|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chân dung 5 dự án nhiều nghìn tỷ vốn nhà nước dính thua lỗ

09:15 | 16/11/2016
Chia sẻ
Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất, nhà máy mở rộng gang thép Thái Nguyên, nhà máy bột giấy Phương Nam, nhà máy Đạm Ninh Bình là 5 dự án của các doanh nghiệp nhà nước trong tình trạng thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản.

Trước chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến dự án đầu tư nghìn tỷ vốn nhà nước nhưng thua lỗ, lãng phí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các dự án có điểm chung là thị trường thế giới biến động đã ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của dự án.

Bên cạnh đó, do hạn chế nguồn nhân lực và điều kiện triển khai nên nhiều dự án kéo dài. Quá trình triển khai đòi hỏi phải có sự can thiệp của các cơ quan quản lý, nhưng sự can thiệp này cũng không đem lại hiệu quả vì nhiều lý do...

Thực tế, các dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất, nhà máy mở rộng gang thép Thái Nguyên, nhà máy bột giấy Phương Nam, nhà máy Đạm Ninh Bình với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ thời gian vừa qua đều trong tình trạng “đắp chiếu”, nhiều lần xin ưu đãi.

Nhà máy xơ sợi Đình Vũ “bất động”

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng) nhưng ngay từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014 đã liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất.

Dự án đã chậm tiến độ tới 2 năm, khi đi vào hoạt động, vận hành khoảng 7 tháng đã lỗ hơn 1.085 tỷ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu.

Trước thực tế thua lỗ liên tục, PVN đã từng đề nghị nhà nước cần có hỗ trợ bằng cơ chế đặc thù đưa nhà máy hoạt động ổn định và thu hồi vốn đầu tư.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng dự án này, theo đó, chỉ ra hàng loạt sai phạm như trong quá trình triển khai thực hiện dự án, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí… Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu không tuân thủ quy định của hợp đồng, thay đổi nguồn gốc xuất xứ nhiều thiết bị.

Nhiều thiết bị khác sau khi nhập về sử dụng đã bị trục trặc, hỏng hóc cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhà máy thử nghiệm kéo dài, sản phẩm không đạt chất lượng chiếm tỷ lệ cao.

Ethanol Dung Quất “đắp chiếu”

Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Dung Quất có vốn nhà nước trên 30% tổng mức đầu tư do đó phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu tuy nhiên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), người đại diện vốn nhà nước của các đơn vị thành viên tại PCB và chủ đầu tư PCB đã thực hiện chỉ định thầu.

Trong khi về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu chưa có nhiều với vai trò đứng đầu liên danh thực hiện dự án.

Dự án hiện đã đầu tư xong nhưng không vận hành thương mại, vốn đầu tư đã sử dụng cho dự án là 2.124 tỷ đồng tăng 631 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án (tăng 42%) làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Gang thép Thái Nguyên, đống sắt gỉ chờ nhà thầu Trung Quốc

Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên được khởi công xây dựng vào năm 2007 với công suất dự kiến 0,5 triệu tấn/năm, tổng vốn ban đầu là 3.843 tỷ đồng. Tháng 7/2007, Tisco ký hợp đồng tổng thầu EPC (E-thiết kế, P-cung cấp thiết bị, C-xây dựng công trình), với Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tuy nhiên, sau 5 năm, năm 2012 khi dự án gặp khó khăn về tài chính, nhà thầu MCC đã rút về nước và đem theo hơn 90% tiền thanh toán phần thiết bị mà chưa bàn giao các hạng mục quan trọng cho chủ đầu tư. Đến nay, sau gần 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng, nhà máy vẫn chỉ là đống sắt gỉ “đắp chiếu”.

Nhà máy bột giấy Phương Nam trị giá 2.759 tỷ đồng, nợ phải trả 2.651 tỷ

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam được đầu tư ban đầu bởi Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6).

Tháng 10/2003, dự án được UBND tỉnh Long An phê duyệt báo cáo khả thi với tổng mức đầu tư 1.487 tỷ đồng, tuy nhiên sau nhiều năm không thể hoàn thành dù tháng 11/2007 đã điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 2.286 tỷ đồng, tháng 6/2009 chủ đầu tư dự án được chuyển từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) thuộc Bộ Công Thương.

Theo đó, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã triển khai nhiều công việc với mục tiêu đưa dự án vào hoạt động, song khi được chạy thử có tải cả hệ thống luôn bị tắc nghẽn, toàn bộ dây chuyền đã không thể tiếp tục chạy thử.

Báo cáo của Bộ Công Thương từng dẫn số liệu quyết toán dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã được kiểm toán của công ty TNHH Kiểm toán Việt Anh tại thời điểm 31/12/2015 tổng nguồn vốn là 2.703 tỷ đồng. Trong đó đáng lưu ý, khoản nợ dài hạn lên đến 2.426 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 225,8 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 107,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại báo cáo này, Bộ Công Thương chưa phản ánh được nguồn vốn thực tế đã giải ngân tính đến thời điểm 31/12/2015 lên đến 2.759 tỷ đồng.

Nhà máy Đạm Ninh Bình thua lỗ 2.000 tỷ sau 4 năm

Năm 2005, Tổng công ty Hoá chất, nay là Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã kiến nghị và được phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm urê từ than cám tổng mức đầu tư 667 triệu USD, tương đương khoảng 12.000 tỷ đồng.

Sau khi đàm phán, Vinachem đã quyết định chọn vay vốn từ Trung Quốc 250 triệu USD với Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer làm tổng thầu thực hiện.

Mặc dù nhà máy sử dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới được giới thiệu như công nghệ khí hoá của Shell (Hà Lan), công nghệ tinh chế khí của Linder (Đức), công nghệ tổng hợp amoniac của Topsoe (Đan Mạch), công nghệ phân ly không khí của Air Liquide (Pháp)… nhưng các thiết bị lại được phía nhà thầu Trung Quốc cung ứng.

Theo tính toán, sau khi hoàn thành vào giữa năm 2011, nhà máy sẽ đạt sản lượng 1.760 tấn urê/ngày nhưng đến 30/3/3012 Đạm Ninh Bình mới cho ra tấn urê đầu tiên và vận hành thương mại từ 15/12/2012.

Theo báo cáo của Vinachem, năm 2012, Đạm Ninh Bình lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng, năm 2014 nhà máy lỗ khoảng 500 tỷ đồng và năm 2015 vừa qua lỗ trên 370 tỷ đồng.

Nguyễn Thảo