Mặc VN-Index biến động mạnh, nhà đầu tư cá nhân có tuần mua ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 6
Nhà đầu tư cá nhân mua ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 6
Tuần 16 - 20/8, VN-Index không giữ được đà tăng trong những tuần trước đó với lực bán áp đảo trên thị trường. Sau khi vượt mốc 1.370 điểm một cách thuyết phục trong ngày thứ Hai (16/8), chỉ số biến động với xu hướng không rõ ràng trước khi đóng cửa tuần với một phiên biến động mạnh.
Theo đó, chỉ số sàn HOSE mất đi 27,62 điểm tương đương 2,04% dừng lại ở mức 1.329,43 điểm. Diễn biến tích cực hơn, HNX-Index tăng nhẹ 1,1 điểm (0,3%) lên mức 338.06 điểm, UPCoM-Index cũng có thêm 0,56 điểm (0,6%) lên 92,73 điểm.
Điểm nhấn trong tuần là sự trở lại của thanh khoản.Giá trị giao dịch trung bình tại sàn HOSE đạt 28.160 tỷ đồng, tăng 19% so với tuần trước đó và là mức thanh khoản cao nhất trong lịch sử.
Thống kê giao dịch của nhà đầu tư cá nhân, nhóm này liên tục ghi nhận giao dịch tích cực trước khi bán ròng 191 tỷ đồng do tâm lý tiêu cực trong phiên biến động mạnh.
Tuy vậy, cá nhân trong nước vẫn mua ròng tổng cộng 6.857 tỷ đồng trên HOSE, trong đó mua qua khớp lệnh 5.812 tỷ đồng, đánh dấu tuần mua ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 6.
Dòng tiền trở lại trên diện rộng, tập trung mạnh nhất ở nhóm ngân hàng và bất động sản. Tính riêng trong phiên 20/8, hai nhóm này thu hút quy mô giao dịch lần lượt là 8.553 tỷ và gần 7.000 tỷ đồng
Trong số 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index tuần qua, "anh cả" ngành bất động sản là Vinhomes (Mã: VHM) ghi nhận giao dịch tiêu cực nhất khi lấy đi của chỉ số hơn 10,3 điểm.
Ngân hàng một trong những nhóm biến động nhiều nhất khi thị trường kém khả quan, nhiều cổ phiếu như BID, CTG, TCB, ACB cũng tác động xấu tới chỉ số.
Sắc xanh trên thị trường có phần lép vế hơn, đặc biệt sau phiên cuối tuần biến động mạnh. Mặc dù đóng góp lớn nhất cho chỉ số 1,9 điểm, cổ phiếu GVR gần chạm mức sàn trong phiên 20/8 khi giảm đến 6,31%.
Cổ phiếu Vinhomes đóng góp lớn vào giá trị mua ròng tuần qua
Xem xét giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu VHM bất ngờ được mua ròng nhiều nhất bất chấp diễn biến không mấy tích cực tuần qua. Mã này dẫn đầu chiều mua với quy mô áp đảo 2.861 tỷ đồng, đóng góp phần lớn vào giá trị mua ròng của các cá nhân.
Sau khi đạt vùng giá đỉnh, cổ phiếu VHM chịu áp lực điều chỉnh lớn khi hai cổ đông lớn đồng thời muốn bán bớt hơn 132 triệu cổ phiếu. Với 4 phiên giảm điểm, mã này đánh mất 9,92% giá trị trong tuần vừa qua, và là một trong những lực cản lớn nhất với VN-Index.
HĐQT Vinhomes đã thông qua phương án phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu mới để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Sau đợt phát hành thêm, vốn điều lệ của VHM dự kiến tăng từ 33.495 tỷ đồng lên gần 43.544 tỷ đồng.
Cũng là tâm điểm giao dịch tuần 16 20/8, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup thu hút hơn 547 tỷ đồng giá trị mua ròng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với tuần trước đó. Tuy vậy, áp lực bán dồn dập khiến mã này ghi nhận mức giảm lên đến 11,9%.
Sau khi góp công kéo thị trường đảo chiều tích cực trong phiên ATC ngày đáo hạn hợp đồng tương lai 19/8, áp lực bán tăng mạnh sau đó khiến VIC trở thành một trong những áp lực lớn nhất khiến chỉ số mất đi hơn 45 điểm tại phiên đóng cửa.
Theo sau nhóm cổ phiếu Vingroup, đại diện DIG của nhóm bất động sản cũng được mua ròng 539 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân chủ yếu đối ứng với tổ chức trong nước. Trong tuần qua, hai cổ đông lớn nhất tại DIG liên tục có động thái chốt lời sau khi mã này thiết lập vùng giá đỉnh kể từ khi lên sàn.
Bất chấp những biến động mạnh, cá nhân trong nước vẫn duy trì rót vốn vào một số cổ phiếu ngân hàng như MSB (411 tỷ đồng), LPB (317 tỷ đồng), CTG (240 tỷ đồng). Nhóm này cũng mua ròng nhiều bluechip như NVL, NLG, GAS, PVT...
Trở lại chiều bán, TCB của Techcombank và STB của Sacombank là hai mã bị rút ròng nhiều nhất trong tuần qua, lần lượt đạt quy mô 467 tỷ đồng và 234 tỷ đồng. Chịu áp lực xả nhẹ hơn là VPB của VPBank (gần 110 tỷ đồng).
Xét về giá trị giao dịch trong tuần, cổ phiếu TCB đứng đầu trong nhóm ngân hàng với gần 6.324 tỷ đồng, nối tiếp lần lượt là VPB với hơn 4.475 tỷ đồng, STB đạt hơn 3.889 tỷ đồng.
Giao dịch sôi động diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến kéo dài thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho các nhà băng đến hết tháng 6/2022. Ngoài ra, dự thảo thông tư cũng mở rộng thêm phạm vi và điều kiện được cơ cấu nợ.
Bộ đôi vốn hóa lớn ngành thép là HPG và HSG lần lượt bị bán ròng gần 165 tỷ đồng và 86 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong ngày 18/8, ông Trần Vũ Minh - con trai Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long của Hòa Phát đã mua thành công 5 triệu cp HPG, nâng tỷ lệ sở hữu tại HPG lên 1,56%, tương đương 69,8 triệu cp.
Chiều bán ròng cũng chứng kiến giao dịch tại các cổ phiếu DGC (141 tỷ đồng), VCI (114 tỷ đồng). Theo sau, nhà đầu tư cá nhân rút ròng với quy mô dưới 100 tỷ đồng khỏi các cổ phiếu MWG, VJC, SGT, ...