|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mua vào cổ phiếu ngân hàng dù tâm lý xuống tiền dè dặt

07:13 | 27/08/2021
Chia sẻ
Với việc VN-Index mất hơn 8 điểm trong cuối phiên chiều, nhà đầu tư cá nhân thu hẹp giá trị mua ròng trên HOSE về mức 124 tỷ đồng. Đáng chú ý, cá nhân trong nước có động thái bán ròng gần 550 tỷ đồng VHM sau khi cổ phiếu này liên tục lao dốc từ vùng đỉnh.

Sau khi nhóm cổ phiếu trụ đồng loạt lao dốc, VN30-Index mất đi 16,06 điểm (1,12%) còn VN-Index giảm nhẹ hơn (8,43 điểm, tương đương 0,64%) nhờ vào nỗ lực gồng đỡ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trên thị trường.

Có phần khởi sắc hơn, HNX-Index tăng 0,25% lên 336,85 điểm, UPCoM-Index tăng 0,02% lên 91,55 điểm.

Thanh khoản có cải thiện hơn phiên hôm qua, nhưng vẫn duy trì ở mức thấp. Cụ thể, khối lượng giao dịch đạt gần 722 triệu đơn vị cổ phiếu, tương đương gần 22.370 tỷ đồng.

Thị trường tiếp tục phân hóa mạnh với áp lực bán dâng cao tại bộ ba 'bank, chứng, thép' cùng nhóm bất động sản, dầu khí. Chiều ngược lại, dòng tiền vẫn tìm đến các nhóm xây dựng & vật liệu, vận tải - cảng biển, phân bón - hóa chất,...

Nhà đầu tư cá nhân thu hẹp quy mô mua ròng sau giao dịch bán ròng gần 550 tỷ đồng cổ phiếu VHM - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch theo nhóm nhà đầu tư và biến động của VN-Index trong 20 phiên gần nhất. (Nguồn: FiinPro).

Trong phiên 26/8, tổ chức trong nước có sự đảo chiều trong xu hướng giao dịch khi chuyển mua ròng 577 tỷ đồng. Không duy trì được lực cầu như phiên trước, các cá nhân lui về vị trí thứ hai khi chỉ mua ròng 124 tỷ đồng, giảm hơn 80% giá trị.

Chiều ngược lại là giao dịch bán ròng đến từ khối ngoại và nhóm tự doanh công ty chứng khoán. Theo đó, hai nhóm này rút ròng lần lượt 458 tỷ đồng và 243 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên sàn HOSE.

Dòng tiền đảo chiều ở nhóm bất động sản, gia tăng mua ròng cổ phiếu ngân hàng

Dòng tiền cá nhân đột ngột đảo chiều ở nhóm bất động sản. Trái ngược với lực mua ròng trong những phiên trước, nhóm này bị bán ròng hơn 423 tỷ đồng và ghi nhận giao dịch tiêu cực nhất trong phiên.

Cùng chiều, cá nhân trong nước chỉ bán ròng nhẹ tại bốn ngành gồm hóa chất, bảo hiểm, y tế và truyền thông.

Nhà đầu tư cá nhân thu hẹp quy mô mua ròng sau giao dịch bán ròng gần 550 tỷ đồng cổ phiếu VHM - Ảnh 2.

Giao dịch theo nhóm ngành của NĐT cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Mặc dù là nhóm lấy đi của chỉ số gần 6,1 điểm, cổ phiếu ngân hàng bất ngờ được gia tăng mua ròng 271 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần phiên trước đó. Theo sau, dòng tiền tìm đến hàng & dịch vụ công nghiệp (76,5 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (56,5 tỷ đồng), bán lẻ (40,5 tỷ đồng)...

Nhà đầu tư cá nhân thu hẹp quy mô mua ròng sau khi rút ròng mạnh cổ phiếu VHM

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes chịu áp lực bán ròng nổi bật 549 tỷ đồng. Đây là mã ghi nhận quy mô giao dịch ròng lớn nhất từ các cá nhân trong phiên 26/8, trái ngược với vị thế dẫn dắt chiều mua trước đó.

Như vậy, nhóm này đã chấm dứt chuỗi gom ròng VHM sau khi cổ đông lớn liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu. Theo ghi nhận, VHM đã đánh mất gần 8,9% giá trị từ vùng đỉnh 120.000 đồng/cp.

Nhà đầu tư cá nhân thu hẹp quy mô mua ròng sau giao dịch bán ròng gần 550 tỷ đồng cổ phiếu VHM - Ảnh 3.

Cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Nối tiếp, cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI bị rút ròng 46,5 tỷ đồng. Trong tháng 8/2021, Chứng khoán SSI đã phát hành 16 mã chứng quyền có bảo đảm, tương đương khối lượng 170 triệu đơn vị. Theo công bố, 10 chứng quyền của 9 mã cổ phiếu (122 triệu đơn vị) sẽ niêm yết từ ngày 27/8.

Cũng tại chiều bán, lực xả còn xuất hiện lần lượt tại DHC, VNM, AGG, KBC...với giá trị rút ròng đều dưới 20 tỷ đồng.

Trở lại phía mua ròng, 'anh cả' ngành thép duy trì thu hút hơn 74,5 tỷ đồng mua ròng. Mặc dù đánh mất 1,45% giá trị, lực cầu xuất hiện sau khi giá thép liên tiếp tăng cao trên thị trường quốc tế.

Dòng tiền cá nhân trở lại với nhóm ngân hàng với nhiều đại diện như VPB (66,4 tỷ đồng), CTG (58,5 tỷ đồng), TCB (53,9 tỷ đồng), SSB (46,7 tỷ đồng). Trong đó, CTG mới đây đã đưa vào giao dịch 1,08 tỷ cổ phiếu trong đợt phát hành trả cổ tức hồi tháng 7 vừa qua.

Cổ phiếu GMD của Gemadept ghi nhận quy mô vào ròng hơn 48 tỷ đồng trong phiên nhóm cảng biển dậy sóng. Theo ghi nhận, GMD có lúc tăng kịch trần nhưng không thể giữ được mức cao nhất trong những phút cuối, đóng cửa dừng lại ở 51.000 đồng/cp (tăng 6,47%).

Một số cổ phiếu cũng được giao dịch cùng chiều gồm VIC, MSN, VGC, NVL...

Thảo Bùi