|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (26/8): Cổ phiếu trụ thi nhau lao dốc, VN-Index mất hơn 8 điểm

13:45 | 26/08/2021
Chia sẻ
Nỗ lực tăng điểm trong cả phiên bị đánh đổ khi loạt cổ phiếu trụ thi nhau lao dốc. Kết phiên, VN-Index mất 8,43 điểm, mức giảm này chỉ bằng một nửa đà giảm của VN30-Index.

Đóng cửa, VN-Index giảm 8,43 điểm (0,64%) còn 1.301,12 điểm. Có phần khởi sắc hơn, HNX-Index tăng 0,25% lên 336,85 điểm, UPCoM-Index tăng 0,02% lên 91,55 điểm.

Thị trường chứng khoán (26/8): Cổ phiếu trụ thi nhau lao dốc, VN-Index mất hơn 8 điểm - Ảnh 1.

Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên 26/8. (Nguồn: VNDirect).

Nỗ lực tăng điểm trong cả phiên bị đánh đổ khi loạt cổ phiếu trụ thi nhau lao dốc. Kết phiên, VN-Index mất 8,43 điểm, mức giảm này chỉ bằng một nửa đà giảm của VN30-Index.

Điều này xuất phát từ việc cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ nỗ lực gồng đỡ để giữ nhịp cho thị trường. Theo đó, mặc dù giảm điểm, cán cân giao dịch trên HOSE vẫn nhích nhẹ về bên mua với 189 mã tăng, 180 mã giảm và 39 mã đứng giá tham chiếu.

Thị trường tiếp tục phân hóa mạnh với áp lực bán dâng cao tại bộ ba 'bank, chứng, thép' cùng nhóm bất động sản, dầu khí. Chiều ngược lại, dòng tiền vẫn tìm kiếm lợi nhuận ở các nhóm xây dựng & vật liệu, vận tải - cảng biển, phân bón - hóa chất, ...

Sắc đỏ trùm lên rổ VN30 khi có tới 24 mã giảm, áp đảo hoàn toàn so với 6 mã tăng. Những mã giữ được sắc xanh đến cuối phiên là GVR, POW, VRE, MWG, SAB, VNM.

Về thanh khoản, giá trị giao dịch có cải thiện hơn phiên hôm qua, nhưng vẫn duy trì ở mức thấp. Cụ thể, khối lượng giao dịch đạt gần 722 triệu đơn vị cổ phiếu, tương đương gần 22.370 tỷ đồng.

Trong phiên VN-Index đổ đèo vào những phút cuối, giao dịch khối ngoại không mấy khởi sắc khi họ đảo chiều bán ròng hơn 400 tỷ đồng trên HOSE với lực xả chủ yếu đặt tại VHM (205 tỷ đồng), CTG (85 tỷ đồng) và HPG (47,6 tỷ đồng).

Tính đến 13h45, VN-Index giảm 1,45 điểm (0,11%) còn 1.308,1 điểm, VN30-Index giảm 6,39 điểm (0,45%) xuống 1.422,12 điểm.

Cổ phiếu trụ lao dốc sau 45 phút đầu phiên chiều với áp lực điều chỉnh chủ yếu tại nhóm ngân hàng và bất động sản. Mặc dù VN-Index đánh mất sắc xanh nhưng độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên mua với tỷ lệ cổ phiếu giảm/tăng là 207/149.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 2,84 điểm (0,22%) lên 1.312,39 điểm, HNX-Index tăng 0,93% lên 339,13 điểm, UPCoM-Index tăng 0,15% lên 91,67 điểm.

Dòng tiền có sự luân phiên dịch chuyển trong phiên sáng nay với động lực tăng điểm đến từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Trái lại, nhóm vốn hóa lớn đánh mất vị thế dẫn dắt đầu phiên và xu hướng phân hóa mạnh đang hiện hữu.

Cụ thể, nhóm VN30 giao dịch khá cân bằng với 14 mã tăng, 14 mã giảm và 2 mã đứng giá tham chiếu.

Dẫn đầu chiều tăng là cổ phiếu POW của PV Power với tỷ lệ 2,2%. Phiên trước đó, mã này cũng tăng kịch trần lên 11.250 đồng/cp. Theo sau là GVR (tăng 1,8%), VRE (1,3%), MWG (1,2%).... Chiều ngược lại, PDR là mã chỉnh sâu nhất với tỷ lệ mất giá là 2%. Ngoài ra, sắc đỏ của VJC, NVL, ACB cũng kìm hãm đà tăng của thị trường.

Diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu của doanh nghiệp địa ốc tiếp tục là tác nhân khiến chỉ số chưa thể bứt phá qua vùng cản mạnh. Riêng nhóm này đã lấy đi 1,1 điểm của VN-Index. Mặt khác, việc cổ phiếu ngân hàng đánh mất vị thế tăng điểm cũng khiến đà tăng chưa thể lan tỏa.

Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp với hơn 384 triệu đơn vị giao dịch, tương đương tổng giá trị giao dịch toàn thị trường là 11.448 tỷ đồng, tăng 9,5% so với phiên trước đó.

Thị trường chứng khoán (26/8): Cổ phiếu cảng biển nổi sóng trở lại, VN-Index tăng nhẹ với thanh khoản thấp - Ảnh 1.

Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên sáng ngày 26/8. (Nguồn: VNDirect).

Tính đến 10h35, VN-Index tăng 2,39 điểm (0,18%) lên 1.311,94 điểm, VN30-Index giảm 0,04% còn 1.427,9 điểm.

VN-Index đang đi ngang với biên độ hẹp. Tuy nhiên nhóm vốn hóa lớn không còn là nhân tố giữ nhịp cho chỉ số, thay vào dòng tiền đang hướng về nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

Khối lượng giao dịch duy trì ở mức thấp cho thấy cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Tính đến hiện tại, những mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index gồm GVR, VNM, GMD, HDB và DPM. Chiều ngược lại, VIC, NVL, PDR, VJC và MBB vẫn là những mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số.

Tính đến 9h40, VN-Index tăng 2,5 điểm (0,19%) lên 1.312,05 điểm, HNX-Index tăng 0,84% lên 338,81 điểm, UPCoM-Index tăng 0,09% lên 91,62 điểm.

Nối tiếp đà hồi phục trong phiên hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa trong sắc xanh nhờ sự dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn. Tuy nhiên, áp lực bán mạnh từ nhóm bất động sản với đại diện là VIC đã đánh mất xung lực tăng điểm của VN-Index.

Cổ phiếu của các nhà băng tiếp tục là tâm điểm hút tiền từ đầu phiên. Hầu hết các mã trong nhóm ghi nhận tăng điểm, ngoại trừ VIB, MBB, LPB và SSB. Nhiều cổ phiếu tăng mạnh ngay đầu phiên sáng như PGB ( tăng 4,6%), SHB (4%), BVB (2,1%), ABB (2%), SGB (1,2%)...

Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để HDBank phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020. Cụ thể, HDBank dự kiến phát hành hơn 398 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương với tỷ lệ 25%; qua đó, nâng vốn điều lệ của ngân hàng lên gần 20.073 tỷ đồng.

Ngoài ra, động lực tăng điểm còn đến từ cổ phiếu các ngành chứng khoán, bán lẻ, hóa chất, điện, vận tải... Đáng chú ý, cổ phiếu cảng biển nổi sóng trở lại sau đợt điều chỉnh vừa qua. Nhiều cổ phiếu lộ trần từ sớm như PHP, HAH, GMD, PDN, các mã còn lại có tỷ lệ tăng tốt từ 3 - 11%.

Chiều ngược lại, dòng bất động sản ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số với mức đóng góp giảm gần 1 điểm. Theo quan sát, trong số 10 lực cản lớn nhất thị trường có tới 6 đại diện thuộc ngành bất động sản như VIC, NVL, BCM, VGC, PDR và VHM.

Trở lại diễn biến trên thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 25/8 đóng cửa trong sắc xanh nhờ diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi lợi suất trái phiếu 10 năm đi lên.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 39 điểm, tức khoảng 0,1%, và đóng cửa ở 35.405,5 điểm. S&P 500 thêm 0,15% và kết phiên ở đỉnh mới 4.496 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng nhích 0,1% lên kỷ lục mới 15.402 điểm.

Thu Thảo

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.