|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cá nhân trong nước mua ròng trở lại phiên VN-Index hồi phục, tập trung cổ phiếu VHM

07:14 | 26/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên chỉ số lấy lại tín hiếu tích cực, nhà đầu tư cá nhân trở lại là lực cầu duy nhất trên thị trường với 644 tỷ đồng mua ròng qua khớp lệnh. Các cá nhân giải ngân mạnh nhất vào nhóm bất động sản, trong đó điểm sáng là cổ phiếu VHM với giá trị mua ròng 612 tỷ đồng.

Kết phiên, VN-Index lấy lại đà tăng 10,81 điểm (0,83%) lên 1.309,55 điểm, HNX-Index tăng 4,22 điểm (1,27%) lên 336,01 điểm, UPCoM-Index tăng 0,44% lên 91,53 điểm.

Thị trường xuất hiện tín hiệu tích cực kể từ phiên ATC với nhóm dẫn dắt vẫn thuộc về các cổ phiếu 'bank, chứng, thép'. Trong khi đó, nhóm bất động sản vẫn là lực cản của thị trường khi lấy đi gần 0,5 điểm của chỉ số.

Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 503 mã tăng, 319 mã giảm và 164 mã tham chiếu. Tuy thanh khoản có phần cải thiện trong phiên chiều, nhìn chung dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc.

Cụ thể, khối lượng mua/bán khoảng 710 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch gần 20.900 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản sàn HOSE đạt gần 15.180 tỷ đồng, giảm 29% so với phiên trước đó.

Cá nhân trong nước mua ròng trở lại phiên VN-Index hồi phục, tập trung mua vào cổ phiếu VHM - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch theo nhóm nhà đầu tư và biến động của VN-Index trong 20 phiên gần nhất. (Nguồn: FiGiao dịch theo nhóm ngành của NĐT cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).inPro).

Thống kê giao dịch khớp lệnh, các cá nhân trong nước trở lại vị thế lực cầu duy nhất tại HOSE. Nhóm này chấm dứt những phiên giao dịch giằng co để trở lại mua ròng 644 tỷ đồng, hấp thụ lực xả từ ba nhóm nhà đầu tư còn lại.

Đối ứng với các cá nhân, khối ngoại, tổ chức trong nước và nhóm tự doanh công ty chứng khoán đồng thuận bán ròng trong phiên 25/8.

Áp lực chốt lời mạnh nhất thuộc về nhóm tự doanh và tổ chức nội khi hai nhóm này đồng thời rút ròng hơn 270 tỷ đồng. Theo sau, tương quan mua bán của khối ngoại có phần cân bằng hơn khi nhóm này chỉ bán ròng 90,5 tỷ đồng.

Điểm sáng trong giao dịch cá nhân là nhóm cổ phiếu bất động sản

Thống kê tại HOSE, giao dịch mua ròng của các cá nhân diễn ra tại 10/18 ngành. Trong đó, lực mua lớn nhất quay lại với nhóm cổ phiếu bất động sau phiên bán ròng.

Nhóm này được mua ròng 716 tỷ đồng, chiếm phần lớn giá trị mua ròng trong phiên và trái ngược với phần lớn thị trường khi đây cũng là ngành tác động tiêu cực nhất tới chỉ số, lấy đi gần 0,5 điểm của VN-Index.

Cá nhân trong nước mua ròng trở lại phiên VN-Index hồi phục, tập trung mua vào cổ phiếu VHM - Ảnh 2.

Giao dịch theo nhóm ngành của NĐT cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Theo sau, dòng tiền cá nhân trong nước tìm đến nhóm ngân hàng (86 tỷ đồng) và tài nguyên cơ bản (96 tỷ đồng) trong phiên cổ phiếu 'bank, chứng, thép' trở lại dẫn dắt đà tăng.

Tuy vậy, nhóm dịch vụ tài chính (chủ yếu là chứng khoán) vẫn dẫn dắt chiều bán khi bị rút ròng 264 tỷ đồng. Sau khi đồng loạt tăng mạnh trong phiên đầu tuần, các cổ phiếu ngành này chịu áp lực xả mạnh rồi giao dịch phân hóa trong phiên 25/8.

Tâm điểm là giao dịch mua ròng VHM, trong khi chốt lời tại SSI

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu VHM của Vinhomes được mua ròng 612 tỷ đồng, trái ngược với giao dịch bán ròng 31 tỷ đồng trong phiên liền trước.

Quy mô giao dịch tại VHM đóng góp phần lớn cho vị thế mua ròng trong phiên của các nhà đầu tư cá nhân. Tuy vậy, áp lực xả mạnh từ các tổ chức trong nước và khối ngoại khiến VHM đánh mất 0,28% trong phiên chiều.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới, Vinhomes sẽ triển khai phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế mới để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Sau khi phát hành thêm, vốn điều lệ của VHM dự kiến tăng từ 33,495 tỷ đồng lên gần 43,544 tỷ đồng.

Cá nhân trong nước mua ròng trở lại phiên VN-Index hồi phục, tập trung mua vào cổ phiếu VHM - Ảnh 3.

Cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Các cá nhân nối tiếp mua ròng 91 tỷ đồng cổ phiếu HPG của Hòa Phát. Sau khi điều chỉnh mạnh trong hai phiên 20 và 23/8, giá cổ phiếu đã hồi phục 1,36% trong phiên, đóng cửa ở mức 48.400 đồng/cp.

Cùng chiều, dòng tiền cá nhân tìm đến loạt cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch tích cực. VPB (44,2 tỷ đồng), TCB (43,5 tỷ đồng), SSB (29,3 tỷ đồng) và VCB (22,3 tỷ đồng) lần lượt góp mặt trong danh mục.

Hai đại diện lớn ngành bất động sản cũng được vào ròng là DXG (23,1 tỷ đồng), VIC (21,4 tỷ đồng), theo sau nhóm này mua ròng chứng chỉ FUEVFVND (20,4 tỷ đồng) và MSN (17,6 tỷ đồng).

Trở lại chiều bán ròng, giao dịch tập trung chủ yếu ở cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI (266 tỷ đồng). Đây cũng là mã duy nhất chịu áp lực rút ròng trên 100 tỷ đồng trong phiên. Lực xả tại SSI gần như tương đương với phiên liền trước và tăng gấp đôi so với đầu tuần giao dịch.

Bên cạnh SSI, HCM của Chứng khoán TP HCM cũng bị bán ròng 17,7 tỷ đồng khi thị giá hồi phục 1,88% trong phiên. Một số cổ phiếu nhóm ngân hàng bị rút ròng nhẹ là HDB (52,2 tỷ đồng) và MBB (24,4 tỷ đồng).

Cũng trong hôm nay, cổ phiếu MBB giao dịch bổ sung thêm gần 980 triệu đơn vị. Đây là số cổ tức năm 2020 được chia theo tỷ lệ 35%. Theo ghi nhận, MBB nằm trong vùng giá đỏ trong gần cả phiên và phải sát đến phiên ATC mới đổi chiều tăng giá lên 28.600 đồng/cp (tăng nhẹ 0,2%).

Theo sau, lực bán phân bổ tại một số mã như POW, GEX, E1VFVN30, VJC, SAB, PHR...với áp lực bán ròng đều dưới 20 tỷ đồng.

Thảo Bùi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.