Phiên 26/8: Khối ngoại bán ròng trở lại khi VN-Index không giữ được đà tăng
Nỗ lực tăng điểm trong cả phiên bị đánh đổ khi loạt cổ phiếu trụ thi nhau lao dốc, trong khi cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ nỗ lực gồng đỡ để giữ nhịp cho thị trường. Kết phiên, VN-Index mất 8,43 điểm còn 1.301,12 điểm, mức giảm này chỉ bằng một nửa đà giảm của VN30-Index.
Có phần khởi sắc hơn, HNX-Index tăng 0,25% lên 336,85 điểm, UPCoM-Index tăng 0,02% lên 91,55 điểm.
Về thanh khoản, giá trị giao dịch có cải thiện hơn phiên hôm qua, nhưng vẫn duy trì ở mức thấp. Cụ thể, khối lượng giao dịch đạt gần 722 triệu đơn vị cổ phiếu, tương đương gần 22.370 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, chiều bán chiếm ưu thế khiến khối ngoại quay lại chiều bán ròng với 403,69 tỷ đồng. Về khối lượng, nhóm này xả ròng trên 4 triệu đơn vị cổ phiếu.
Thống kê 10 mã bị bán ròng mạnh nhất, cổ phiếu VHM của Vinhomes dẫn đầu với giá trị 205,5 tỷ đồng, tăng hơn 50 tỷ đồng so với phiên trước. Áp lực bán xuất hiện nhiều hơn về cuối phiên khiến giá VHM lao dốc 0,37%, đóng cửa ở 106.600 đồng/cp.
Nối tiếp, lực xả từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài duy trì tại CTG (85,3 tỷ đồng). Được biết, CTG đã niêm yết bổ sung hơn 1,08 tỷ cổ phiếu kể từ ngày 25/8, nâng số lượng cổ phiếu niêm yết lên 4,8 tỷ đơn vị.
Theo sau, nhiều mã bluechips cũng bị bán ròng là HPG (47,5 tỷ đồng), GMD (46,9 tỷ đồng), MSN (29,9 tỷ đồng), HCM (26,1 tỷ đồng). Trước đó từ ngày 18 - 24/8, cổ đông lớn tại Gemadept là Kim Vietnam Growth Equity Fund đã liên tiếp bán ra hơn 1,8 triệu cổ phiếu GMD.
Cùng chiều, hai mã VPB và GAS bị bán ròng đồng thời 23,3 tỷ đồng, kế đó xả ròng HSG (21,2 tỷ đồng) và DIG (21,1 tỷ đồng).
Thiếu vắng cổ phiếu dẫn dắt, chiều mua trong phiên 26/8 không có mã nào được mua ròng trên 100 tỷ đồng.
MBB của Ngân hàng MB tiếp tục được mua ròng 82 tỷ đồng, tuy lực cầu đã giảm hơn 27 tỷ đồng so với phiên trước. Mặc dù là nhóm tác động tiêu cực nhất tới chỉ số, hai đại diện khác thuộc ngành ngân hàng là STB và VCB được mua ròng lần lượt 14,2 tỷ đồng và 8,8 tỷ đồng.
Theo sau, lực cầu xuất hiện tại VNM (43,1 tỷ đồng) và chứng chỉ ETF ngoại E1VFVN30 (22,1 tỷ đồng). Dòng tiền ngoại cũng tìm đến các mã DHC, SAB, KBC, GIL, SSI với quy mô giải ngân ròng dưới 20 tỷ đồng.
Tại HNX, tương quan giữa chiều mua/bán của khối ngoại là 55,15 tỷ/37,53 tỷ đồng. Theo đó nhóm này mua ròng 17,62 tỷ đồng, tương ứng 481.622 đơn vị.
Tại chiều mua ròng, hai cổ phiếu được rót vốn ròng mạnh nhất vẫn là VND của Chứng khoán VNDirect (14,9 tỷ đồng) và DXS của Đất Xanh Services (13,2 tỷ đồng). Theo thông bảo, VND, DXS cùng 14 cổ phiếu khác sẽ giao dịch ngày cuối cùng trên HNX vào 27/8 trước khi chuyển sang HOSE vào ngày 6/9.
Cũng nằm trong danh sách chuyển niêm yết đợt này, PAN được mua ròng 1,1 tỷ đồng. Theo sau, giao dịch cùng chiều xuất hiện tại BII, TVB, THD, EVS, VCS, PVS...
Ở chiều bán, khối ngoại rút vốn khỏi loạt cổ phiếu NTP (5,9 tỷ đồng), NVB (3,9 tỷ đồng), SHS (3,4 tỷ đồng). Hai mã chịu áp lực bán ròng nhẹ hơn là DXP (1,6 tỷ đồng), BCC (1 tỷ đồng). Một vài cổ phiếu cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều là VGS, BVS, THT, SD5...
Trên thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp với giá trị 10,3 tỷ đồng. Tuy nhiên lại bán ròng về khối lượng 17.888 đơn vị.
Cụ thể, nhóm này mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu CTR của Viettel Construction (15,8 tỷ đồng). Nối tiếp, ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam được mua ròng 8,1 tỷ đồng, theo sau là VTP của Viettel Post (2 tỷ đồng).
Lực cầu tại UPCoM cũng phân bổ tại các mã HHV, ORS, MCH, DDV...với giá trị lần lượt dưới 400 triệu đồng.
Trái lại, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi chịu áp lực chốt lời gần 13 tỷ đồng sau nhiều phiên mua ròng. Tương tự, LTG cũng bị xả ròng 2,6 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng nhẹ hơn là VNA (723 triệu đồng), TCI (319 triệu đồng), nối tiếp lực xả dưới 100 triệu đồng xuất hiện tại VLB, FOX, WTC, BSR...