Tuần 16 - 20/8: Khối ngoại bán ròng tất cả phiên trong tuần với tổng giá trị 5.667 tỷ đồng
VN-Index đóng cửa tuần thứ 34 của năm 2021 với 2 phiên tăng điểm và 3 phiên điều chỉnh. Mặc những nỗ lực duy trì đà tăng trong phiên đầu tuần, áp lực chốt lời dâng cao cùng tâm lý bi quan trong phiên cuối tuần khiến chỉ số mất đi 27,62 điểm tương đương 2,04% dừng lại ở mức 1.329,43 điểm.
Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 28.160 tỷ đồng, tăng 19,08% so với tuần trước đó và là mức thanh khoản cao nhất lịch sử, phá vỡ cột mốc cũ là 26.441 tỷ đồng/phiên trong tuần đầu tháng 6.
Diễn biến tích cực hơn, HNX-Index tăng nhẹ 1,1 điểm (0,3%) lên mức 338.06 điểm, UPCoM-Index cũng có thêm 0,56 điểm (0,6%) chạm mốc 92,73 điểm.
Trong tuần VN-Index đánh mất đà tăng, khối ngoại duy trì bán ròng trong cả 5 phiên. Áp lực bán xuất hiện mạnh nhất ngay trước phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 8 với giá trị lên đến 1.882 tỷ đồng.
Lũy kế trong tuần, tổng quy mô rút vốn trên HOSE lên đến 5.667 tỷ đồng, trong đó 4.491 tỷ đồng được thực hiện qua phương thức khớp lệnh.
Dòng tiền rút mạnh nhất khỏi nhóm bất động sản khiến nhóm này bị bán ròng tổng cộng 2.232 tỷ đồng, trong đó lực bán tập trung phần lớn ở cổ phiếu họ Vingroup. Theo sau, nhóm này duy trì rút ròng mạnh khỏi ngành dịch vụ tài chính (chủ yếu là cổ phiếu chứng khoán) với giá trị 1.060 tỷ đồng, giảm nhẹ so với tuần trước đó.
Trái chiều, nhà đầu tư nước ngoài chỉ giải ngân nhẹ vào một số nhóm như hàng gia dụng, lâm nghiệp và giấy...
Tại HOSE: Áp lực bán ròng nâng lên 5.667 tỷ đồng, xả mạnh cổ phiếu nhóm Vingroup
Với 5 phiên bán ròng, chiều bán chiếm vị thế áp đảo so với chiều mua với giá trị tương ứng 13.021 tỷ đồng/7.355 tỷ đồng. Theo đó, khối ngoại bán ròng tổng cộng gần 5.667 tỷ đồng tại HOSE, chủ yếu thực hiện qua phương thức khớp lệnh.
Áp lực bán ròng mạnh nhất tập trung ở nhóm cổ phiếu thuộc Tập đoàn Vingroup. Theo đó, VHM (Vinhomes) dẫn đầu với tổng quy mô bán ròng 816 tỷ đồng, còn VIC chịu lực xả nhẹ hơn với 647 tỷ đồng.
Sau thông tin hai cổ đông lớn là Vingroup và Viking Asia Holdings II Pte. Ltd đồng thời muốn bán hơn 132 triệu cp VHM, mã này đã chịu áp lực chốt lời mạnh và mất đi 9,92% giá trị. Lực bán xuất hiện mạnh nhất trước khi giao dịch của nhóm cổ đông lớn diễn ra, vào ngày 17 và 18/8.
Tương tự với VHM, VIC mất hơn 11,9% giá trị sau tuần giao dịch. Sau khi này đột ngột đảo chiều dẫn dắt VN-Index tăng điểm trong phiên đáo hạn phái sinh, thị trường đồng loạt chốt lời VIC trong phiên cuối tuần khiến mã này giảm gần sàn 6,06%, với khối lượng giao dịch hơn 5 triệu cp.
Nối tiếp tuần trước đó, SSI của Chứng khoán SSI bị bán ròng 796 tỷ đồng. Đáng chú ý, phiên 19/8 đánh dấu cột mốc thanh khoản mới của SSI với tổng giá trị giao dịch 3.052 tỷ đồng và khối lượng 52,7 triệu đơn vị. Trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 971 tỷ, tương ứng với 15,7 triệu đơn vị.
Cùng chiều, dòng tiền rút khỏi hàng loạt cổ phiếu bluechip như VNM, NVL, CTG, MSN, VJC, đồng thời chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng bị rút ròng 330 tỷ đồng.
Trở lại chiều mua ròng, DGC của Hóa chất Đức Giang là đại diện HOSE duy nhất được mua ròng trên 100 tỷ đồng, cụ thể là 138 tỷ đồng. Giao dịch tích cực xuất hiện sau khi mã này được dự đoán được thêm vào danh mục MVIS Vietnam Index – chỉ số tham chiếu của VNM ETF trong kỳ đánh giá tháng 9 tới đây.
Theo sau, khối ngoại chỉ giải ngân với quy mô tương đối khiêm tốn vào loạt cổ phiếu như HSG, PTB, DGW, DHC, BWE...
Trên sàn HNX: Quay lại mua ròng 150 tỷ đồng, tâm điểm là thương vụ PVI
Ghi nhận giao dịch tích cực hơn so với sàn HOSE, khối ngoại đảo chiều mua ròng hơn 150 tỷ đồng tại HNX, tập trung ở nhóm cổ phiếu bảo hiểm.
Tâm điểm trong tuần là giao dịch mua ròng gần 175 tỷ đồng cổ phiếu PVI của Bảo hiểm PVI. Tính riêng trong phiên 19/8, PVI được mua ròng hơn 4,5 triệu đơn vị, hay 174 tỷ đồng. Đây có thể là giao dịch của cổ đông lớn HDI Global SE sau khi quỹ này đăng ký mua 6 triệu cp PVI từ ngày 19/8 đến ngày 15/9.
Cùng chiều, VND của Chứng khoán VNDirect được mua ròng 31 tỷ đồng sau khi bị chốt lời trong tuần trước đó. Dòng tiền ngoại cũng tìm đến DXS (16,3 tỷ đồng), PAN (11,1 tỷ đồng), BCC (5,5 tỷ đồng).
Trái lại, cổ phiếu ngành cảng DXP bị bán ròng 20 tỷ đồng khi giao dịch tại nhóm này đảo chiều. Nối tiếp, khối ngoại bán ròng lần lượt các mã BVS (18,5 tỷ đồng), PVS (13,8 tỷ đồng), SHS (12,5 tỷ đồng), CDN (11,8 tỷ đồng).
Tại UPCoM: Tiếp đà mua ròng 107 tỷ đồng
Đồng thuận với sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài nối tiếp xu hướng trong tuần trước khi mua ròng gần 107 tỷ đồng tại UPCoM, trong đó tâm điểm mua ròng là nhóm xây dựng và vật liệu.
Dẫn đầu tại chiều mua là CTR của Viettel Construction với giá trị mua ròng 64,5 tỷ, tăng gần 3 lần so với tuần trước đó. Cổ phiếu của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - ACV tiếp tục được vào ròng 27,1 tỷ đồng, theo sau là QNS (20,6 tỷ đồng), MML (10 tỷ đồng), MCH (7 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, cổ phiếu BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt bị bán ròng mạnh nhất 25,1 tỷ đồng trong tuần nhóm ngân hàng đồng loạt đảo chiều.
Giao dịch rút ròng nối tiếp xuất hiện ở VTP (16,2 tỷ đồng), đồng thời các mã SIP, LTG, MSR bị bán ròng với giá trị dưới 10 tỷ đồng.