Dòng tiền thông minh 24/8: Tự doanh và tổ chức trong nước duy trì mua ròng gần 700 tỷ đồng khi VN-Index mất mốc 1.300 điểm
VN-Index tiếp tục trải qua một phiên giảm điểm mạnh với biên độ mở rộng về cuối phiên. Tín hiệu gia tăng của thanh khoản tại các nhịp sụt giảm phá đáy trong phiên cho thấy xu hướng giảm điểm vẫn đang có phần lấn át. Mặc dù vậy, chỉ số đang dần lùi về điểm đỡ quan trọng tại ngưỡng 1.290 điểm.
Đóng cửa phiên đầu tuần, VN-Index giảm 2,3%, về mức 1.298,86 điểm. Dòng tiền đầu tư thoát khỏi thị trường khi 17/19 ngành đều giảm điểm. Trong đó, dòng tiền co cụm vào các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như chứng khoán và y tế.
Về thanh khoản, giá trị giao dịch toàn thị trường giảm 34,2% còn 31.915 tỷ đồng. Mức giảm mạnh là do phiên thứ Sáu tuần trước giá trị tăng đột biến. Thanh khoản phiên ngày hôm qua ở mức trung bình so với 5 phiên trước với giá trị giao dịch trên sàn HOSE là 25.702 tỷ đồng.
Trong phiên VN-Index đánh mất mốc 1.300 điểm, tự doanh và tổ chức nội vẫn là hai bên xuống tiền nâng đỡ thị trường, bất chấp áp lực bán ra của NĐT cá nhân và khối ngoại.
Tự doanh cùng tổ chức trong nước tiếp đà mua ròng gần 700 tỷ đồng
Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, nhóm này mua ròng 212 tỷ, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 207,9 tỷ đồng.
Tự doanh mua ròng 8/18 ngành, trong đó nhóm mua ròng mạnh nhất là dịch vụ tài chính, bán lẻ. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên đầu tuần gồm FUEVFVND, SSI, MWG, TCB, VPB, ACB, MBB, AGG, GEX, VIC.
Trong khi đó, họ tập trung rút vốn khỏi các doanh nghiệp địa ốc. Top cổ phiếu bị bán ròng gồm BID, DXG, HPG, STB, FPT, PNJ, HSG, GMD, REE, BCG.
Tương tự khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước mua ròng phiên thứ hai liên tiếp. Cụ thể, nhóm này mua ròng 482,5 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 356,8 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 6/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm bất động sản. Top10 cổ phiếu bị khối này bán ròng có VHM, DIG, MHC, SSB, DCM, GEX, DPM, VIB, DRC, AGR.
Chiều ngược lại, họ mua ròng mạnh nhất nhóm ngân hàng. Top cổ phiếu được mua ròng có HPG, CTG, VIC, VPB, TCB, VNM, DXG, VJC, MWG, ACB.
Cá nhân trong nước bán ròng chủ yếu nhóm ngân hàng
Trong các bên tham gia thị trường, NĐT cá nhân bán ròng 313,1 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh 187,2 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 8/18 ngành, chủ yếu là ngành bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân gồm MSN, VHM, NVL, BID, DPM, VRE, GMD, PLX, MHC, DIG.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, dòng tiền cá nhân chủ yếu rút khỏi nhóm ngành ngân hàng, dịch vụ tài chính. Top cổ phiếu bị bán ròng có CTG, SSI, VNM, TCB, MWG, ACB, MBB, VIC, VPB.
Khối ngoại tiếp đà bán ròng, tập trung vào nhóm chứng khoán
Về phía NĐT nước ngoài, họ bán ròng 343,2 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 377,4 tỷ đồng.
Theo quan sát, khối ngoại chủ yếu bán ròng nhóm dịch vụ tài chính. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: FUEVFVND, HPG, MSN, NVL, VIC, VCB, GAS, PLX, HCM.
Có thể thấy các mã trong top bán ròng của nước ngoài chủ yếu là các cổ phiếu lớn trong rổ chỉ số của các quỹ. Nước ngoài đã quay lại bán ròng chứng chỉ quỹ Diamond sau hai phiên mua ròng nhẹ.
Trong họ Vingroup, VIC vẫn là mã bị khối này bán ròng. Đây là phiên bán ròng thứ 25 liên tiếp, với tổng giá trị bán ròng là 3.519 tỷ đồng dẫn đến vị thế rút ròng từ đầu năm là 3.041 tỷ đồng. VRE cũng bị bán ròng phiên ngày hôm qua sau khi nước ngoài mua ròng một phiên duy nhất ngày thứ Sáu trong 10 ngày liên tiếp. Riêng VHM tiếp tục được mua ròng phiên thứ ba liên tiếp.
Chiều ngược lại, lực cầu của NĐT ngoại chủ yếu đặt tại nhóm bảo hiểm, ngân hàng. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VHM, SSI, CTG, NLG, VNM, STB, BVH, MBB, DGC, PHR.
Nước ngoài đa thay đổi vị thế quay sang mua ròng CTG, đây là mã được thêm vào trong kỳ cơ cấu danh mục của MSCI tháng 8 này. Bên cạnh đó, họ cũng mua ròng SSI ngày thứ hai liên tiếp sau chuỗi bán ròng 8 phiên trước đó.