|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhân danh Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục kiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ ra tòa

05:54 | 17/04/2019
Chia sẻ
Tiếp tục đệ đơn, bà Thảo yêu cầu ông Vũ chấm dứt các hành vi gây bất lợi cho nhãn hiệu G7 do Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên (chi nhánh Bắc Giang) sản xuất.

Tiếp tục đệ đơn, bà Thảo yêu cầu ông Vũ chấm dứt các hành vi gây bất lợi cho nhãn hiệu G7 do Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên (chi nhánh Bắc Giang) sản xuất.

TAND TP HCM cho biết cơ quan này vừa thụ lí đơn kiện giữa nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (người đại diện là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, sở hữu 30% cổ phần), bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên).

Theo đơn khởi kiện, bà Thảo nhân danh Trung Nguyên, yêu cầu ông Vũ chấm dứt hành vi "tố cáo các sản phẩm cà phê hòa tan mang nhãn hiệu G7 do Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên (chi nhánh Bắc Giang) sản xuất là hàng giả"; chấm dứt hành vi "khởi kiện các nhà phân phối trong nước và quốc tế đang phân phối các sản phẩm cà phê hòa tan mang nhãn hiệu Trung Nguyên và G7".

Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với ông Vũ

Trước đó, ngày 28/3, sau một ngày bản án li hôn được tuyên, TAND TP HCM đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc ông Vũ không được tiếp tục nhân danh Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên khởi kiện các cá nhân, pháp nhân đang phân phối, mua bán sản phẩm cà phê hòa tan mang các nhãn hiệu do chi nhánh Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên chi nhánh Bắc Giang sản xuất như: Coffee G7 cà phê hòa tan, Coffee G7 Instantcoffee, The No.1 coffee G7 cà phê thứ thiệt.

Nhân danh Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục kiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ ra tòa - Ảnh 1.

Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với ông Vũ.

Đồng thời, "vua cà phê Việt" không được tiếp tục nhân danh Trung Nguyên gửi thư cảnh báo, tố cáo đến các cá nhân, pháp nhân đang phân phối, mua bán sản phẩm cà phê hòa tan mang nhãn hiệu trên.

Tòa cũng đình chỉ các vụ kiện nhà sản xuất, phân phối Sky - Blue đang do tòa án Đài Loan giải quyết và vụ kiện các nhà phân phối Blake Trading, CNL Global Co.Ltd, NJ.CO.LTD đang được tòa án Hàn Quốc giải quyết.

Viện kiểm sát đề nghị hủy bản án li hôn

Trước đó, ngày 27/3, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện li hôn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ, người sáng lập cà phê Trung Nguyên, TAND TP HCM đã chấp nhận cho ông Vũ và bà Thảo li hôn.

Tòa giao 4 con chung cho bà Thảo chăm sóc; ông Vũ có trách nhiệm cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm nuôi 4 người con. Thời gian cấp dưỡng từ năm 2013 cho đến khi 4 người con trưởng thành, tự làm ra tiền để nuôi mình.

Về tài sản là cổ phần tại Trung Nguyên và các công ty thuộc tập đoàn này, tòa quyết định cho ông Vũ hưởng 60%, bà Thảo 40%. Tòa chấp nhận đề nghị của ông Vũ, cho rằng việc chia cổ phần cho cả hai sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, nên để ông Vũ sở hữu các cổ phần của bà Thảo. Ông Vũ sẽ trả lại bằng tiền cho bà Thảo tương ứng với giá trị cổ phần sở hữu.

Phương án này tòa cho rằng sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với hàng chục bất động sản, tòa tuyên chia đôi, giao cho ông Vũ sở hữu 6 nhà đất đang quản lý, trị giá hơn 350 tỉ đồng. Bà Thảo sở hữu 7 nhà đất trị giá hơn 375 tỉ đồng. Bà Thảo có nghĩa vụ trả lại cho ông Vũ phần chênh lệch 12,5 tỉ đồng.

Đối với số tiền 1.764 tỉ đồng tại các ngân hàng mà bà Thảo đang đứng tên, HĐXX tuyên chia đôi và giao bà Thảo tiếp tục quản lí tài sản này. Số tiền chênh lệch được cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.

Nhân danh Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục kiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ ra tòa - Ảnh 2.

Bà Thảo kháng cáo và xin đoàn tụ với ông Vũ.

Đến ngày 10/4, TAND TP HCM cho biết bà Lê Hoàng Diệp Thảo kháng cáo toàn bộ bản án của tòa sơ thẩm. Trong đó, về quan hệ hôn nhân, bà xin được đoàn tụ với ông Vũ. Về tài sản, bà Thảo không đồng ý quan điểm của tòa về việc chia theo tỉ lệ 6/4, và giao quyền điều hành Trung Nguyên cho "vua cà phê Việt" Đặng Lê Nguyên Vũ.

Trong khi đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng kháng cáo yêu cầu chia các tài sản tranh chấp theo như ông đề xuất, với tỉ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30%.

Đồng thời, VKS cũng có kháng nghị theo hướng hủy toàn bộ bản án. Bởi cơ quan công tố cho rằng tòa không giải quyết đúng thủ tục như không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trước khi mở phiên toà, mà lồng ghép việc này trong quá trình xét xử, không được sự chấp nhận của bà Thảo là vi phạm nghiêm trọng Điều 48, 202, 203, 208 và 210 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 .

VKS còn chỉ ra việc tòa sơ thẩm phân chia khối tài sản chung của hai vợ chồng nhà sáng lập "đế chế Trung Nguyên" là 7 công ty thuộc tập đoàn này theo tỉ lệ 6-4 là không phù hợp với khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình.

Đặc biệt, việc tòa giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần tại các công ty và thanh toán khoản chênh lệch cho bà Thảo là không công bằng, đã tước mất các quyền của bà này theo quy định tại điều 110 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014.

Bởi, cổ phần chưa được tính giá trị, giá trị thương hiệu, ngoài ra cổ đông còn có các quyền quản trị công ty, quyền tài sản đối với cổ phần, quyền được chia cổ tức, quyền về thông tin kiểm soát trong công ty.

Ngự Kỳ