|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhận diện những cơ hội và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới

14:46 | 02/06/2021
Chia sẻ
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới cũng có không ít những khó khăn và thách thức.

Hoạt động thương mại của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp những ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 131 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 131 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Kim ngạch nhập khẩu tăng cao một phần là do hoạt động sản xuất trong nước phục hồi trở lại sau một năm đầy biến động trước tác động của đại dịch COVID-19. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng khiến kim ngạch nhập khẩu bị dội lên đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu dẫn đến cán cân thương mại hàng hóa trong 5 tháng đầu năm nay nghiêng về hướng nhập siêu với 369 triệu USD. 

Trong 2 tháng gần nhất nhập siêu đạt lần lượt là 1,23 tỷ USD trong tháng 4/2021 và 2 tỷ USD trong tháng 5/2021.

Triển vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới được đánh giá là tương đối khả quan trong bối cảnh nhu cầu tại các thị trường lớn đang phục hồi trở lại cũng như việc tận dụng các lợi thế từ các FTA đang phát huy hiệu quả. 

Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức khó lường, trong khi chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt...

Nhận diện những cơ hội và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới - Ảnh 1.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam và Tổng cục Thống kê. (Biểu đồ Hoàng Hiệp)

Động lực tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU… sẽ là động lực chính cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới.

Tại trong nước, Chính phủ, các cơ quan ban ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh cũng như duy trì hoạt động sản xuất. 

Tại tỉnh Bắc Giang, sau khi phải tạm dừng hoạt động từ giữa tháng 5/2021, đã có 9 doanh nghiệp thuộc 3 khu công nghiệp của tỉnh đã được phép hoạt động trở lại, trong đó có một số công ty sản xuất linh kiện điện tử cho các hãng Foxconn và Samsung…

Trong khi đó, để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho lưu thông, tiêu thụ nông sản xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản đề nghị các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương và các mặt hàng đang vào vụ, có thời gian thu hoạch ngắn như vải.

Tình hình tiêu thụ trái vải cũng đang có những tín hiệu tốt dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật đã có tổng cộng đã có 50 tấn vải thiều Hải Dương, Bắc Giang được các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ 23/5 đến nay. 

Theo phản hồi của thị trường Nhật Bản, các lô vải thiều được doanh nghiệp xuất sang nước này từ 23/5 đến nay "chất lượng tốt hơn năm ngoái". Các lô vải được tiêu thụ hết chỉ vài tiếng sau khi được phân phối tại các siêu thị, kênh bán hàng trực tuyến.

Bên cạnh những yếu tố kể trên, động lực tăng trưởng xuất khẩu cũng đến từ triển vọng khả quan trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2021, đã có nhiều dự án FDI lớn được đầu tư tại Việt Nam.

Đồng thời, trong bối cảnh hầu hết các nhà xuất khẩu tại châu Á đang gặp khó khăn chung bởi dịch COVID-19 và chi phí logistics tăng cao, thì việc tận dụng tốt các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do được xem là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác có tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do với nước ta đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: EU tăng 21,7%, Anh tăng 23,9%, Canada tăng 30%... 

Vẫn còn nhiều rủi ro từ dịch COVID-19

Tình hình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở cả trong nước và trên thế giới. Hiện nay, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành trọng điểm có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP HCM… đang gây ra không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoạt động thương mại của Việt Nam sau khi tăng mạnh trong quý I cũng đã phần nào chững lại trong quý II. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 giảm 2,1% so với tháng 4, ước đạt 26 tỷ USD; trong khi kim ngạch nhập khẩu ước đạt 28 tỷ USD, tăng 0,8%.

Trên thế giới, châu Á vẫn tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, 

Indonesia hay Thái Lan phải áp đặt phong tỏa và thắt chặt các biện pháp kiểm soát nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao đang là lực cản đối với hoạt động xuất khẩu. Hiện nay, chi phí vận chuyển một thùng container chứa hàng hoá bằng đường biển từ châu Á sang Mỹ và châu Âu đã tăng vọt lên hơn 10.000 USD, một con số kỷ lục, cho thấy khó khăn mà các nhà xuất khẩu và nhập khẩu đang phải đối mặt trong lúc các chuỗi cung ứng bị kéo căng.

Sau một thời gian sụt giảm vì đại dịch trong năm 2020, nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu tăng mạnh trở lại và các công ty bắt đầu làm đầy kho hàng, dẫn tới hoạt động vận tải hàng hoá trên biển trở nên cực kỳ sôi động.

 Thêm vào đó, những gián đoạn - từ vụ tắc kênh đào Suez hồi cuối tháng 3 cho tới tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển - đã dẫn tới tình trạng giao hàng chậm và chi phí gia tăng đối với các công ty xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, giá nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào như sắt thép, phân bón, ngô, đậu tương, xăng dầu… liên tục tăng cao trong thời gian qua cũng gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, việc các thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong thời gian qua liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm cũng gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam.

Không chỉ có các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, xu hướng bảo hộ mậu dịch đối với nhiều loại hàng hóa khác cũng đang gia tăng.

Ngày 5/5, Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (Cơ quan điều tra – CBSA) đã quyết định áp dụng thuế CBPG và CTC tạm thời đối với ghế bọc đệm kể từ ngày 5/5/2021 với mức thuế từ 0% tới 11,73%.

Giữa tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Cũng trong tháng 5, Ấn Độ đã đưa ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Mới đây nhất, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiếp nhận đơn kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi kéo dãn toàn phần có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Hàn Quốc và Việt Nam.

Hoàng Hiệp