PVN nghiên cứu để bán toàn bộ Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất
Mới đây, ông Đinh Văn Sơn, Thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có cuộc trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ về kết quả sắp xếp, thoái vốn vừa qua của Tập đoàn.
Liên quan đến 5 dự án yếu kém ngành Công Thương mà PVN có trách nhiệm xử lý, ông Sơn thông tin, có một đơn vị nhận từ Vinashin là Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) và hai dự án nhiên liệu sinh học do các cổ đông bên ngoài nắm chi phối.
Đến nay, một số kết quả đạt được như Công ty CP Hóa Dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), sau 3 năm trì trệ, đã vận hành toàn bộ dây truyền phân xưởng sợi Filament trong 6 tháng qua, xuất bán gần 1.500 tấn sản phẩm sợi DTY các loại cho thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất đã ký được Hợp đồng hợp tác gia công E100 với CTCP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) ngày 12/6. Đến ngày 25/9, nhà máy NLSH Dung Quất đã sấy lò để chuẩn bị vận hành sản xuất; ngày 28/10 đã hoàn thành sản xuất 2.000 m3 cồn E100.
Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, PVOil (nắm giữ 39,76% vốn điều lệ) đang thu xếp lịch họp cổ đông để tìm ra các giải pháp xử lý tối ưu.
Với Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), PVN đã thuê tổ chức định giá và sẽ nỗ lực để tái cơ cấu thành công, trong đó bao gồm cả việc nghiên cứu để chào bán toàn bộ doanh nghiệp cho các nhà đầu tư quan tâm ở trong và ngoài nước.
Như vậy, với các nỗ lực vừa qua, các dự án, doanh nghiệp yếu kém của Tập đoàn đã có các chuyển biến tích cực và với tình hình này, Tập đoàn có thể xử lý cơ bản các dự án, doanh nghiệp này vào năm 2020.
Riêng Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, PVN đã chỉ đạo PVOil làm việc với các cổ đông để tìm phương án tối ưu bao gồm cả phương án phá sản doanh nghiệp.