|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tan nát vì Cocobay, dù lợi nhuận Thành Đô cam kết 12%, lãi thực tế nhận được chỉ hơn 10,5%

06:48 | 30/11/2019
Chia sẻ
Thành viên Ban đại diện các chủ sở hữu tại Cocobay Đà Nẵng cho hay, trong nhóm khách hàng mua condotel tại dự án này có nhiều trường hợp rất bi đát...

Sắp tới thời điểm cao trào đấu tranh quyền lợi tại Cocobay?

Vụ việc Cocobay Đà Nẵng "vỡ trận" dù đã xảy ra khoảng một tuần nay nhưng dường như bây giờ mới bắt đầu là thời điểm cao trào khi ngày 28/11 vừa qua, vài chục khách hàng mua condotel tại dự án này đã tụ tập trước cổng công ty Thành Đô tại quận Tây Hồ, Hà Nội, căng băng rôn phản đối việc chủ đầu tư đơn phương chấm dứt cam kết lợi nhuận 12% và các phương án 'chữa cháy' mà Thành Đô đưa ra.

Song song với đó, cùng ngày, vị khách hàng được xem là đổ tiền khủng nhất vào Cocobay – ông Mai Huy Tân - người sáng lập thương hiệu Xúc xích Đức Việt – cũng đã lên tiếng trước báo chí rằng đích thân ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Đô từng đến tận nhà ông mời đầu tư vào Cocobay với lời cam kết "Đầu tư cái này là đảm bảo quá đi, anh sợ gì rủi ro".

Đồng thời, ông Tân cũng cho rằng việc phá vỡ cam kết lợi nhuận 12% là "hành động phản bội của Thành Đô".

"Thành Đô đã ăn chặn toàn bộ thu nhập đã cam kết và không trả cho tôi. Đây là thái độ phi đạo đức của doanh nhân", ông Tân nói trên báo Nhà đầu tư.

coco2

Ông chủ Cocobay Nguyễn Đức Thành cho biết nếu khởi kiện thật thì ông sẵn sàng chấp nhận. Ảnh: Báo Dầu tư.

Tuy nhiên, phản ứng trước những phát ngôn của ông Tân, ông chủ Cocobay Nguyễn Đức Thành cho biết: "Không bao giờ có chuyện tôi đến nhà ông Tân mời đầu tư". Theo ông Thành, chính ông Mai Huy Tân mới là người đến tìm ông để xin được đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng.

Trước những phản ứng của các khách hàng về việc sẽ khởi kiện Công ty Thành Đô, ông Thành cho biết khởi kiện là điều ông không mong muốn xảy ra nhưng nếu thật thì ông sẵn sàng chấp nhận.

"Em bị đẩy vào đường cùng rồi anh ạ"

Chia sẻ với người viết, chị Phạm Thị Nga (quận Long Biên, Hà Nội), chủ sở hữu condotel tại Cocobay Đà Nẵng cho biết, chị mua một căn condotel một phòng ngủ tại đây với giá 1,465 tỉ đồng, trong đó 65% là vay ngân hàng SHB, còn lại 35% là tiền tiết kiệm của chị và vay mượn gia đình, người thân.

Ngân hàng SHB tính lãi vay lúc đầu là 8% (12 tháng đầu), sau đó tăng lên 11% và hiện tại lãi suất là 13%.

Chị Nga cho biết chị làm việc tự do và chủ yếu ở nhà nội trợ, lại có 4 con nhỏ, tiền mua condotel chủ yếu là tiền vay mượn nên việc Thành Đô chấm dứt trả lợi nhuận cam kết 12% sẽ đẩy chị vào cảnh điêu đứng.

"Trước tới nay tiền trả lãi ngân hàng là từ nguồn tiền lợi nhuận cam kết Thành Đô trả. Giờ khoản này không đảm bảo, tôi lại không có nguồn thu nhập thì tôi không biết xoay ở đâu để trả ngân hàng. Vụ việc Cocobay là một cú sốc khiến tôi mất ăn mất ngủ. Có những gia đình tan nát vì Cocobay rồi", chị Nga nói.

cocobay

Khách hàng mua condotel tại Cocobay Đà Nẵng: "Em bị đẩy vào đường cùng rồi anh ạ". Ảnh: Zing news.

Chị T.H ở Hà Nội cho biết, vì nghe truyền thông nên đã quyết định mua một căn condotel tại tòa R-07 từ tiền tiết kiệm, vay anh em, bạn bè (45%) và vay ngân hàng SHB (55%).

"Khi nghe tin Thành Đô tuyên bố không trả thu nhập cam kết nữa, tôi như bị trời giáng. Vậy khoản nợ khổng lồ vay ngân hàng và bạn bè, tôi lấy đâu ra để trả. Sở dĩ tôi liều vay để đầu tư vào Cocobay là vì khoản cam kết lợi nhuận 12%, có khoản đó tôi không phải lo nguồn trả lãi. Giờ bỗng nhiên tôi trở thành con nợ không lối thoát, Thành Đô đã đưa tôi vào cảnh nhà tan cửa nát", chị T.H nói.

Anh Nguyễn Hải Long (quận Đống Đa, Hà Nội), thành viên Ban đại diện các chủ sở hữu bất động sản tại Cocobay Đà Nẵng cũng cho hay, trong nhóm các khách hàng mua condotel tại dự án này có nhiều trường hợp rất bi đát.

Anh Long kể, ngay khi nhận tin Thành Đô dừng trả lãi suất cam kết 12%/năm, một chủ sở hữu condotel tại Cocobay là chị T.D. đã nhắn cho anh rằng: "Điều đó xảy ra chắc hàng trăm chủ sở hữu tan cửa nát nhà, vợ chồng mâu thuẫn, ví dụ như em. Em bị đẩy vào đường cùng rồi anh ạ".

Cũng theo anh Long, có trường hợp một khách hàng nữ hơn 60 tuổi, sống ở Huế, bị liệt và kiếm sống bằng việc mở lớp dạy học. Nghe quảng cáo Cocobay lợi nhuận hấp dẫn quá, chị đã dốc toàn bộ số tiền chắt chiu dành dụm cả đời, vay mượn thêm người thân, bạn bè và vay ngân hàng 60% để mua một căn condotel tại đây với hi vọng có chút tiền "bảo hiểm cho tuổi già cô đơn".

Giờ chị như ngồi trên đống lửa với khối nợ không có khả năng chi trả nếu chủ đầu tư không thực hiện lãi suất cam kết 12%.

Có trường hợp chồng đang thất nghiệp, vợ lương mỗi tháng được 7,3 triệu đồng, 2 đứa con nhỏ, việc trả lãi ngân hàng và một phần bù vào chi phí sinh hoạt của gia đình trông từ nguồn lợi nhuận cam kết của chủ đầu tư, giờ cắt khoản đó họ không có nguồn để trả nợ nên mất ăn mất ngủ nhiều ngày nay.

Trường hợp chị N.D ở Hà Nội được bố mẹ cho một căn nhà, hai vợ chồng bán đi vay thêm cho đủ 35% và vay ngân hàng SHB 65% để đầu tư vào Cocobay. Cứ nghĩ sau 8 năm sẽ có số tiền ổn định nuôi 2 con ăn học, giờ nguy cơ mất hết, nợ ngập đầu, trong khi vợ chồng không còn nhà ở, phải ở nhờ nhà người thân.

Theo anh Long, sở dĩ nhiều khách hàng chỉ có chút tiền trong tay nhưng vẫn quyết định đầu tư vào Cocobay bởi tại dự án này, ngân hàng SHB cho vay tối đa tới 70%, khách hàng chỉ cần xoay đủ 30% là có thể mua được. Ngân hàng dựa trên chính tài sản hình thành trong tương lai để nhận thế chấp và cho vay, và dựa trên chính nguồn thu nhập cam kết mà Thành Đô trả cho khách hàng để thu tiền lãi vay.

"Nghĩa là tất cả mọi khoản đều từ dự án này mà ra, khách hàng không phải xoay tiền để trả lãi. Và sau 8 năm khi trả xong nợ, khách hàng sẽ có một tài sản sở hữu lâu dài nên ai cũng thấy hấp dẫn, hơn nữa lại có SHB bảo lãnh và có hợp đồng cam kết 3 bên (chủ dầu tư – chủ sở hữu – ngân hàng) nên chúng tôi mới quyết định đổ tiền vào", anh Long nói.

Bản thân anh Long cũng đang sở hữu một căn liền kề có 20 phòng lưu trú tại Cocobay với giá mua 15 tỉ đồng, vay ngân hàng SHB 65%.

Anh Long cho biết, hiện Thành Đô trả lãi suất cam kết cho khách hàng mỗi năm 2 đợt vào tháng 6 và tháng 12.

Năm 2017 chủ đầu tư trả lãi đúng hạn. Đợt 1 năm 2018 trả chậm 2 tháng, có những khách hàng bị chậm tới 4 tháng; đợt 2 năm 2018 trả đúng hạn. Tới năm 2019, kì thanh toán lợi nhuận lần 1 đa số chủ sở hữu tới tháng 10 mới nhận được, thậm chí có người tới nay vẫn chưa thấy đâu. "Còn đợt 2 thì chưa biết khi nào và có nhận được không", anh Long nói.

Dù lợi nhuận cam kết 12%, lãi thực tế nhận được "trừ đầu xẻo đuôi" chỉ còn hơn 10,5%

Bên cạnh việc phản ứng gay gắt với việc dừng trả lợi nhuận cam kết 12% của chủ đầu tư, các khách hàng còn bức xúc với việc mức lãi thực tế họ nhận được không đủ 12% mà chỉ khoảng hơn 10,5%.

Chị Phạm Thị Nga cho biết, số tiền lãi 12% trước khi về tay chủ sở hữu thì đã bị trừ đi 5% thuế VAT, 5% thuế thu nhập cá nhân và một phần tiền thuế môn bài. "Điều đáng nói là chúng tôi không được biết trước điều này khi nhân viên bán hàng tư vấn".

Ngoài ra, các khách hàng cũng cho biết, số tiền lãi 12% là tính trên tổng giá trị mua bất động sản sau khi đã trừ đi 10% thuế VAT.

Với số tiền đầu tư 15 tỉ đồng, trừ đi 10% thuế VAT, anh Long chỉ nhận được tiền lợi nhuận cam kết 12% trên số tiền 13,5 tỉ đồng. Theo anh Long, sau khi trừ các loại thuế má, chi phí thì mỗi năm anh chỉ nhận được chưa tới 1,4 tỉ đồng tiền lãi.

"Trừ đi lãi vay ngân hàng hiện 13%, số tiền lời tôi nhận được gần như không đáng là bao", anh Long nói.

Còn chị Phạm Thị Nga cho hay, trong hợp đồng có nêu rõ nếu chủ đầu tư trả lợi nhuận cam kết chậm thì sẽ phải trả khoản phí bồi thường trên số tiền trả chậm. Nhưng tới nay, sau 2 lần bị trả chậm 2 tháng và 4 tháng, chị vẫn chưa nhận được đồng tiền bồi thường nào từ chủ đầu tư. 

Anh Long cho biết, anh và đa số chủ sở hữu hiện cũng chưa nhận được khoản tiền bồi thường trả chậm nào từ Công ty Thành Đô.

Giá bán Cocobay rất cao, khoản lợi nhuận cam kết đã được tính vào giá?

Theo anh Long, giá mua condotel tại Cocobay rất cao so với mặt bằng chung thời điểm đó tại Đà Nẵng, nhưng anh vẫn mua vì cho rằng giá đã bao gồm yếu tố lợi nhuận cam kết trả lại cho chủ sở hữu.

"Do đó tôi cho rằng hợp đồng mua bán đã kí với 8 năm trả lãi 12%/năm thì Thành Đô thừa khả năng thực hiện và không lệ thuộc vào kết quả kinh doanh", anh Long nói. 

Đại diện các chủ sở hữu tại Cocobay Đà Nẵng cũng đề nghị phải có buổi thương thảo cả 3 bên chủ đầu tư - chủ sở hữu - ngân hàng để tìm giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, đề nghị chính quyền vào cuộc để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người mua nhà.

SHB banner

SHB là ngân hàng độc quyền cho khách hàng vay mua bất động sản tại dự án Cocobay Đà Nẵng. Ảnh: Anh Long - thành viên Ban đại diện các chủ sở hữu bất động sản tại Cocobay cung cấp.

Nói về một trong những phương án chủ đầu tư đưa ra đó là khách hàng hợp tác với chủ đầu tư tiến hành chuyển đổi các condotel thành căn hộ chung cư và chủ sở hữu phải trả thêm 15% giá trị căn hộ, chị Phạm Thị Nga chất vấn, Thành Đô căn cứ vào đâu để đưa ra mức 15%?

"Điều này rất vô lí bởi tôi là chủ sở hữu tôi lại phải bỏ tiền ra để mua lại bất động sản của chính mình, trong khi chúng tôi không đề nghị phương án đó mà đây là giải pháp khắc phục chủ đầu tư đưa ra khi không thể thực hiện đúng hợp đồng, vậy tại sao chi phí chúng tôi phải trả?", chị Phạm Thị Nga nói.

Liên quan tới vụ việc Cocobay "vỡ trận", tối 29/11, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) - ngân hàng cho chủ đầu tư vay vốn và độc quyền cho khách hàng vay mua bất động sản tại Cocobay Đà Nẵng đã chính thức phát đi thông cáo về vấn đề này.

Theo đó, SHB cho biết, theo Luật nhà ở, các dự án khi triển khai bán hàng phải được ngân hàng bảo lãnh bàn giao nhà. SHB là ngân hàng bảo lãnh tiến độ bàn giao nhà của dự án này. Đến nay các căn hộ tại dự án đã được bàn giao theo đúng tiến độ của Hợp đồng mua bán.

SHB khẳng định: "Quyền kinh doanh là của chủ đầu tư. Thỏa thuận giữa chủ đầu tư với khách hàng và quyền kinh doanh của chủ đầu tư thực hiện theo luật doanh nghiệp và luật dân sự.

Do đó, việc giải quyết các vấn đề khúc mắc, các thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư và khách hàng. Tuy nhiên, với tinh thần hỗ trợ khách hàng, SHB sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ giải quyết (nếu cần)".

Khánh Hà

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.