|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhà sản xuất khẩu trang gặp khó vì nguyên liệu tăng giá

07:37 | 04/02/2020
Chia sẻ
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu mua khẩu trang của người dân để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV) tăng vọt.

Các nhà sản xuất được yêu cầu đảm bảo năng lực cung ứng khẩu trang ra thị trường, thế nhưng, các doanh nghiệp này đang gặp khó khăn bởi nguồn nguyên liệu tăng giá.

Trong những ngày qua, nhiều điểm phân phối dược phẩm, hiệu thuốc treo biển hết hoặc không bán mặt hàng khẩu trang y tế. Bộ Y tế đã làm việc với Bộ Công Thương về kiểm soát giá cả, đồng thời tiến hành rà soát năng lực cung ứng khẩu trang của các doanh nghiệp sản xuất. 

Thế nhưng, theo ghi nhận của TBKTSG Online, một số nhà sản xuất cho biết nguồn nguyên liệu dự trữ chỉ đủ sản xuất trong vòng 10 ngày, nguồn nguyên liệu mới sẽ tăng giá khiến họ gặp khó khăn trong việc đảm bảo năng lực cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Nhà sản xuất khẩu trang gặp khó vì nguyên liệu tăng giá - Ảnh 1.

Biển thông báo "không bán khẩu trang, nước rửa tay" ở khắp nơi trong khu chợ thuốc lớn nhất Hà Nội. Ảnh: Thùy Dung.

Giá bán sẽ phải tăng 10-15%

Ông Đào Ngọc Thu, đại diện Công ty cổ phần GoGreen, thương hiệu khẩu trang Golden Health (Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, do nhu cầu tăng cao đột biến của thị trường, hiện nay khẩu trang y tế đang khan hiếm hàng, nguyên liệu dùng để sản xuất khẩu trang (gồm vải, thun, kẽm, nẹp…) cũng khan hiếm và trong một hai ngày tới, dự kiến các đơn vị cung ứng sẽ báo giá tăng. 

Phần lớn nguồn nguyên liệu sản xuất hiện nay đều đến từ các nhà cung ứng trong nước.

Theo kế hoạch, GoGreen sẽ chỉ cung ứng sản phẩm cho các đại lý, cơ sở y tế đã ký hợp đồng trước đó (20% sản lượng sản xuất) và bán trực tiếp cho người tiêu dùng (80% sản lượng sản xuất) chứ không bán sỉ, không bán cho người thu gom số lượng lớn để bán lại. 

Ngay cả những đại lý, cơ sở y tế trước đây mỗi ngày công ty phân phối 30-50 thùng (mỗi thùng 50 hộp, mỗi hộp 50 khẩu trang) thì hiện nay cũng chỉ cung ứng 3-5 thùng.

Hiện nay, mỗi ngày công ty sản xuất 25 thùng khẩu trang, tương ứng với 62.500 chiếc khẩu trang y tế. Đây chưa phải là công suất tối đa do nguồn nguyên liệu đang thiếu.

“Trước Tết Nguyên đán, chúng tôi chỉ dự trữ nguyên liệu để sản xuất trong 10 ngày sau Tết. Vì vậy, sau khi hết nguyên liệu dự trữ thì công ty phải chấp nhận nhập nguyên liệu với giá cao hơn, giá khẩu trang thành phẩm theo đó cũng phải tăng. 

Nhưng chúng tôi cam kết không tăng quá 10-15% so với trước đây, tức không quá 50.000 đồng/hộp khẩu trang 50 chiếc”, ông Thu nhấn mạnh.

Ông Phan Anh Tuấn, đại diện công ty TNHH NTI Vina ở Bình Dương cũng cho biết, công suất sản xuất của nhà máy đã ở mức tối đa. Tuy nhiên, khó khăn lớn của doanh nghiệp là nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế hiện đã tăng giá khoảng 90% so với trước khi có dịch cúm corona. 

Vì vậy, nguồn hàng chỉ đủ để cung ứng cho các đơn vị đã trúng thầu, đã ký hợp đồng trước đó (nhà thuốc, cơ sở y tế).

Nhà sản xuất khẩu trang gặp khó vì nguyên liệu tăng giá - Ảnh 2.

Chợ thuốc Hapulico (Hà Nội) ngày 3-2 đã không còn cảnh người mua chen chúc nhau mua khẩu trang. Ảnh: Thùy Dung

Theo đại diện công ty TNHH sản xuất Thương mại và XNK Vina Towel Việt Nam, đơn vị phân phối khẩu trang Dr.Mask cho các chuỗi siêu thị như Vinmart, T-mart, công ty đang sản xuất hết công suất, tương đương hơn 100.000 chiếc/ngày với mức giá không thay đổi. 

Tuy vậy, chỉ 30 phút sau khi hàng giao tới siêu thị là đã hết.

Đại diện Vina Towel cho hay, do công ty có dự trữ sẵn nguyên liệu từ trước Tết nên vẫn còn để sản xuất cầm chừng thêm vài tuần nữa. Sau đó, công ty không biết nhập nguyên liệu ở đâu để sản xuất thêm. 

“Nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu nguyên liệu, còn lại phải nhập khẩu. Trong khi đó, việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc đã bị ngưng lại, chúng tôi chưa biết nhập từ nguồn nào khác”.

Siêu thị cam kết đủ hàng, không tăng giá

Theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ Hapulico – chợ thuốc lớn nhất Hà Nội (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội), mặc dù có tới hàng trăm cửa hàng thuốc lớn nhỏ bao phủ cả 5 tầng của khu phức hợp này nhưng khách hàng đi mỏi chân không mua nổi một hộp khẩu trang. 

Đi khắp 5 tầng của khu chợ thuốc, đâu đâu cũng thấy treo tấm biển khô khan: “Không bán khẩu trang, nước rửa tay khô. Vui lòng miễn hỏi”. Các cửa hàng không có biển thông báo, khi được hỏi “Có bán khẩu trang không?” cũng chỉ đáp lại bằng những cái lắc đầu. 

Chị Hoa, nhân viên bán hàng tại cửa hàng thuốc tầng 5 cho hay: “Chúng tôi không nhập được hàng”.

Các cửa hiệu thuốc nhỏ, nằm ở ven đường phố Hà Nội cũng đều treo tấm biển không bán khẩu trang, nước rửa tay.

Nhà sản xuất khẩu trang gặp khó vì nguyên liệu tăng giá - Ảnh 3.

Hình ảnh quen thuộc tại các điểm phân phối vật dụng y tế những ngày gần đây ở Hà Nội. Ảnh: Thùy Dung

Chị Nhân, dược sĩ tại khu đô thị Dương Nội, Hà Đông, cho hay các đơn vị quản lý thị trường đi kiểm tra rất gắt gao việc niêm yết giá bán. “Bán giá cao thì không được, mà bán giá thấp như trước kia thì tôi lỗ”, chị Nhân giải thích lý do việc ngưng bán khẩu trang.

Theo nhân viên một số hiệu thuốc, cơ sở của họ trước giờ không trữ hàng khẩu trang, vì đây là mặt hàng cồng kềnh, rẻ tiền, lại dễ nhập hàng. 

Không dự báo mặt hàng này sẽ trở nên khan hiếm khi dịch corona bùng phát trên toàn cầu nên vào thời điểm hiện tại, nhiều nhà thuốc không thể nhập được hàng, nếu có nhập được thì giá cũng đắt gấp 5-6 lần giá vào thời điểm trước Tết.

Ví dụ, một hộp khẩu trang 50 chiếc, loại 3 lớp dùng một lần, trước chỉ 30.000 đồng/hộp, giờ tăng lên 200.000 đến 220.000 đồng/hộp. “Thậm chí, các mối giao hàng khẩu trang giờ không nhấc điện thoại vì họ cũng bị quá tải, không thể nhận thêm đơn hàng”, chị Nhân chia sẻ.

Một số siêu thị như Aeon Mall Hà Đông, T-mart, vẫn còn một lượng nhỏ khẩu trang được bán ra với mức giá ổn định. Ví dụ, loại khẩu trang Eco Fresh có giá 18.000 đồng/10 chiếc, hay khẩu trang Unicharm 3D Mask có giá 16.000 đồng/5 chiếc. 

Tuy nhiên, mỗi người chỉ được mua 2 túi. Nhân viên siêu thị kể rằng vừa chở hàng về đến nơi, chưa kịp xếp lên kệ đã hết vì người tiêu dùng chờ đợi sẵn để mua hàng.

Mặc dù chỉ là nhà bán lẻ chuyên về thực phẩm và hàng thiết yếu nhưng trong vòng 5 ngày qua, ngay từ ngày 30-1 khi có thông tin về dịch viêm phổi cấp do virus corona, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã cung cấp ra thị trường hơn 3 triệu khẩu trang các loại với mức giá được giữ nguyên như trước đó.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op cho biết, để kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng đột biến mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay các loại, Saigon Co.op đã phải huy động toàn bộ hàng dự phòng của siêu thị và từ tất cả các đối tác cung cấp mặt hàng này trên cả nước.

Không những phải tức tốc tăng lượng khẩu trang và gel, nước rửa tay, Saigon Co.op còn huy động toàn bộ phương tiện có thể để phân bổ hai mặt hàng này cho kịp về các siêu thị trên khắp cả nước.

Thông thường mỗi siêu thị Co.opmart, Co.opXtra tiêu thụ trung bình khoảng 5-10 hộp khẩu trang mỗi ngày thì hiện tại, mỗi siêu thị đều bán hết 300-500 hộp khẩu trang (mỗi hộp 50 chiếc) trong vòng 1-2 giờ đồng hồ sau khi nhập hàng, mặc dù hạn chế chỉ bán cho mỗi khách 1 hộp. 

Một số siêu thị chủ động chia tách nhỏ thành các gói 5-10 chiếc để có thể giúp càng nhiều người có thể mua được hàng.

Tình hình khan hiếm hàng một phần còn do đang trong thời điểm vừa trải qua kỳ nghỉ Tết, một số đơn vị sản xuất còn trong thời gian cho công nhân nghỉ dài ngày, chưa chuẩn bị kịp nhân lực và nguyên vật liệu để đẩy mạnh sản xuất đáp ứng tức thời nhu cầu tăng đột biến này.

Hiện hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers trên cả nước của Saigon Co.op đang phối hợp các nhà sản xuất duy trì đưa ra thị trường đều đặn trung bình 200.000 khẩu trang và hơn 10.000 chai gel, nước rửa tay mỗi ngày và lượng này dự kiến sẽ được tăng lên khi các đơn vị sản xuất bắt đầu tăng tốc.

Đặc biệt, các loại khẩu trang, gel, nước rửa tay dù trong giai đoạn này được xem là hàng hiếm, giá thị trường hầu như tăng nhưng hầu như các siêu thị của Saigon Co.op không tăng giá bán so với trước đó. 

Giá khẩu trang trung bình tại  Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers từ 730 đồng đến 5.400 đồng/chiếc tùy loại. Các loại gel, nước rửa tay trung bình 20.000 đồng đến 90.000 đồng/chai. 

Các loại khẩu trang thương hiệu Co.op Select do Saigon Co.op đặt hàng sản xuất riêng đang có giá bán trung bình 38.000 đồng đến 48.000 đồng/ hộp 50 cái, nước rửa tay và gel Select giá chỉ quanh mức 20.000 đồng/chai 90ml.

Tại hệ thống cửa hàng tiện lợi Bách hóa Xanh, đại diện đơn vị này cũng cho biết, sẽ không tăng giá đối với các loại khẩu trang vẫn bán. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, nguồn hàng về sẽ khan hiếm, hầu như sẽ chỉ bán các sản phẩm có sẵn.

Thùy Dung

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.