|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân chưa trở lại trong phiên giảm thứ hai của VN-Index

08:17 | 24/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên mở cửa tuần (23/8), tâm lý kém khả quan khiến các cá nhân trong nước tiếp tục bán ròng hơn 187 tỷ đồng tại HOSE. Áp lực bán mạnh nhất xuất hiện tại nhóm ngân hàng, đồng thời duy trì chốt lời nhóm chứng khoán khi nhiều cổ phiếu chứng khoán đồng loạt tăng trần.

Chịu áp lực từ phiên giảm mạnh cuối tuần trước, thị trường chứng khoán tiếp tục điều chỉnh trước áp lực bán dồn dập và tâm lý giao dịch kém khả quan của nhà đầu tư trong phiên mở cửa tuần (23/8).

Kết phiên, VN-Index giảm 30,57 điểm (2,3%) còn 1.298,86 điểm và đánh mất ngưỡng 1.300 điểm. HNX-Index giảm 3,22 điểm (0,95%) còn 334,84 điểm, UPCoM-Index giảm 1,24 điểm (1,34%) còn 91,46 điểm.

Thanh khoản thị trường trong phiên duy trì ở mức trung bình với trên 32.000 tỷ đồng, tương đương 1,08 tỷ đơn vị cổ phiếu giao dịch. Trong đó, riêng giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt gần 24.800 tỷ đồng.

Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân chưa trở lại trong phiên giảm thứ hai của VN-Index - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch theo nhóm nhà đầu tư và biến động của VN-Index trong 20 phiên gần nhất. (Nguồn: FiinPro).

Thống kê giao dịch khớp lệnh, nhà đầu tư cá nhân cùng khối ngoại vẫn là hai lực bán chính trên thị trường. Theo đó, cá nhân trong nước bán ròng 187 tỷ đồng, còn nhà đầu tư nước ngoài cũng có phiên bán ròng thứ hai liên tiếp với 377 tỷ đồng.

Phiên 23/8 chứng kiến sự đồng thuận trong giao dịch của tự doanh và các tổ chức trong nước. Hai nhóm này đồng loạt mua ròng 208 tỷ đồng và 357 tỷ đồng, trở thành lực mua đối ứng nâng đỡ thị trường bất chấp việc chỉ số mất đi ngưỡng hỗ trợ 1.300 điểm.

Nhóm ngân hàng, chứng khoán tiếp tục chịu áp lực bán ròng

Thống kê tại HOSE, nhóm bất động sản vẫn thu hút lực mua ròng mạnh nhất mặc dù quy mô giải ngân của các cá nhân đã thu hẹp đáng kể so với cuối tuần trước. Nhóm này được mua ròng 95 tỷ đồng, với nhiều đại diện đóng góp tiêu cực cho VN-Index như GVR, VIC, VHM...

Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân chưa trở lại trong phiên giảm thứ hai của VN-Index - Ảnh 2.

Giao dịch theo nhóm ngành của NĐT cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Theo sau, giao dịch mua ròng xuất hiện rải rác ở các nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp, dầu khí, điện, nước & xăng dầu khí đốt...

Trái lại, cá nhân trong nước bán ròng tại 10/18 ngành, trong đó áp lực bán chủ yếu vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng (216 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (114 tỷ đồng)...

Đáng chú ý, điểm sáng của phiên hôm nay thuộc về nhóm chứng khoán với nhiều cổ phiếu đồng loạt tăng trần như TCI, EVS, HBS, SHS, TVS, APG, CTS, AGR... Các mã còn lại cũng kết phiên trong sắc xanh.

Tâm điểm xả ròng hàng loạt cổ phiếu ngân hàng: CTG, TCB, ACB, MBB, VPB

Là nhóm chịu áp lực bán ròng lớn nhất trong phiên đầu tuần (23/8), có tới 5 cổ phiếu ngân hàng nằm trong top10 mã bị bán ròng mạnh nhất của các cá nhân trong nước.

Cổ phiếu CTG của Vietinbank dẫn đầu với 139 tỷ đồng rút ròng, nối tiếp áp lực bán tập trung tại TCB của Techcombank (46,9 tỷ đồng), ACB (31,1 tỷ đồng), MBB (30,4 tỷ đồng), VPB (27,6 tỷ đồng).

Hiện Vietinbank đang có kế hoạch thoái vốn tại ba công ty con, đồng thời mua lại các ngân hàng đang cần tái cấu trúc, bao gồm GPBank và Ocean Bank nhằm mục đích rút ngắn quãng thời gian phát triển quy mô dư nợ. Hiện tại, nhà băng này vẫn chưa có kế hoạch triển khai cụ thể.

Giữa đợt điều chỉnh mạnh của các cổ phiếu ngân hàng, mới đây Phó Tổng Giám đốc MB đã đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu MBB từ 25/8 đến 23/9 qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh, dự kiến thu về khoảng 57 tỷ đồng.

Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân chưa trở lại trong phiên giảm thứ hai của VN-Index - Ảnh 3.

Cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Mặc dù là điểm sáng trong phiên giao dịch, cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI vẫn bị bán ra 98,6 tỷ đồng trong phiên. Ghi nhận trong thời gian gần đây, hai cổ đông lớn tại SSI đã đồng loạt bán ra hơn 38 triệu cổ phiếu trong tháng 8.

Giao dịch diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu SSI vẫn duy trì đà tăng kể từ cuối tháng 3/2021. Kết phiên 23/8, giá cổ phiếu SSI ở mức 63,400 đồng/cp, tăng hơn 91,54% so với đầu năm 2021.

Cùng chiều, dòng tiền cá nhân cũng rút ròng nhẹ hơn khỏi hàng loạt cổ phiếu trong phiên thị trường biến động như VNM (51,9 tỷ đồng), MWG (38,4 tỷ đồng), NLG (30,8 tỷ đồng), VIC (28,4 tỷ đồng).

Trở lại chiều mua, giao dịch có phần ảm đạm khi không có cổ phiếu nào được mua ròng trên 100 tỷ đồng.

Cổ phiếu MSN của Masan dẫn đầu chiều mua ròng với 64,2 tỷ đồng. Cũng trong ngày 23/8, hai cổ đông lớn tại Masan đã thông báo hoàn tất mua thêm khoảng 1,48 triệu cp MSN từ 22/7 đến 20/8/2021. Tuy vậy, nhóm này không thực hiện hết số lượng đã đăng ký với lý do không đạt kỳ vọng về giá.

Nối tiếp, nhà đầu tư cá nhân duy trì giải ngân nhẹ vào nhóm bất động sản. Cụ thể, các đại diện thu hút lực cầu bao gồm VHM (56,2 tỷ đồng), NVL (44,4 tỷ đồng), VRE (31,2 tỷ đồng), DIG (24,4 tỷ đồng).

Các cổ phiếu ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có BID, DPM, GMD, PLX, MHC. Trong đó, MHC là cổ phiếu hiếm hoi duy trì sắc tím trong phiên 23/8.

Thảo Bùi