Tự doanh CTCK có tuần mua ròng mạnh nhất 2 tháng, tập trung chứng chỉ quỹ FUEVFVND và bluechip
Tự doanh có tuần mua ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 6
VN-Index giảm mạnh trong tuần này với áp lực bán áp đảo. Sau khi vượt mốc 1.370 điểm một cách thuyết phục trong ngày thứ Hai (16/8), chỉ số không biến động nhiều trong hai phiên tiếp theo mà chủ yếu dao động trong biên độ hẹp quanh mốc 1.360 điểm. VN-Index có phiên tăng điểm khá bất ngờ trong ngày thứ Năm (19/8) trước khi giảm sâu vào ngày thứ Sáu cuối tuần (20/8), với phe bán chiếm ưu thế trong suốt thời gian giao dịch.
Đóng cửa tuần, chỉ số sàn HOSE mất đi 27,62 điểm tương đương 2,04%, dừng lại ở mốc 1.329,43 điểm. Khởi sắc hơn, HNX-Index tăng 0,32% lên 338,06 điểm, UPCoM-Index cũng tăng 0,57% lên 92,7 điểm.
Điểm nhấn trong tuần qua là phiên cuối tuần ghi nhận mức thanh khoản khớp lệnh trên HOSE cao nhất từ trước đến nay với gần 1,8 tỷ đơn vị khớp lệnh, giá trị vượt 37.000 tỷ đồng. Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 28.160 tỷ đồng, tăng 19,08% so với tuần trước đó và là mức thanh khoản cao nhất lịch sử.
Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, nhóm này bán ra tổng cộng 1.860 tỷ trong khi mua vào gần 2.645 tỷ, theo đó giá trị vào ròng gần 785 tỷ đồng, ghi nhận tuần bán ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 6.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, khối tự doanh mua ròng 719 tỷ đồng. Theo quan sát, giao dịch mua phân tán giữa các nhóm cổ phiếu chứ không còn tập trung vào nhóm VN30.
Tự doanh chuyển mua ròng cổ phiếu nhóm ngân hàng, bất động sản
Diễn biến theo nhóm ngành, khối tự doanh công ty chứng khoán gom nhiều nhất cổ phiếu của các quỹ đầu tư (công ty chứng khoán) với giá trị đột biến gần 356 tỷ đồng. Kế đó hai nhóm bất động sản và ngân hàng có giá trị vào ròng lần lượt là 189 tỷ và 170 tỷ đồng.
Dễ thấy, có sự thay đổi vị thế của khối tự doanh ở nhóm cổ phiếu các nhà băng và doanh nghiệp địa ốc, họ tập trung mua ròng thay vì rút ròng tuần trước đó. Dòng tiền từ khối tự doanh còn trở lại một số nhóm ngành như kim loại, bán lẻ...
Chiều ngược lại, ngành công nghiệp nặng chịu áp lực rút vốn lớn nhất với 43 tỷ đồng. Dòng vốn tự doanh còn rút khỏi các ngành đã tăng mạnh trong tuần trước đó như xây dựng & vật liệu (24 tỷ đồng) và vận tải (21 tỷ đồng).
Chứng chỉ quỹ FUEVFVND tiếp tục dẫn đầu Top mua ròng
Giao dịch cụ thể theo từng mã, chứng chỉ quỹ FUEVFVND dẫn đầu về giá trị mua ròng trong tuần 16 - 20/8 với hơn 332,5 tỷ đồng. Tuần trước đó, mã này cũng đứng đầu trong Top mua ròng của khối tự doanh. Thêm một chứng chỉ quỹ khác cũng góp mặt trong danh sách hút tiền từ tự doanh tuần này là E1VFVN30 với 24,7 tỷ đồng.
Tại giao dịch cổ phiếu, bộ đôi cổ phiếu họ Vingroup là VHM và VIC cũng thu hút dòng vốn tự doanh với giá trị vào ròng lần lượt là 119,7 tỷ và 81,1 tỷ đồng. Đây cũng là hai mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index trong tuần qua với mức đóng góp giảm tương tứng là 0,87 và 0,76 điểm phần trăm.
Ngoài ra, cổ phiếu TCB của Techcombank cũng ghi nhận giá trị mua ròng trên trăm tỷ. Ngoài ra, hoạt động mua ròng còn xuất hiện ở một số cổ phiếu vốn lớn khác như VNM (81,1 tỷ đồng), HPG (69,7 tỷ đồng), STB (67,6 tỷ đồng), MWG (57 tỷ đồng) và VCI (47,6 tỷ đồng).
Với lực mua áp đảo, không có mã nào bị khối tự doanh bán ròng trên 60 tỷ đồng trong tuần qua. Cụ thể, cổ phiếu SSI bị khối tự doanh công ty chứng khoán rút ròng mạnh nhất với 57,7 tỷ đồng.
Khối tự doanh đã chốt lời cổ phiếu của Chứng khoán SSI tại vùng đỉnh lịch sử. Kết phiên 6/7, SSI đã quay đầu giảm nhẹ 0,3% về mốc 62.500 đồng/cp bất chấp đà lao dốc 3,3% của VN-Index. Không riêng gì khối tự doanh, cổ phiếu SSI cũng đối mặt với áp lực rút vốn từ các cá nhân trong nước.
Cùng chiều bán ra, một số cổ phiếu cũng bị khối tự doanh rút ròng là REE (42,7 tỷ đồng), FPT (39,8 tỷ đồng), DXG (25,9 tỷ đồng), PNJ (24,1 tỷ đồng), BID (23,7 tỷ đồng) và NLG (22,5 tỷ đồng).
Lực bán của khối tự doanh còn xuất hiện tại một số cổ phiếu vốn hóa vừa như GMD (20,1 tỷ đồng), TIP (15,6 tỷ đồng) và DBC (11,3 tỷ đồng).