Phiên 23/8: Khối ngoại duy trì bán ròng trên HOSE nhưng mua ròng tại HNX và UPCoM
Thị trường đóng cửa tại giá thấp nhất trong phiên hình thành nên một cây nến đỏ đặc. Điều này cho thấy tâm lý giao dịch kém khả quan của nhà đầu tư trước diễn biến hiện tại của thị trường.
Đóng cửa phiên đầu tuần, VN-Index giảm 30,57 điểm (2,3%) còn 1.298,86 điểm, HNX-Index giảm 3,22 điểm (0,95%) còn 334,84 điểm, UPCoM-Index giảm 1,24 điểm (1,34%) còn 91,46 điểm.
Thanh khoản thị trường trong phiên duy trì ở mức trung bình với trên 32.000 tỷ đồng, tương đương 1,08 tỷ đơn vị cổ phiếu giao dịch. Trong đó, riêng giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt gần 24.800 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, vị thế bán ròng được duy trì trong phiên thứ 10 liên tiếp với giá trị 381,7 tỷ đồng, tương đương 11,7 triệu cổ phiếu.
Giao dịch rút ròng tập trung chủ yếu ở chứng chỉ ETF là FUEVFVND. Mã này bị bán ròng trên 227 tỷ đồng, tương ứng hơn 9,2 triệu đơn vị. Đóng cửa phiên 23/8, thị giá chứng chỉ quỹ này giảm về mức 25.000 đồng (0,83%). Thống kê trong tuần trước, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng hơn 330 tỷ đồng tại HOSE.
Theo sau, các cổ phiếu trong top bán ròng của khối ngoại đều chịu lực xả dưới 100 tỷ đồng, dẫn đầu là HPG của Hòa Phát (85,2 tỷ đồng), MSN của Masan (78,7 tỷ đồng).
Ba ông lớn ngành bất động sản là NVL, VIC, VRE bị bán ròng lần lượt 53,1 tỷ, 48,3 tỷ và 36,6 tỷ đồng. Theo sau, dòng tiền rút ròng nhẹ khỏi GAS, HCM, PLX...
Trái chiều, VHM của Vinhomes bất ngờ dẫn đầu chiều mua ròng với quy mô giải ngân 74,6 tỷ đồng. Trong phiên nhóm cổ phiếu chứng khoán dậy sóng, SSI của CTCP Chứng khoán SSI tiếp tục được mua ròng 68,2 tỷ đồng.
Cùng chiều, dòng tiền ngoại cũng tập trung tại NLG (26,8 tỷ đồng), VNM (23,3 tỷ đồng), BVH (19,5 tỷ đồng). Mặc dù là một trong những nhóm tác động tiêu cực nhất tới chỉ số, CTG, STB, MBB của nhóm ngân hàng vẫn được mua ròng 59,7 tỷ, 23,1 tỷ và 17,6 tỷ đồng. Lực cầu theo sau tìm đến DGC, PHR với giá trị dưới 15 tỷ đồng.
Tại HNX, giao dịch vẫn duy trì tích cực khi nhà đầu tư nước ngoài duy trì mua ròng gần 20,5 tỷ đồng, nhưng lại bán ròng về khối lượng 61.567 đơn vị cổ phiếu.
Dẫn đầu chiều mua ròng vẫn là cổ phiếu VND với giá trị 41,9 tỷ đồng. Theo thông tin công bố mới đây, một quỹ ngoại đã đăng ký thoái toàn bộ 3,325 triệu cổ phiếu VNDirect từ ngày 24/8. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Cùng chiều, khối ngoại tiếp tục mua ròng DXS của Đất Xanh Services (3,8 tỷ đồng). Nối tiếp, nhóm này cũng rót vốn vào EVS (937 triệu đồng), PAN (404 triệu đồng), TDN (350 triệu đồng)...
Trái lại, nhiều cổ phiếu đồng loạt ghi nhận áp lực bán ròng trên 1 tỷ đồng như SHB (9,4 tỷ đồng), BVS (3,6 tỷ đồng). Nối tiếp, CDN, BCC, VCS đồng loạt chịu áp lực rút ròng khoảng 2 tỷ đồng, theo sau là PVS (1,9 tỷ đồng), NTP (1,9 tỷ đồng), BII (1,6 tỷ đồng)...
Tại thị trường UPCoM, tương quan giữa chiều mua/bán là 33,93 tỷ đồng/16,19 tỷ đồng. Theo đó nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 17,74 tỷ đồng tương ứng khối lượng 181.374 đơn vị.
Tại chiều mua, cổ phiếu QND vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất 11,5 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại cũng tìm đến VTP (4,2 tỷ đồng), ACV (2,6 tỷ đồng), theo sau ABI, VEA, HTG, MFS lần lượt được mua ròng khoảng 1,1 tỷ - 1,3 tỷ đồng. Lực cầu nhẹ hơn xuất hiện tại HHV, BTD, PGB, BSR.....
Ở phía bán ròng, BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt dẫn đầu khi bị bán ròng 8,5 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những mã giảm sâu nhất nhóm ngân hàng khi mất đi 7,35% giá trị, xuống mức 18.900 đồng/cp.
Theo sau, dòng vốn ngoại rút ròng dưới 1 tỷ đồng khỏi các mã SIP, VGT, NNG, SBS, VGI, CST...