|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhà máy Ethanol Dung Quất 'sống lại' nhờ một đại gia xuất nhập khẩu

10:04 | 20/06/2018
Chia sẻ
Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dung Quất đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại tạp phẩm (Tocontap) để khởi động vận hành lại Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất.
nha may ethanol dung quat song lai nho mot dai gia xuat nhap khau
Theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, dự án Ethanol Dung Quất là một trong 4 dự án bị Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an.

Mới đây, ông Phạm Văn Vượng, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dung Quất (BSR-BF) cho biết, phương án hợp tác để khởi động vận hành lại Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất đã được các cổ đông thống nhất chủ trương tại đại hội đồng cổ đông.

Cụ thể, đại hội đồng cổ đông công ty đã thông qua nội dung Dự thảo hợp đồng hợp tác gia công sản phẩm giữa BSR-BF với Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại tạp phẩm (Tocontap), và đã ký hợp đồng hợp tác vào ngày 12/6/2018, đồng thời đang chuẩn bị kế hoạch thực hiện hợp đồng.

Những vấn đề phát sinh như nhà máy dừng hoạt động khá lâu, cần phải bảo dưỡng, sửa chữa, để bảo đảm các thông số kỹ thuật trước khi đi vào vận hành đã và đang được các kỹ sư, thợ lành nghề từ Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tăng cường, hoàn thành toàn bộ công tác kiểm tra.

Cũng theo lãnh đạo BSR-BF, hợp đồng giữa BSR - BF và Tocontap nêu rõ, BSR-BF là đơn vị nhận gia công sản phẩm chính là Ethanol từ nguyên liệu do Tocontap cung cấp. Nghĩa là Tocontap sẽ chịu trách nhiệm thu xếp nguồn nguyên liệu, tổ chức phân phối Ethanol sau khi ra thành phẩm.

Phía BSR - BF sẽ chịu trách nhiệm gia công Ethanol từ nguyên liệu sắn do Tocontap cung cấp. Hợp đồng này có thời hạn là 10 năm kể từ ngày ký, chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn 5 năm.

Trong hợp đồng cũng ghi rõ, trong vòng 12 tháng đầu, phía Tocontap cam kết tiêu thụ hết tàn bộ sản lượng Ethanol mà phía BSR - BF sản xuất được.

Đây được coi là điều kiện tiên quyết để giải quyết những khó khăn về nguyên liệu, về vốn, để nhà máy hoạt động.

Ngoài ra, phía Tocontap cũng cam kết tạm ứng kinh phí cho việc sửa chữa nhà máy và chi phí gia công. Kinh phí này sẽ được chuyển cho BSR - BF khi kế hoạch và dự toán chi phí bảo dưỡng sửa chữa được thông qua giữa hai bên.

Phía Tocontap cũng đồng ý tạm ứng 70% chi phí gia công bằng tiền mặt cho BSR-BF trong vòng 1 tuần kể từ khi hai bên thống nhất kế hoạch sản xuất theo từng đợt, hoặc theo quý, theo tháng do bên BSR - BF cung cấp.

"Hiện nay BSR-BF đã hoàn chỉnh hồ sơ về kế hoạch triển khai bảo dưỡng, sửa chữa gửi cho phía đối tác Tocontap. Trong đó có những tính toán hết sức cụ thể như trong khoảng thời gian còn lại của năm 2018, BSR - BF sẽ sản xuất khoảng 7.000m3 Ethanol cho Tocontap và số lượng 35.000 m3 còn lại như đã ký trong hợp đồng sẽ sản xuất vào năm 2019", ông Vượng cho biết.

Được biết, Tocontap tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương), được thành lập năm 1956, với tên gọi ban đầu là Công ty Xuất nhập khẩu tạp phẩm Việt Nam.

Khi mới thành lập, Tocontap là một trong 13 đầu mối xuất nhập khẩu của cả nước, chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như hàng gia dụng, giày da, sản phẩm cao su, quần áo theo nghị định thư... và thực hiện các hợp đồng hàng đổi hàng với các nước trong khối Đông Âu.

Sau đó, Tocontap chuyển sang lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu tổng hợp, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu và mở rộng các thị trường như Châu Á, Châu Âu, Mỹ, Canada, Úc...

Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, dự án ethanol Dung Quất là một trong 4 dự án bị Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an.

Cụ thể, thanh tra quá trình xây dựng Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất (Ethanol Dung Quất, tại tỉnh Quảng Ngãi), Thanh tra Chính phủ đã kết luận có dấu hiệu cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC,...

Tại bản kết luận này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất có vốn nhà nước trên 30% tổng mức đầu tư, do đó phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đại diện vốn Nhà nước của các đơn vị thành viên tại PCB và chủ đầu tư PCB đã thực hiện chỉ định thầu.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí chưa có kinh nghiệm với vai trò đứng đầu liên danh thực hiện dự án. Do đó, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc chỉ định thầu không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng và vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Đấu thầu.

Thanh tra Chính phủ cũng nhận định, Hợp đồng EPC đã được điều chỉnh tăng từ 59,177 triệu USD thành 67 triệu USD, tăng 7,723 triệu USD, trong đó 3,245 triệu USD tăng không có cơ sở.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, vốn đầu tư đã sử dụng cho dự án là 2.124 tỷ đồng, tăng 631 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án (tăng 42%) làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.

Xem thêm

Duyên Duyên