50 tấn vải thiều đã được xuất khẩu sang Nhật Bản trong vòng 6 ngày
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), đến ngày 29/5, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 50 tấn vải thiều sang Nhật Bản, báo Chính phủ đưa tin.
Theo kế hoạch các doanh nghiệp gửi về Cục Bảo vệ thực vật, vụ vải năm nay sẽ xuất khẩu khoảng 800 tấn đến 1.000 tấn vải thiều sang Nhật Bản.
Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, tổng công suất xử lý vải xuất khẩu năm nay có thể tăng gấp nhiều lần năm 2020 (năm trước mỗi ngày chỉ làm được 7,5 tấn).
Vụ vải thiều 2021 đã nhiều cải tiến như thêm số buồng xử lý; thay đổi về quy trình nhằm giảm bớt thời gian và chi phí xử lý, sơ chế; bố trí nhân lực giám sát, kiểm dịch thực vật và cấp giấy tại chỗ...
Cùng với đó, bảo đảm nhân lực cắm chốt tại chỗ và an toàn phòng dịch để cán bộ kiểm dịch yên tâm làm việc trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông Cục Bảo vệ thực vật, cho biết phía thị trường Nhật Bản đã phản hồi rất tích cực về số lượng vải vừa được nhập khẩu từ Việt Nam sang.
"Năm nay, khách Nhật Bản phản hồi về chất lượng vải tốt hơn năm ngoái. Các lô hàng đã đi từ 23/5 đến nay đều tiêu thụ hết trong 2-3 tiếng", ông Hiếu cho biết.
Hai cơ sở xử lý ở Hải Dương mới được đồng ý xử lý vải có tổng số 3 buồng xử lý, mỗi buồng công suất 2,5-3 tấn. Mỗi buồng có thể xử lý được 7-8 mẻ/ngày, tùy thuộc nguyên liệu.
Như vậy, đến nay có tổng số 4 cơ sở xử lý vải thiều với 5 buồng xử lý của Công ty Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Rồng Đỏ, Công ty Toàn Cầu và Trung tâm Kiểm dịch SNK 1.
Năm nay Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản không cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp, mà thay vào đó ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật phía Việt Nam thực hiện việc giám sát khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường này.
Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí trong khâu chuẩn bị xuất khẩu, tạo điều kiện cho quả vải thiều sang Nhật Bản được thuận lợi hơn.
Với những kinh nghiệm, kết quả thu được sau năm đầu tiên xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã gia tăng diện tích vùng sản xuất vải cũng như số lượng mã số vùng trồng được phép xuất khẩu sang Nhật Bản, trong khi các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu cũng tăng cường đầu tư các chi phí xử lý, bảo quản quả vải cần thiết để đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản.