảng giải trí như phim ảnh, âm nhạc...

Cạnh tranh với nền tảng bản địa

Bước vào Việt Nam từ năm 2016, Netflix ở thời điểm đó được đánh giá là gặp nhiều bất lợi vì không hỗ trợ phụ đề tiếng Việt, ít nội dung phù hợp với "khẩu vị" của người Việt. Song, Netflix đã liên tục cải tiến, nâng cấp để phù hợp với thị trường.

Thành quả là nền tảng streaming này đã lọt top 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến có trả phí phổ biến tại Việt Nam, chỉ đứng sau FPT Play - một ông lớn địa phương và cũng là đối tác của HBO.

Tuy nhanh chóng lọt top dịch vụ truyền hình trực tuyến có trả phí phổ biến tại Việt Nam, nhưng khi có nhu cầu xem phim, người Việt không coi Netflix là lựa chọn đầu tiên, kể cả GenZ - nhóm đối tượng dễ tiếp cận nhất của Netflix. Trong khảo sát của Decision Lab, chỉ 11% người tiêu dùng thuộc thế hệ GenZ chọn Netflix để xem phim, đối với các thế hệ khác là từ 4 - 7%.

Tại sao Netflix miễn phí tại Việt Nam? - Ảnh 2.

Top 5 dịch vụ truyền hình trực tuyến tại Việt Nam. (Nguồn: Decision Lab).

Cũng theo báo cáo của Decision Lab, người Việt Nam thường có xu hướng chọn YouTube để tìm kiếm các nội dung liên quan đến phim ảnh, video clip với tỷ lệ 52%. Nếu muốn xem phim, người nhiều người thường có thói quen tìm đến các website lậu, miễn phí và được cung cấp các thể loại đa dạng phù hợp nhu cầu.

Mặc dù mức phí cho gói từ cơ bản đến cao cấp của Netflix không phải là một cái giá rẻ tại Việt Nam (180 - 260.000 đồng/tháng) nhưng việc cố gắng lấp đầy bằng các nội dung đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...  để thu hút người dùng Việt Nam đã phần nào kéo về cho Netflix một lượng người dùng nhất định.

Một tín hiệu tích cực dành cho Netflix là người dùng trẻ Việt Nam sẵn sàng chi tiền để mua các dịch vụ cao cấp của nền tảng streaming này. Tuy nhiên, chặng đường chinh phục thị trường chiếu phim ở đất nước hình chữ S vẫn còn dài vì không chỉ cạnh tranh với các nền tảng chiếu phim địa phương như FPT Play, VieOn... Netflix còn phải giải bài toán mang tên "website chiếu phim lậu".

Việt Nam là một quốc gia thuộc top người dùng internet của thế giới, với khoảng hơn 70% dân số sử dụng internet, theo số liệu của World Bank năm 2020 và miếng bánh streaming phim ảnh trực tuyến vẫn còn đợi Netflix giành lấy.

Vượng Phát

Data Talk: 'Nỗi lo suy thoái, Fed, và chiến lược đầu tư trước ngưỡng 1.300' sẽ diễn ra vào 14h45 ngày 13/9
Cùng nắm bắt cơ hội qua từng nhịp đập thị trường, những phân tích hữu ích của các chuyên gia, trên nền tảng dữ liệu quy mô hàng đầu - những gì bạn cần cho quyết định đầu tư. Tất cả có trong Data Talk số tháng 9/2024, sẽ được phát sóng vào lúc 14h45 Thứ 6 ngày 13/9.