|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ sở hữu condotel Cocobay muốn Thành Đô bồi thường bằng đất

11:58 | 03/12/2019
Chia sẻ
Một nhóm nhà đầu tư đề nghị Thành Đô nếu dừng trả mức lãi suất cam kết 12% thì qui khoản nợ đó tới khi kết thúc hợp đồng là bao nhiêu tiền và trả bằng đất hoặc bằng một tài sản nào khác để nhà đầu tư có thể lấy tài sản đó trả nợ ngân hàng.

Liên quan tới việc CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Đô (Empire Group) vừa gửi văn bản nêu các thông tin chi tiết, cụ thể về phương án xử lí khi dừng chi trả mức lợi nhuận cam kết 12% với khách hàng mua condotel tại Cocobay, không ít chủ sở hữu đã lên tiếng thể hiện sự không đồng tình.

Lợi nhuận cam kết trong nhiều năm hoàn toàn có thể đổi được sang đất

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hải Long (Hà Nội), chủ sở hữu một căn liền kề có 20 phòng lưu trú tại khu Boutique của dự án Cocobay Đà Nẵng cho biết, về bản chất thì văn bản mới của Thành Đô không khác gì văn bản cũ, chỉ là đưa ra các thông tin cụ thể hơn cho 3 phương án xử lí việc phá vỡ cam kết lợi nhuận mà họ đã nêu trước đó.

ccb

Chủ sở hữu condotel Cocobay muốn Thành Đô bồi thường bằng đất.

"Tôi đã gửi thư phản hồi với phía chủ đầu tư là chúng tôi muốn có một buổi thương thảo trực tiếp giữa 3 bên là chủ đầu tư – chủ sở hữu - ngân hàng và yêu cầu giữ nguyên hợp đồng mua bán, chứ không phải chủ đầu tư đơn phương đưa ra 3 phương án và giờ họ và chúng tôi chỉ bàn về 3 phương án này. Bởi vì ngay từ ban đầu chúng tôi đã đồng ý các phương án mà chủ đầu tư đưa ra đâu", anh Long nói.

Theo anh Long, Thành Đô không thể tự đơn phương chấm dứt hợp đồng và rồi lại "âm thầm" lên phương án xử lí khi không có một buổi trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư.

Anh Long cho biết, nếu bây giờ Thành Đô không thể trả được mức lãi suất cam kết cho khách hàng thì anh và một nhóm nhà đầu tư đề nghị Thành Đô nợ khách hàng trong bao nhiêu năm qui ra tổng số tiền là bao nhiêu và có thể bồi thường bằng đất hoặc bằng một tài sản nào khác để nhà đầu tư có thể lấy tài sản đó trả ngân hàng được.

Theo anh Long, những nhà đầu tư như anh (căn liền kề của anh Long mua tại Cocobay với giá 15 tỉ đồng) đổ cả hàng chục tỉ đồng vào Cocobay thì tiền lợi nhuận cam kết trong nhiều năm hoàn toàn có thể đổi sang được các lô đất hoặc sản phẩm bất động sản khác tại Cocobay cũng như tại các dự án khác của Thành Đô. 

"Vấn đề của chúng tôi là muốn tìm ra một giải pháp mà cả Thành Đô và phía ngân hàng SHB đều chấp nhận được để chúng tôi thoát khỏi gánh nặng nợ nần", anh Long nói.

Chị Nga (Hà Nội), chủ sở hữu một căn condotel tại Cocobay Đà Nẵng cho hay, căn condotel của chị khi mua có giá gần 47 triệu đồng/m2 vào thời điểm năm 2016. Với giá đó cùng thời điểm chị có thể mua được một căn chung cư cao cấp ở vị trí trung tâm thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên chị chấp nhận mua condotel ở Cocobay với giá đắt đỏ vì cho rằng khoản này đã bao gồm chi phí cho việc cam kết lợi nhuận hàng tháng.

"Vậy sao bây giờ tôi lại phải bỏ vài trăm triệu đồng ra để chuyển đổi từ condotel thành căn hộ chung cư? Tôi mua condotel là vì muốn có thêm một nguồn thu nhập từ lợi nhuận cam kết hàng tháng chứ không phải để ở. Gia đình tôi có sống ở Đà Nẵng đâu mà vào đó ở được", chị Nga nói.

Cũng theo chị Nga, việc chủ đầu tư đề nghị các chủ sở hữu condotel nộp 15% tổng giá trị bất động sản để chuyển đổi từ condotel sang căn hộ chung cư là điều rất vô lí. Với căn condotel của chị giá thuộc hàng thấp nhất (gần 1,5 tỉ đồng) đã phải nộp hơn 200 triệu đồng tiền phí chuyển đổi thì những căn giá 3-5 tỉ đồng phải nộp phí tới hơn nửa tỉ đồng. 

"Tôi là chủ sở hữu tôi lại phải bỏ tiền ra để mua lại bất động sản của chính mình, trong khi chúng tôi không đề nghị phương án đó mà đây là giải pháp khắc phục chủ đầu tư đưa ra khi không thể thực hiện đúng hợp đồng, vậy tại sao chi phí chúng tôi phải trả?", chị Nga nói.

Một chủ sở hữu khác đến từ Hà Nội xin không nêu tên trên báo chí cho hay, tại thời điểm anh kí hợp đồng mua bán căn hộ với công ty là năm 2017 và giá trị căn condotel tại thời điểm đó 40 – 50 triệu đồng/m2, thuộc tòa căn hộ khách sạn được xếp ở loại ba sao; bốn sao đến năm sao.

"Điều này khẳng định giá trị căn hộ của tôi là rất cao, thời điểm hiện tại Thành Đô chuyển đổi thành chung cư, giá trị căn hộ của tôi bị mất đi, tại sao lại thu phí chuyển đổi là 15%?", anh này nói.

Về giải pháp thứ 3 mà Thành Đô đưa ra đó là nếu chủ sở hữu thanh lí hợp đồng thì phía chủ đầu tư sẽ thu hồi lãi suất, chi phí bán hàng, vị khách này cho biết, đây là điều "hoàn toàn vô lí và không có căn cứ".

"Bản thân tôi không thỏa thuận nội dung này với chủ đầu tư và pháp luật không qui định công ty được quyền thu hồi những chi phí nêu trên, hơn nữa chủ đầu tư còn đang vi phạm nghĩa vụ hợp đồng", vị khách trên nói.

Chuyển đổi condotel sang chung cư: Bóp méo qui hoạch, không thể chỉ vì giải quyết khó khăn trước mắt của chủ đầu tư

Liên quan đến việc hàng loạt căn condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng được chuyển thành căn hộ chung cư, trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, pháp luật chỉ cho phép điều chỉnh qui hoạch sử dụng đất du lịch sang mục đích khác trong trường hợp qui hoạch không có tính khả thi hoặc không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

"Việc điều chỉnh qui hoạch từ condotel sang nhà chung cư mà không có căn cứ khoa học và thực tiễn, là bóp méo qui hoạch, là tai họa về qui hoạch cho nên không thể chỉ vì giải quyết khó khăn trước mắt của chủ đầu tư mà điều chỉnh qui hoạch", ông Châu nhấn mạnh

Theo ông Châu, đã có tình trạng điều chỉnh qui hoạch theo yêu cầu và theo hướng có lợi cho nhà đầu tư, ảnh hưởng xấu đến lợi ích cộng đồng.

"Việc điều chỉnh giảm qui hoạch sử dụng đất du lịch, làm tăng đất ở, hình thành khu dân cư ngay tại khu vực nhiều tiềm năng phát triển du lịch sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của địa phương. Đất du lịch mà nhồi vào đó một khu dân cư thì sẽ làm biến dạng và làm giảm đi giá trị, sự hấp dẫn đầu tư phát triển du lịch", Chủ tịch HoREA nói. 

Khánh Hà