|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư cần biết: Kinh nghiệm đối mặt sự kiện thiên nga đen trên thị trường chứng khoán nhìn từ quá khứ

08:32 | 02/02/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm sâu trong hai phiên giao dịch đầu năm Canh Tý do lo ngại dịch virus corona, tuy nhiên tình có đang xấu thực sự hay chỉ là sự hoảng loạn trong ngắn hạn?

Thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực sau dịch virus corona

Thị trường chứng khoán vừa trải qua những ảnh hưởng nặng nề do lo ngại về tình hình dịch virus viêm phối corona lây lan nhanh và diễn biến phức tạp.

Chỉ sau hai phiên giao dịch đầu năm Canh Tý, VN-Index ghi nhận mức giảm tổng cộng 54,84 điểm, tương đương tỉ lệ 5,53% từ 991,46 điểm xuống còn 936,62 điểm; HNX-Index giảm 3,7% và UPCoM-Index giảm 1,9%.

Kinh nghiệm đối mặt với sự kiện thiên nga đen trên thị trường chứng khoán nhìn từ quá khứ - Ảnh 1.

Các chỉ số chứng khoán giảm sâu trong hai phiên giao dịch đầu năm Canh Tý sau dịch virus corona. Nguồn: VNDirect.

Phiên giao dịch 31/1, VN-Index giảm 2.39%, đóng cửa ở mức 936.62 điểm; HNX-Index giảm 1,68% xuống còn 102.36 điểm. Áp lực bán tháo khiến thanh khoản thị trường lên tới 253 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 4,566 tỉ đồng. Độ rộng thị trường tiêu cực khi cứ hơn ba mã giảm mới có một mã tăng.

Theo CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, các cổ phiếu hàng không giảm sâu do lo sợ kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng xấu từ dịch virus. Hai mã HVN và VJC giảm sàn sau khi Vietjet Air ngừng khai thác các chuyến bay đến Trung Quốc từ ngày 1/2/2020.

CTCP cũng cho rằng, các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch virus là du lịch, lưu trú, hàng không khi nhu cầu du lịch, đi lại của người Trung Quốc lẫn cả khu vực Châu Á chịu ảnh hưởng khi người dân có tâm lý hạn chế di chuyển trong thời gian diễn ra dịch.

Hiện tại, Cục Hàng không đã dừng cấp phép đối với các chuyến bay thường lệ đến/từ Việt Nam kết nối với các tỉnh thành có dịch của Trung Quốc. Các tour du lịch từ Trung Quốc cũng bị tạm dừng khiến ngành du lịch và hàng không Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là trong mùa cao điểm quý I này.

Áp lực bán cũng khiến các cổ phiếu thủy sản điều chỉnh với VHC, ANV và AGF giảm sàn khi nhà đầu tư dự báo nhu cầu thị trường Trung Quốc suy giảm sẽ ảnh hưởng đến nhóm này.

Ngoài ra, sự điều chỉnh của giá dầu cũng làm cổ phiếu ngành năng lượng đi xuống với tâm điểm là GAS, PVD, PVS và PLX. Bộ đôi DPM và GMD giảm sàn do hai mã này sẽ bị loại ra khỏi danh mục VN30-Index vào thứ 2 tới. Ngược lại, cổ phiếu ngành y tế ngược dòng thị trường với sự bứt phá từ DHG, AMV, DHT, JVC và IMP.

Bài học nào cho thị trường chứng khoán nhìn từ dịch Sars trong quá khứ?

Nhìn lại trong quá khứ, nền kinh tế và thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn từ các đại dịch toàn cầu tuy nhiên cả thị trường và đa số các ngành không chịu ảnh hưởng đều sớm hồi phục. VNDirect cho rằng, nCoV là một sự kiện thiên nga đen, gây tác động mạnh trong ngắn hạn nhưng khó có thể thay đổi cả một chu kì kinh tế.

Các chuyên gia quốc tế đã có đánh giá dịch virus corona so với dịch Sars trước đây, kết quả cho thấy corona dễ lây hơn nhưng nhẹ hơn do virus mặc dù gây chết người nhưng tỷ lệ tử vong là 3,5%, trong khi WHO ước tính Sars có tỷ lệ tử vong từ 14% đến 15%.

Thống kê từ CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSc - Mã: CTS) cho thấy, trong quá khứ thị trường chứng khoán cũng từng bị ảnh hưởng bởi dịch Sars, sau đó thị trường tìm đáy trong khoảng 3 - 4 tháng tính từ thời điểm dịch bùng phát.

Cụ thể, thị trường tạo đáy vào tháng 4/2003, trùng với thời điểm Việt Nam là nước đầu tiên công bố khống chế dịch thành công. Tỉ lệ giảm điểm bình quân của 3 thị trường chính gồm Mỹ, Nhật Bản và Hong Kong vào khoảng 16%.

Kinh nghiệm đối mặt với sự kiện thiên nga đen trên thị trường chứng khoán nhìn từ quá khứ - Ảnh 2.

Nói về phiên giảm sâu ngày đầu năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI) cho rằng: "Thận trọng với dịch cúm Vũ Hán là rất cần thiết dù thực chất xác suất bị lây bệnh nhỏ hơn rất nhiều tai nạn giao thông chết người.

Nhưng lo sợ tới mức đòi đóng cửa biên giới Trung Quốc hay từ chối phục vụ khách đến từ Trung Quốc là quá cực đoan.

Nếu thực hiện như vậy thì sẽ kéo ngành hàng không, ngành du lịch nghỉ dưỡng và cả ngành xuất khẩu nông sản chết, nền kinh tế gặp khó, nghèo đói sẽ gia tăng, lúc ấy không chết vì virus Corona mà chết vì đói chết vì bệnh mà không có tiền mua thuốc!"

"Thị trường chứng khoán không có lý do gì mà sụt giảm đồng loạt nghiêm trọng như sáng nay!", ông Hưng nhấn mạnh.

Theo VNDirect, dịch bệnh do virus corona gây ra có thể chưa kết thúc ngay, nhưng khó khăn nào cũng có điểm dừng. Do vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc giữa việc hạ tỉ trọng cổ phiếu giữ vị thế an toàn trong ngắn hạn với việc duy trì trạng thái dài hạn đối với những doanh nghiệp tăng trưởng bền vững và ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh này.

Với những doanh nghiệp trong danh mục hoặc trong tầm ngắm, nhà đầu tư cần nhìn nhận đầy đủ về những yếu tố có thể ảnh hưởng như gián đoạn nguồn cung, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm hay mức độ ảnh hưởng về thị trường đầu ra kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát trước khi ra quyết định giao dịch.

Cùng quan điểm, VietinBankSc cho rằng, trong ngắn hạn thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Corona, sau đó thị trường tạo đáy trong khoảng 3 - 4 tháng giống như trong dịch Sars. Ngưỡng hỗ trợ theo phân tích kĩ thuật mạnh gần nhất của VN-Index quanh mức 900 điểm.

Công ty chứng khoán này đánh giá tín hiệu bắt đáy sẽ xuất hiện khi có quốc gia đầu tiên công bố khống chế dịch thành công (trong dịch Sars, Việt Nam là nước đầu tiên công bố khống chế dịch thành công), khi đó thị trường phục hồi và đi lên.

Diễn biến các nhóm ngành cụ thể, do thời điểm bùng phát dịch Sars thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn sơ khai, VietinBankSc đưa ra nhận định dựa theo thị trường Hong Kong với nhiều nét tương đồng. Mặc dù đà tăng/giảm còn bị ảnh hưởng bởi các nhân tố khác, tuy nhiên đây là một số kinh nghiệm tốt có thể rút ra ở thời điểm hiện tại.

Khi đại dịch Sars xảy ra, nhóm ngành tài chính có xu hướng giảm 2.04%, thấp nhất các nhóm ngành, sau đó tăng 39% khi thị trường hồi phục. Trong khi đó, nhóm ngành bất động sản chịu tác động nặng nề khi giảm 17.4% trong khi dịch xảy ra và phục hồi mạnh 61% khi dịch kết thúc.

Nhóm thương mại công nghiệp giảm 10,53% trong dịch và sau đó tăng 41,56%. Còn lại, nhóm tiện ích diễn biến ổn định với biên độ dao động dưới 10%.

Kinh nghiệm đối mặt với sự kiện thiên nga đen trên thị trường chứng khoán nhìn từ quá khứ - Ảnh 3.

Nguồn: VietinBankSc

Khuyến nghị với thị trường hiện tại, VietinBankSc cho rằng, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu có thể xem xét cơ cấu sang nhóm ngành tài chính như cổ phiếu ngành ngân hàng.

Đối với nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm, có thể xem xét tham gia bắt đáy nhóm cổ phiếu có xu hướng bật mạnh trở lại khi có nước công bố khống chế dịch thành công, đơn vị là nhóm cổ phiếu bất động sản nghỉ dưỡng, hàng không đã giảm khá sâu.

Sơn Tùng