Nhà nước bội thu cổ tức từ ba 'ông lớn' ngân hàng
NHNN tiếp tục bội thu từ cổ tức ngân hàng (Ảnh minh hoạ) |
Với sở hữu cổ phần chi phối tại các ngân hàng thương mại lớn như Agribank, Vietcombank, BIDV và Vietinbank, Ngân hàng nhà nước (NHNN) là tổ chức nắm quyền quyết định đối với hoạt động của các ngân hàng này. Năm 2016, với tăng trưởng hoạt động tín dụng tương đối tốt, các ngân hàng này đã mang lại cho nhà nước một khoản thu khá lớn từ cổ tức.
Cụ thể, Vietcombank đạt mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 25% trong năm 2016, lợi nhuận của Vietinbank cũng đạt mức tăng trưởng 17%. Trong khi đó, BIDV lại giảm hơn 2,5%. Riêng Agribank chưa công bố báo cáo tài chính 2016.
Thời điểm cuối tháng 4, ba ngân hàng BIDV, Vietcombank và VietinBank đã hoàn thành việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Qua đó, các "ông lớn" này cũng đã thông qua kế hoạch chia cổ tức. Theo chỉ đạo của Bộ tài chính thì cả ba ngân hàng này đều thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cổ tức từ 7% - 8% trên vốn điều lệ.
Cổ tức 2016 mà NHNN nhận được từ ba ngân hàng Vietcombank, BIDV và Vietinbank. (Ảnh: Trúc Minh tổng hợp) |
Với tỷ lệ nắm giữ cổ phần lớn nhất tại BIDV lên đến 95,28% nên dù đây là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất và tỷ lệ cổ tức ở mức 7%, BIDV lại mang lai nhiều lợi nhuận nhất cho Nhà nước với số tiền dự kiến là 2.280 tỷ đồng.
Kế đó là Vietcombank với tỷ lệ cổ tức 8%, mang về cho ngân sách nhà nước khoảng 2.219 tỷ đồng. VietinBank với mức tỷ lệ 7%, dự kiến tăng thu cho ngân sách khoảng 1.680 tỷ đồng.
Cổ tức 2015 mà NHNN nhận được từ ba ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank. Ảnh: Trúc Minh tổng hợp) |
Như vậy, với mức chi trả cổ tức như trên ngân sách nhà nước sẽ thu về được 6.179 tỷ đồng lợi nhuận từ cổ tức tại ba ngân hàng này. So với cổ tức 2015, con số này giảm khoảng 324 tỷ đồng, tương đương khoảng 5%.
Nguyên nhân chính là do trong năm 2016, lợi nhuận của BIDV có sự sụt giảm, tỷ lệ cổ tức giảm từ 8,5% xuống còn 7%. Việc nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) và lộ trình tái cơ cấu đã ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động của BIDV trong năm qua.
Hiện tại, Nhà nước cũng đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Trong đó, dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại BIDV từ 95,28% xuống 65%, đồng thời thực hiện cổ phần hoá và giảm sở hữu tại Agribank xuống 65% trong giai đoạn 2016 - 2020. Đây cũng là cơ hội để những ngân hàng này có thể tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược, đặc biệt là các đối tác nước ngoài trong thời gian sắp tới.