Nhà đầu tư 600 tỉ của Cocobay tiết lộ cuộc gặp tay ba với bầu Hiển tại trụ sở SHB
Sự việc chủ đầu tư condotel Cocobay Đà Nẵng ngừng cam kết chi trả lợi nhuận như đã cam kết tại thời điểm bán hàng ngày càng có nhiều ý kiến trái chiều từ các bên có liên quan.
Sau khi chủ đầu tư và ngân hàng SHB - đơn vị đóng vai trò bảo lãnh dự án, cấp tín dụng cho chủ đầu tư và cấp vốn vay cho khách hàng lên tiếng, người viết đã liên hệ với ông Mai Huy Tân, nhà đầu tư đã đổ gần 600 tỉ đồng vào Cocobay Đà Nẵng để có thêm thông tin.
Chủ tịch Empire Group nói muốn hoàn lại tiền cho ông nhưng ông không đồng ý và vẫn muốn đầu tư vào Cocobay để sinh lời. Ông có phản hồi gì về việc này?
Ông Mai Huy Tân: Ông Nguyễn Đức Thành tiếp tôi vào ngày 20/11/2019 và thông báo miệng những nội dung mà sau đó Thành Đô thể hiện trong công văn số 233 ngày 23/11/2019. Thông báo này gửi đến tôi ngày 25/11/2019.
Khi thông báo miệng, ông Thành không nói cụ thể phương án hoàn tiền cho tôi như thế nào, bao gồm số lượng, phương thức thanh toán và thời điểm thanh toán.
Trong khi đó, Nhịp Cầu Việt Đức đã đầu tư gần 600 tỉ đồng vào Cocobay Đà Nẵng. Thu nhập cam kết Thành Đô còn nợ, chưa thanh toán trong năm 2019 còn khoảng 54 tỉ đồng.
Do đó, tôi cảm thấy lời hứa mua lại 600 tỉ đồng thiếu cơ sở thực tế nên tôi chưa thể phát biểu ý kiến đồng ý được.
Về thông tin tôi vẫn muốn đầu tư vào Cocobay để sinh lời, tôi không có nói bởi vào lúc đó, sự thất tín của phía Thành Đô đã gây mất lòng tin vào Cocobay.
Tuy nhiên, tôi có nói về yêu cầu cụ thể để giải quyết, Nhịp Cầu Việt Đức yêu cầu Thành Đô phải giao 42 Giấy chứng nhận sổ đỏ của 42 bất động sản mà Nhịp Cầu Việt Đức đã trả đủ tiền 100%.
Nếu Thành Đô không khai thác để trả thu nhập cam kết thì phải có phương án hợp lí, hợp tình để trả lại tài sản mà chủ sở hữu đã mua cùng với sổ đỏ. Đó là phản hồi của tôi đã nói với Thành Đô vào ngày 20/11/2019.
Từ buổi gặp 20/11 đến nay, ông Thành chưa gặp lại tôi lần nào mà chỉ gửi thư qua thư kí của Thành Đô, rồi chuyển đến tôi hoặc chỉ nhắn tin với những lời hứa chung chung. Vì thế, tôi chưa có cơ sở chắc chắn để phản hồi.
Ông Nguyễn Đức Thành trả lời với báo chí rằng ông dẫn cháu gái là môi giới đến gặp ông Thành đề nghị đầu tư vào Cocobay. Sự việc này như thế nào thưa ông?
Ông Mai Huy Tân: Giữa tháng 6/2016, tập đoàn Daesang Hàn Quốc đã kí hợp đồng mua lại cổ phần của CTCP Thực phẩm Đức Việt (Xúc xích Đức Việt).
Phía Việt Nam không công bố thông tin này nhưng bên mua là Daesang Corp đã chủ động công bố trước và đưa tin từ nước ngoài. Do đó, nhiều báo ở Việt Nam đã loan thông tin này vào tháng 7/2016.
Vì công ty Xúc xích Đức Việt khá nổi tiếng nên thương vụ này gây sự chú ý đối với các dự án bất động sản, đặc biệt là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Một số nhân viên bán hàng của chủ đầu tư những dự án như vậy hoặc đại lí bán hàng của họ dĩ nhiên đã tìm đến tôi, điều đó cũng là lẽ thường tình.
Lúc đó, tôi không chủ động tìm đến bất kì một dự án nào. Nhưng sau khi lắng nghe và nghiên cứu hoạt động tiếp thị này, Nhịp Cầu Việt Đức đã đi khảo sát một số dự án bán bất động sản du lịch nghỉ dưỡng của Vin Group, Sun Group, BIM Group, FLC Group và cả Empire Group (Thành Đô), tại các địa điểm dự án như Nha Trang, Hạ Long, Sầm Sơn, Phú Quốc và Đà Nẵng.
Từ các khảo sát này, Nhịp Cầu Việt Đức đã chú ý đến dự án Cocobay. Nhân viên khối kinh doanh của Thành Đô phối hợp với Sàn Bất động sản Kiều Anh đã tiến hành những hoạt động tiếp thị mạnh mẽ, đồng thời báo cáo lên Chủ tịch Thành Đô Nguyễn Đức Thành.
Tôi có quen biết cá nhân ông Nguyễn Đức Thành do một số lần gặp gỡ tình cờ tại Sở Kinh tế đối ngoại, TP Hà Nội (sau là Sở Kế hoạch và Đầu tư) vì khi đó (1992) ông Thành đang khởi động dự án Công viên nước Hồ Tây ở Hà Nội.
Sau đó, tôi cũng có một vài lần gặp lại ông Thành trong vài hoạt động của Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội…
Biết được quan hệ cũ đó nên nhân viên khối kinh doanh của Thành Đô và Sàn Bất động sản Kiều Anh đã giới thiệu Nhịp Cầu Việt Đức với ông Thành.
Thông tin ông Thành nói ông tự tìm đến ông Thành xin được đầu tư vào Cocobay có đúng không ạ?
Ông Mai Huy Tân: Một số báo đưa tin ông Thành và ông Hiển đến nhà tôi để mời tôi đầu tư là không đúng, gây ra hiểu lầm cá nhân.
Trong buổi gặp gỡ, ông Thành có giới thiệu và khẳng định ngân hàng SHB bảo lãnh cho dự án Cocobay, vừa cho Thành Đô vay tiền đầu tư, vừa cho các khách hàng của Thành Đô vay tiền để mua bất động sản thuộc dự án Cocobay như: Biệt thự Nam An, các tòa nhà liền kề (Boutique Hotel) và căn hộ khách sạn (Condotel).
Mức độ cho vay có thể lên đến 70% giá trị bất động sản và thời hạn cho vay có thể lên đến 20 năm.
Với dòng tiền cam kết về thu nhập 10%, 12% và 12,5%/ năm đối với biệt thự, căn hộ và nhà ở liền kề do Thành Đô cam kết trong hợp đồng mua bán với chủ sở hữu, thì chủ sở hữu có thể hoàn trả đầy đủ tín dụng cả gốc lẫn lãi cho SHB.
Trên cơ sở đó và để củng cố thêm niềm tin, Nhịp Cầu Việt Đức đã yêu cầu gặp và trao đổi trực tiếp với ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB.
Cuộc gặp mặt giữa ba Chủ tịch của ba doanh nghiệp được diễn ra vào đầu tháng 10, tại văn phòng của ông Đỗ Quang Hiển ở trụ sở SHB số 77 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tại thời điểm này, Nhịp Cầu Việt Đức chưa xuống tiền vì chưa kí hợp đồng mua bán với Thành Đô.
Trong buổi họp quyết định này, ông Thành nói rằng dự án Cocobay có triển vọng phát triển rất tốt đẹp, lại có ngân hàng SHB bảo lãnh và cho cả hai bên vay tiền. Khi mua, còn có văn bản cam kết ba bên gồm SHB, Thành Đô (bên bán) và khách hàng (bên mua).
Ngoài ra, ông Đỗ Quang Hiển cũng khẳng định rằng: "SHB cho anh vay tiền, anh thế chấp tại ngân hàng em, bằng tài sản anh mua của Thành Đô, Thành Đô trả thu nhập cam kết của anh như vậy và chuyển vào tài khoản tại SHB để anh trả nợ. Khi nào anh trả nợ hết thì bên em sẽ hoàn lại giấy tờ sở hữu cho anh. Như vậy rất đảm bảo".
Để đảm bảo hơn nữa, trước khi kí hợp đồng mua bán với Thành Đô, Nhịp Cầu Việt Đức còn yêu cầu ngân hàng SHB phát hành thông báo chính thức cam kết tài trợ như những điều ông Chủ tịch SHB hứa.
Do đó, SHB đã phát hành công văn số 443/CV-TTKD ngày 5/10/2016 gửi Nhịp Cầu Việt Đức cam kết cho vay với những điều kiện cụ thể.
Công văn số 443/CV-TTKD ngày 5/10/2016 SHB gửi Nhịp Cầu Việt Đức. Nguồn: Ông Mai Huy Tân.
Sau đó, từ ngày 8/10/2016 đến tháng 12/2016, Nhịp Cầu Việt Đức mới kí với Thành Đô 32 hợp đồng mua bán, trong đó gồm 8 hợp đồng mua bán 8 biệt thự Naman, 24 hợp đồng mua bán 24 tòa nhà ở liền kề loại 7 tầng (tức 24 Boutique Hotel).
Tiếp đó, Thành Đô còn kí bán cho Nhịp Cầu Việt Đức qua 10 hợp đồng riêng biệt: bán tiếp 10 căn hộ khách sạn (condotel).
Như vậy, tổng cộng Thành Đô đã bán 42 bất động sản gồm ba nhóm nói trên và Nhịp cầu Việt Đức đã trả đủ 100% tiền mua theo đúng 42 hợp đồng mua bán.
Đó là sự thật rất cụ thể và rất chính xác về quá trình tiếp thị và bán hàng tại dự án Cocobay đã được diễn ra trên thực tế giữa Thành Đô và Nhịp cầu Việt Đức.
Ở vị thế khách hàng, ông nghĩ ngân hàng SHB đóng vai trò như thế nào trong thương vụ đầu tư này?
Ông Mai Huy Tân: Ngân hàng SHB đóng vai trò ngân hàng bảo lãnh cho dự án, cũng đóng vai trò người cấp tín dụng cho chủ đầu tư Cocobay là công ty Thành Đô, đồng thời cũng đóng vai trò cho công ty Nhịp Cầu Việt Đức vay 402,3 tỉ đồng để mua 42 bất động sản tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Ngân hàng SHB cũng tham gia và đã kí thỏa thuận cam kết ba bên như đã nói ở trên. Rõ ràng, SHB có vai trò rất quan trọng và có trách nhiệm liên quan đến xử lí vụ khủng hoảng tại Cocobay do Thành Đô đơn phương vi phạm hợp đồng, chấm dứt thu nhập cam kết, đẩy hàng nghìn nhà đầu tư thứ cấp như Nhịp Cầu Việt Đức vào cảnh nợ nần và mất nguồn tiền chi trả.
Chân thành cám ơn ông!
Nhà sáng lập xúc xích Đức Việt thế chấp toàn bộ các Hợp đồng mua bán 42 bất động sản tại SHB
Ông Mai Huy Tân, sau khi bán Xúc xích Đức Việt cho Tập đoàn Daesang Corp, Hàn Quốc vào năm 2016, đã dùng hầu hết số tiền thu được để đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng.
Trong đó gồm: Hai căn Coco Ocean Resort; 24 căn Boutique Hotel thuộc Khối nhà liền kề Hoàng Gia A1, mỗi tòa gồm 7 tầng và 8 căn Coco Skyline Resort.
Đồng thời, nhà sáng lập xúc xích Đức Việt còn thế chấp 8 căn biệt thự tại Khu Naman Retreat & Residences có diện tích đất 380 m2 mỗi căn.
Giải pháp Thành Đô đưa ra thiếu cơ sở pháp lí
Ngày 23/11/2019, Thành Đô gửi thông báo số 233/CV-TĐ đến khách hàng, qua đó thông báo công ty sẽ chấm dứt việc chi trả lợi nhuận 12% mỗi năm như đã cam kết với khách hàng mua condotel trước đó.
Đồng thời, chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng đưa ra bốn nhóm giải pháp cho việc phá vỡ cam kết này.
Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng giải pháp chủ đưa ra chỉ thể hiện thiện chí của chủ đầu tư.
Condotel và chung cư là hai mô hình hoàn toàn khác hẳn.Chung cư sẽ hoạt động theo Luật Nhà ở, như vậy chủ đầu tư hầu như sẽ không có quyền thương mại mà thay vào đó, chủ đầu tư phải bàn giao lại cho ban quản trị…
Luật Nhà ở chỉ đơn thuần điều tiết theo góc độ sinh hoạt, còn những vấn đề phân chia lợi nhuận, thuế, chính sách,... phát sinh từ mục đích kinh doanh chưa có hành lang pháp lí hỗ trợ.
Phương án xử lí chi tiết "không đáng tin"
Ngày 1/12/2019, Thành Đô gửi tiếp thông báo số 252/CV-TĐ liên quan đến phương án xử lí chi tiết về việc Thành Đô phá vỡ cam kết chi trả thu nhập. Văn bản gửi đi lần hai này được kí bởi Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Như Quỳnh.
Theo văn bản phát đi, nếu hết hạn mức đăng kí mà khách hàng vẫn muốn đăng kí chuyển đổi từ căn hộ khách sạn sang chung cư thì chủ đầu tư sẽ không thể thực hiện được.
Về phía khách hàng, ông Mai Huy Tân cho rằng "văn bản này thiếu giá trị pháp lí" bởi theo ông "người kí văn bản không phải là Chủ tịch Thành Đô mà là nhân viên làm thuê theo hợp đồng của Thành Đô, vì thế thiếu mức độ pháp lí tin cậy để giải quyết một vấn đề khủng hoảng to lớn".
SHB chỉ bảo lãnh tiến độ dự án
Trong thông cáo phát đi ngày 29/11, SHB cho biết ngân hàng tài trợ vay vốn với chủ đầu tư triển khai dự án, trên cơ sở dự án đầy đủ điều kiện về pháp lí theo qui định của pháp luật.
SHB đã thẩm định dự án khả thi, hiệu quả và các điều kiện để SHB quản lí dòng tiền bán hàng, tài sản đảm bảo, tiến độ dự án, đảm bảo an toàn vốn vay với SHB.
Đối với khách hàng cá nhân mua nhà dự án, SHB cho vay trên cơ sở tuân thủ đúng qui định của pháp luật, Luật nhà ở, Khách hàng cá nhân có tình hình tài chinh lành mạnh, tài sản đảm bảo theo qui định, nguồn thu đủ để đảm bảo trả nợ gốc và lãi khoản vay.
SHB thực hiện thẩm định, giải ngân tuân thủ theo đúng qui định của pháp luật, qui định của Ngân hàng Nhà nước và các qui định của SHB. Các khoản vay đều có tài sản đảm bảo đầy đủ theo qui định.
SHB khẳng định: "Quyền kinh doanh là của chủ đầu tư. Thỏa thuận giữa chủ đầu tư với khách hàng và quyền kinh doanh của chủ đầu tư thực hiện theo luật doanh nghiệp và luật dân sự.
Do đó, việc giải quyết các vấn đề khúc mắc, các thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư và khách hàng. Tuy nhiên, với tinh thần hỗ trợ khách hàng, SHB sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ giải quyết (nếu cần)".