Cổ phiếu dược khan hàng như khẩu trang: Doanh nghiệp có sản xuất khẩu trang hay kinh doanh tăng trưởng?
Cổ phiếu dược dậy sóng trong bối cảnh dịch virus corona đang lây lan nhanh
Phiên giao dịch cuối tháng 1/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tiêu cực giữa những lo ngại về dịch viêm phối do virus corona gây ra. VN-Index giảm 22,96 điểm (2,39%) xuống 936,62 điểm; HNX-Index giảm 1,68% xuống 102,36 điểm; UPCoM-Index giảm 1,08% xuống 55,13 điểm.
Độ rộng thị trường ghi nhận 474 mã giảm giá, áp đảo so với 179 mã tăng giá. Thanh khoản thị trường cũng tiếp tục duy trì ở mức cao với khối lượng giao dịch 322 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 5.618 tỉ đồng.
Trong bối cảnh đó, các cổ phiếu dược vẫn tiếp tục ngược dòng thị trường bứt phá với hàng loạt mã tăng kịch trần và nhiều mã đóng cửa trong sắc xanh.
Dẫn đầu danh sách là cổ phiếu CDP của Dược phẩm Trung ương Codupha với mức tăng kịch trần (13,9%) từ 7.900 đồng/cp lên 9.000 đồng/cp; đây là phiên tăng trần thứ hai liên tiếp của cổ phiếu này sau hai phiên giao dịch đầu năm Canh Tý.
Hai cổ phiếu trên sàn HNX là DHT của Dược Hà Tây và DNM của Danameco cùng tăng hết biên độ 9,9% lên mức giá lần lượt 53.500 đồng/cp và 10.000 đồng/cp, trong đó DHT ghi nhận thanh khoản cao nhất kể từ tháng 3/2019.
Cổ phiếu JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật cũng ghi nhận phiên tăng trần thứ hai liên tiếp lên mức giá 3.470 đồng/cp. Hai mã còn lại tăng trần là DHG của Dược Hậu Giang và IMP của Dược phẩm Imexpharm cũng ghi nhận phiên tăng trần.
Cổ phiếu DMC của Xuất nhập khẩu Y tế Domesco kết phiên tăng 6,4% lên 76.000 đồng/cp, trong phiên có thời điểm mã này chạm tới giá trần 76.300 đồng/cp. Ngoài ra, hai mã DBD của Dược Bình Định và DCL của Dược Cửu Long cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 4,5% và 0,6%.
Trong phiên giao dịch trước đó (30/1), nhóm cổ phiếu dược cũng giao dịch khởi sắc với các mã CDP, HDP, JVC tăng kịch trần và DHG, DNM, DCL, IMP đóng cửa trong sắc xanh.
Sau hai phiên giao dịch đầu năm Canh Tý, VN-Index ghi nhận mức giảm tổng cộng 54,84 điểm, tương đương tỉ lệ 5,53% từ 991,46 điểm xuống còn 936,62 điểm. Trong khi đó, hầu hết các cổ phiếu dược đều ghi nhận việc tăng giá hai con số.
Với ưu thế biên độ rộng trên thị trường UPCoM, cổ phiếu CDP tăng 30,43% chỉ sau hai phiên giao dịch, đồng thời là mã tăng mạnh nhất cả nhóm. Theo sau đó, cổ phiếu JVC hồi phục 14,14% sau chuỗi giảm sau trước Tết nguyên đán.
Cổ phiếu của "ông lớn" Dược Hậu Giang ghi nhận mức tăng 13,07%, tương đương 11.500 đồng/cp. Với mức tăng này, vốn hóa của Dược Hậu Giang tăng thêm 1.503 tỉ đồng từ 11.506 tỉ đồng lên 13.009 tỉ đồng.
Với mức tăng 13,07%, cổ phiếu DHT đã vượt qua mức giá 50.000 đồng/cp, hiện tạm dừng tại 53.500 đồng/cp. Ngoài ra, cổ phiếu có mức tăng trưởng thấp nhất top5 là IMP cũng đem lại tỉ suất sinh lời 9,6%.
Động lực tăng giá của nhóm dược đến từ việc hưởng lợi từ dịch virus corona hay chỉ là hiệu ứng tâm lí?
Trước tình trạng dịch virus corona đang lây lan nhanh, người dân tại nhiều nước đã đổ xô đi mua khẩu trang để phòng tránh dịch khiến giá khẩu trang tăng lên chóng mặt, điều này cũng khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp này tăng giá ngoạn mục.
Trên sàn chứng khoán Tokyo, giá cổ phiếu Kawamoto - nhà sản xuất mặt nạ phòng độc, khẩu trang y tế, đã chứng kiến nhịp tăng gấp gần 7 lần chỉ sau 1 tháng, từ mức 447 Yen/cp vào cuối năm 2019 lên 3.095 Yen/cp tại ngày 30/1.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, hiệu ứng trên cũng diễn ra với các cổ phiếu dược như đã thấy ở trên. Tuy nhiên các doanh nghiệp này liệu có thực sự được hưởng lợi từ dịch virus hay không, hay việc cổ phiếu tăng giá chỉ là hiệu ứng tâm lí trong ngắn hạn?
Thống kê cho thấy, ngành nghề kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp dược trong nước như Dược Hậu Giang, Dược Hà Tây, Dược Bình Định, Dược phẩm Imexpharm đều tập trung vào sản xuất, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm, hoàn toàn không có mặt hàng khẩu trang hay thiết bị bảo hộ - các mặt hàng đang khan hiếm gần đây.
Mặc khác, ngành dược hiện có tốc độ tăng trưởng thấp, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhóm này cũng không cho thấy sự khởi sắc.
Doanh thu năm 2019 của Dược Hậu Giang đạt 3.897 tỉ đồng, gần như không tăng trưởng so với năm trước đó; trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 3% xuống 631,3 tỉ đồng.
Dược Hà Tây ghi nhận doanh thu tăng 19,7% lên 2.042 tỉ đồng, chủ yếu từ bán hàng hóa và thành phẩm thuốc; lợi nhuận sau thuế tăng 6% lên 90 tỉ đồng. Báo cáo tài chính của Dược Bình Định cũng cho thấy doanh thu năm 2019 giảm 9,4% xuống 1.270 tỉ đồng, cùng với đó lợi nhuận sau thuế giảm 13,5% xuống 141 tỉ đồng.
Riêng Dược phẩm Imexpharm ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng với doanh thu đạt 1.402 tỉ đồng, tăng 18,3% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt 162,4 tỉ đồng, tăng 17%. Kết quả kinh doanh khởi sắc của Imexpharm đến từ việc đưa vào hoạt động nhà máy kháng sinh công nghệ cao Vĩnh Lộc, nhà máy công nghệ cao Bình Dương.
Với Thiết bị Y tế Việt Nhật, doanh nghiệp này chuyên kinh doanh các thiết bị như các loại máy chụp chiếu, nội soi, siêu âm và các dụng cụ y tế. Năm 2019, doanh thu của công ty giảm 17,8% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 0,9% lên 11,5 tỉ đồng.
Có thể thấy, ngoại trừ Imexpharm ghi nhận bức tranh kinh doanh tăng trưởng do đưa vào hoạt động dự án mới, hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp ngành dược đều không có tăng trưởng, thậm chí sụt giảm trong năm 2019.
Do đó, động lực tăng giá của nhóm cổ phiếu này không xuất phát từ hoạt động kinh doanh mà chỉ là hiệu ứng tâm lí trong ngắn hạn do ảnh hưởng từ dịch virus, trong khi hiện chưa có loại thuốc nào điều trị được bệnh viêm phổi do nhiễm virus này.
Trên thực tế, sau mỗi sự cố bất khả kháng xảy ra đều có những nhóm cổ phiếu dậy sóng do hiệu ứng tâm lí như nhóm khu công nghiệp hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, cổ phiếu dầu khí dậy sóng sau căng thắng Mỹ - Iran.
Tuy nhiên, sau mỗi con sóng này, nếu động lực tăng giá không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi thì giá cổ phiếu cũng lao dốc nhanh chóng. Do vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc kĩ lượng khi quyết định xuống tiền, nhất là đu mua tại những vùng giá cao để tránh thiệt hại không đáng có.